Bộ trưởng Ngân khố Yellen: Tiền tiết kiệm tại ngân hàng của người Mỹ ‘vẫn an toàn’ sau những vụ sụp đổ vừa qua
Hôm thứ Năm (16/03), Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với các nghị sĩ Quốc hội rằng tiền gửi và tiền tiết kiệm tại ngân hàng của người gửi tiền “vẫn an toàn” sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank trong những ngày vừa qua khiến liên bang phải can thiệp.
Trình bày trước Ủy ban Tài chính Thượng viện, bà Yellen nói rằng chính phủ liên bang cam kết bảo đảm rằng các khoản tiền gửi sẽ được an toàn và hệ thống ngân hàng Mỹ hoạt động vững chắc. Đã có những lo ngại rằng sự lây lan khiến ngân hàng Signature và SVB sụp đổ có thể lan sang các ngân hàng khác, khi một số ngân hàng cộng đồng và ngân hàng khu vực đã chứng kiến cổ phiếu của họ giảm mạnh kể từ khi cuộc khủng hoảng xuất hiện vào cuối tuần trước (11-12/03.)
“Tôi có thể bảo đảm với các thành viên của ủy ban này rằng hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn vững chắc và người Mỹ có thể cảm thấy tự tin rằng tiền gửi của họ sẽ sẵn sàng khi họ cần,” bà Yellen nói với các thượng nghị sĩ trong một tuyên bố chuẩn bị sẵn. “Các hành động trong tuần này thể hiện cam kết kiên quyết của chúng tôi nhằm bảo đảm rằng tiền tiết kiệm của người gửi tiền vẫn an toàn.”
Nhiều lo ngại và chỉ trích đã được đặt ra về lý do tại sao chính phủ liên bang không phát hiện ra những rủi ro tại các ngân hàng SVB và Signature Bank trước khi khách hàng rút tiền hàng loạt trong trường hợp được mô tả là một sự tháo chạy tại hai ngân hàng này. Vào Chủ nhật (12/03), Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), Bộ Ngân khố, và Cục Dự trữ Liên bang đã công bố gói giải cứu để đảm bảo rằng khách hàng của SVB — một định chế được các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp sử dụng nhiều — và khách hàng của Signature Bank có quyền truy cập vào tiền của họ, thậm chí cho phép số tiền vượt quá giới hạn của FDIC là 250,000 USD.
Cộng với một trục trặc về kỹ thuật đã ảnh hưởng đến nhiều khách hàng của ngân hàng Wells Fargo hồi tuần trước, một số người Mỹ ngày càng lo lắng về tiền tiết kiệm và tiền gửi của họ. Một số nhà đầu tư và chuyên gia tài chính hàng đầu cũng đã kêu gọi chính phủ liên bang hành động khẩn cấp để giải cứu ngân hàng SVB nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản rộng lớn hơn mà một số người cho rằng sẽ dẫn đến một kịch bản giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Bà Yellen nói rằng cuộc giải cứu này đã được thiết kế để bảo đảm rằng khách hàng có thể tiếp cận với tiền của họ, thanh toán các hóa đơn của họ, và trả lương cho nhân viên của họ. Bà nói, các chủ nợ và cổ đông không được bảo vệ khỏi những tổn thất liên quan đến sự sụp đổ của ngân hàng này, đồng thời cho biết thêm rằng Cục Dự trữ Liên bang cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các ngân hàng vay trong trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra.
Bà tuyên bố: “Không có chút tiền nào của người đóng thuế được sử dụng hoặc bị đặt vào rủi ro với hành động này.”
Tuy nhiên, hôm thứ Năm (09/03) cổ phiếu của các ngân hàng nhỏ hơn của Hoa Kỳ tiếp tục giảm khi các nhà đầu tư tìm kiếm các định chế khác có thể diễn ra việc tương tự là người gửi tiền rút tiền hàng loạt khỏi ngân hàng. Wall Street đã tập trung vào các ngân hàng có nhiều người gửi tiền vượt quá giới hạn 250,000 USD được FDIC bảo đảm, cũng như những ngân hàng phục vụ nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ.
Ngân hàng First Republic Bank có trụ sở tại tiểu bang California là tâm điểm của sự hỗn loạn trên thị trường này, và hôm thứ Năm giá cổ phiếu của họ đã giảm 27%. Cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm hơn 50% trong tuần qua.
Các nhà phân tích đã nói rằng các ngân hàng đã bị ảnh hưởng do Cục Dự trữ Liên bang cố gắng tăng lãi suất để bù đắp lạm phát cao trong nhiều thập niên. Lãi suất cao hơn có thể chế ngự lạm phát bằng cách làm chậm nền kinh tế, nhưng lại làm tăng nguy cơ suy thoái sau này và cũng có thể gây hại cho giá cổ phiếu, trái phiếu, và các khoản đầu tư khác.
Một số người cũng đang đặt cược vào khả năng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất khi họ nhóm họp vào tuần tới. Tuy nhiên, hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Âu Châu đã tăng lãi suất căn bản thêm nửa điểm phần trăm, gạt bỏ suy đoán rằng họ có thể giảm quy mô này vì tất cả những bất ổn xung quanh các ngân hàng.
Trong phần trình bày của mình hôm thứ Năm, bà Yellen không đề cập đến tình hình liên quan đến ngân hàng Credit Suisse, đại ngân hàng có trụ sở tại Thụy Sĩ đã chứng kiến cổ phiếu của họ lao dốc vào đầu tuần này. Công ty này cho biết trong một tuyên bố trong tuần rằng họ sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương khoảng 53 tỷ USD, từ ngân hàng trung ương Thụy Sĩ để cung cấp thêm thanh khoản.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times