Bộ trưởng Ngoại giao Canada lên án việc đàn áp tôn giáo ở Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên
Bộ trưởng Ngoại giao Canada François-Philippe Champagne đã đánh dấu Ngày Tự do Tôn giáo Quốc tế bằng cách lưu ý các trường hợp đàn áp tôn giáo ở các nước như Trung Quốc, Iran và Bắc Triều Tiên, và nói rằng điều quan trọng là phải công nhận quyền tự do thực hành tôn giáo của mọi người.
“Canada vẫn lo ngại trước sự gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái và chứng sợ Hồi giáo; việc đàn áp đang diễn ra đối với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các Phật tử Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công, và các cộng đồng có đức tin và tín ngưỡng khác ở Trung Quốc; sự loại trừ kinh tế liên tục đối với Bahá’ís ở Iran; và việc bỏ tù những người theo đạo Thiên chúa ở Bắc Triều Tiên,” ông Champagne nói trong một tuyên bố.
“Canada sẽ tiếp tục kêu gọi các chính phủ cho phép các thủ tục đặc biệt của Liên Hợp Quốc quyền tiếp cận quan trọng ngay lập tức mà không bị ràng buộc”.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, Trung Quốc có mức độ hạn chế của chính phủ cao nhất đối với tôn giáo. Iran và Bắc Triều Tiên cũng liên tục xếp hạng cao về các hạn chế tôn giáo.
Trong một cuộc thảo luận nhóm hôm 27/10 do Viện Tự do Tôn giáo Cardus tổ chức, ông Benedict Rogers, Giám đốc điều hành của tổ chức Theo dõi Hồng Kông (Hong Kong Watch), cho biết: “Trung Quốc ngày nay [có hồ sơ về] đàn áp nhân quyền nói chung tồi tệ nhất kể từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn và việc tấn công tự do tôn giáo tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa”.
Một tòa án năm 2019 do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tọa, trước đây ông dẫn đầu vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic vì tội ác chiến tranh. Ông kết luận rằng Trung Quốc tiếp tục giết các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng của họ “trên một quy mô lớn”. Nhóm đức tin này đã bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999, với nhiều trường hợp chết vì bị tra tấn, lao động cưỡng bức và các gia đình bị phá hủy.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã tăng cường đàn áp những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Hôm 21/10, Tiểu ban Quốc hội về Nhân quyền Quốc tế cho biết Bắc Kinh “đang áp dụng nhiều chiến lược khác nhau để đàn áp các nhóm Hồi giáo sống ở Tân Cương, bao gồm giam giữ hàng loạt, lao động cưỡng bức, giám sát nhà nước tràn lan và kiểm soát dân số”.
Theo ông Rogers, những người theo đạo Thiên chúa cũng tiếp tục phải đối mặt với sự đàn áp ở Trung Quốc, với nhiều trường hợp bị bắt giữ và đóng cửa các nơi thờ tự.
Ông Rogers nói: “Trong những năm gần đây, chúng tôi đã chứng kiến việc phá hủy — bao gồm cả việc phá hoại hoàn toàn — các nhà thờ, phá hủy hàng ngàn cây thánh giá, đóng cửa các nhà thờ, và bắt giữ các mục sư”.
Một báo cáo gần đây của Freedom House cho biết các quan chức Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch kéo dài nhiều năm để củng cố quyền kiểm soát các trung tâm lớn dành cho việc lĩnh hội Phật giáo Tây Tạng. Báo cáo cũng cho biết người Tây Tạng tiếp tục bị giam giữ và bị kết án tù dài hạn.
Trong tuyên bố, ông Champagne lưu ý rằng trong một số trường hợp, “việc đàn áp và phân biệt đối xử” dựa trên tôn giáo hoặc tín ngưỡng đã trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch COVID-19.
“Là một xã hội đa văn hóa, đa tín ngưỡng và đa sắc tộc, Canada sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền, bao gồm cả việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở trong nước và trên toàn thế giới,” ông nói.