Bộ trưởng Ngân khố Úc: Tăng cường bang giao với Indonesia là ưu tiên hàng đầu
Tân Chính phủ Úc đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ ưu tiên làm sâu sắc hơn nữa mối bang giao với nước láng giềng phía bắc của mình là Indonesia.
Hôm 31/05, tân Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Sky News Afternoon Agenda của Sky News, đã báo hiệu về tầm quan trọng của mối bang giao song phương với Indonesia, lưu ý rằng Bộ trưởng Ngân khố Indonesia Sri Mulyani là cuộc gọi quốc tế đầu tiên của ông.
Ông Chalmers cho biết rằng mối bang giao giữa Úc với Indonesia đã “hoàn toàn” bị lãng quên trong thời gian dài và đã được tân chính phủ thuộc Công Đảng Úc chú tâm; mối bang giao này sẽ là chìa khóa cho các mục tiêu kinh tế của chính phủ ông Albanese.
“Chúng tôi cần phải nỗ lực hơn trong mối bang giao này. Ông Anthony mong muốn, bà Penny Wong cũng mong muốn, và tôi cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ với họ,” ông Chalmers nói, đề cập đến mối bang giao song phương.
“Có một nghị trình kinh tế quốc tế lớn. Tôi hy vọng sẽ tham dự các cuộc họp của G20 ở Bali vào tháng Bảy để chúng tôi có thể đóng góp vào việc bảo đảm G20 hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế cũng như các vấn đề khác.”
Indonesia sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp theo — hay Nhóm 20 — một diễn đàn quốc tế được xây dựng nhằm mục đích tăng cường hợp tác kinh tế toàn cầu giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hiện tại, các thành viên của diễn đàn này bao gồm Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Nam Hàn, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Liên minh Âu Châu. Các quốc gia này đạt hơn 80% GDP toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu, và 60% dân số trái đất.
Quyết định tập trung vào việc làm sâu sắc hơn mối bang giao với Indonesia đã được Công Đảng Úc nhấn mạnh trong cuộc bầu cử, trong đó đảng này tuyên bố sẽ thiết lập Liên kết đối tác Cơ sở hạ tầng và Khả năng Ứng phó với Khí hậu Úc-Indonesia như một trụ cột chính trong chiến lược kết giao với Đông Nam Á của nước này.
Công Đảng Úc đã cam kết rút 200 triệu USD từ chương trình Hỗ trợ Phát triển ở Hải ngoại [để cấp] cho chương trình này, với hy vọng nó có thể được mở rộng sau khi thảo luận thêm với Jakarta.
Ngoài ra, Công Đảng Úc cũng sẽ xem xét việc mở rộng liên kết thương mại thông qua một hiệp định đối tác toàn diện.
Các bình luận từ ông Chalmers được đưa ra khi Thủ tướng Úc Anthony Albanese chuẩn bị tới Indonesia để tham dự cuộc hội đàm cấp lãnh đạo vào Chủ Nhật này.
Thắt chặt bang giao với Úc cũng sẽ có lợi cho Indonesia khi tình trạng thiếu lương thực tiềm ẩn trên toàn cầu đang rình rập.
Trước đó chuyên gia thị trường và thương mại quốc tế, ông Matt Dalgliesh của [dịch vụ phân tích thị trường] Thomas Elder Markets đã nói với The Epoch Times rằng Indonesia có thể phải đối mặt với các vấn đề trong những tháng tới.
Ông nói: “Các quốc gia trước ngưỡng cửa của chúng tôi, như Indonesia, có dân số khổng lồ và đang phải chật vật để tự cung tự cấp với các điều kiện tự cung tự cấp của [riêng] họ, họ có thể gặp vấn đề.”
Ông Dalgleish cho biết do trình độ kinh tế xã hội thấp hơn, phần lớn dân số nước này đã dành tỷ lệ thu nhập cao hơn cho các vấn đề liên quan đến lương thực, và khi nguồn cung ngũ cốc giảm xuống, giá có thể tăng vì sự cạnh tranh về nguồn cung cấp nóng lên.
Ông nói: “Khi người dân đói kém, thì một quốc gia sẽ rất nhanh chóng chứng kiến sự bất tuân dân sự và sự bất ổn định.”
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên tại Úc chuyên về chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.