Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen: Chi tiêu của Tổng thống Biden ‘có làm tăng’ lạm phát
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen thừa nhận Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ trị giá 1.9 ngàn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden đã góp phần gây ra lạm phát.
Trình bày trong một cuộc phỏng vấn với ông Matt Murray, tổng biên tập của The Wall Street Journal, cựu lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thừa nhận rằng chi tiêu khổng lồ của Tòa Bạch Ốc đã đóng một vai trò trong môi trường lạm phát ngày nay, đồng thời nói thêm rằng điều này là “hợp lý” vì các rủi ro kinh tế khác nhau.
Bà nói, “Thế nên hãy nhìn đi, lạm phát là vấn đề của cung và cầu, và chi tiêu được thực hiện trong Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ có làm tăng cầu.”
Bà nói thêm rằng lạm phát cao trong 40 năm hiện nay là hậu quả không mong muốn của việc chính phủ Tổng thống Biden cố gắng tránh suy thoái kinh tế mạnh và tạo điều kiện cho toàn dụng lao động.
Bà Yellen giải thích thêm rằng gói cứu trợ và kích thích tài chính này phải hỗ trợ thị trường lao động trước nhiều dự báo thảm khốc.
“Nhưng tôi có nghĩ rằng điều đó là hợp lý và phù hợp vào thời điểm đó, trước những rủi ro mà nền kinh tế phải đối mặt,” bộ trưởng ngân khố nói. “Lúc Tổng thống Biden nhậm chức, chúng ta có một nền kinh tế mà các nhà dự báo đã hình dung tỷ lệ thất nghiệp rất cao trong một thời gian rất dài. Chúng ta có những người lao động lương đặc biệt thấp bị cho thôi việc với số lượng lớn. Chúng ta chứng kiến những chiếc xe hơi xếp hàng dài hàng dặm trong các ngân hàng thực phẩm, người Mỹ lo lắng về việc không thể nuôi sống gia đình mình, có đủ ăn. Các dự báo thực sự khá thảm khốc.”
Bà Yellen đã đề cập đến nền kinh tế tổng thể trong cuộc phỏng vấn của mình, lưu ý rằng “triển vọng là rất không chắc chắn” do rủi ro toàn diện. Một số mối đe dọa đối với nền kinh tế sau khủng hoảng là giá hàng hóa tăng cao, tác động lan tỏa từ chiến tranh ở Đông Âu, và triển vọng tăng trưởng toàn cầu rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, bà dự đoán sự tăng trưởng vững chắc và một cuộc “hạ cánh mềm” tiềm năng cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Bà Yellen nói, “Tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng vững chắc trong năm tới. Fed sẽ cần phải khéo léo và cũng cần may mắn nữa, nhưng tôi tin rằng đó là sự kết hợp hoàn toàn có thể xảy ra.”
Hôm thứ Tư (04/05), Cục Dự trữ Liên bang đã nâng lãi suất chuẩn lên 50 điểm cơ bản, mức tăng lớn nhất trong hơn 20 năm, để chống lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tỏ ý định tại một cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) rằng ông nghĩ là có “một cơ hội tốt để kiềm chế lạm phát mà không gây suy thoái.”
Các nguyên nhân gây ra lạm phát
Một cuộc thăm dò trong tháng Ba của NBC News cho thấy 38% người Mỹ cho rằng Tổng thống Biden và các chính sách của ông đã gây ra lạm phát giá tràn lan.
Một cuộc thăm dò khác của Đại học Emerson báo cáo rằng 39% số người được hỏi xác định chính phủ đương nhiệm là nguyên nhân khiến chi phí sinh hoạt ngày nay cao hơn.
Các nhà kinh tế và chuyên gia thị trường có cùng quan điểm này không?
Cựu Bộ trưởng Ngân khố Larry Summers đã cảnh báo rằng Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ sẽ gây ra áp lực lạm phát khi luật này được đề xướng lần đầu tiên vào năm ngoái (2021).
Ông Summers viết trong một bài báo trên tờ The Washington Post: “Chúng ta phải bảo đảm rằng luật đó được ban hành theo cách không đe dọa lạm phát và sự ổn định tài chính trong tương lai cũng như khả năng xây dựng lại tốt hơn của chúng ta thông qua đầu tư công.”
Một năm sau, ông thừa nhận rằng Tòa Bạch Ốc đã không lưu tâm đến những cảnh báo này, đồng thời nói thêm rằng một dự luật giải cứu khổng lồ “sẽ gây nguy hiểm cho phần lớn nghị trình Xây dựng lại Tốt hơn,” ông viết trong một bài bình luận khác cho Washington Post.
Cố vấn kinh tế thời Obama Stephen Rattner lặp lại những lo ngại về lạm phát của ông Summers, gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng chi tiêu chính phủ quá lớn bằng tài trợ thâm hụt trong năm 2021 đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao ngày nay.
Ông Rattner nói trong một bài báo cho The New York Times hồi tháng trước: “Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ trị giá 1.9 ngàn tỷ USD được thông qua trong những ngày đầu của chính phủ Tổng thống Biden sẽ đi vào lịch sử như một sai lầm chính sách to lớn.”
Hồi tháng 10/2021, Ngân hàng Fed ở San Francisco dự đoán rằng Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ sẽ góp phần làm tăng lạm phát vào năm 2022, làm tăng thêm chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Chỉ số giá PCE đã tăng lên 6.6% trong tháng Ba, mức tăng mạnh nhất được ghi nhận.
Bài nghiên cứu nêu rõ, “Tác động ước tính của Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ đối với lạm phát là đáng kể, nhưng nó vẫn còn khác xa so với thời kỳ [kinh tế] quá nóng mạnh mẽ của những năm 1960.”
Vài tháng sau, cùng một tổ chức khu vực đã lưu ý trong Thông Điệp Kinh Tế (Economic Letter) của mình rằng cả Đạo luật CARES trị giá 2.2 ngàn tỷ USD và Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ đã làm tăng thêm môi trường lạm phát hiện nay thông qua “một đợt phân phát hỗ trợ trực tiếp chưa từng có với thời gian tương đối ngắn.”
Ông Stephen Moore, cựu thành viên ban biên tập The Wall Street Journal và đồng sáng lập Câu Lạc Bộ vì Tăng Trưởng (Club for Growth), đã lập luận trên Fox Business hồi tháng Hai rằng việc chi tiêu quá mức đã “khơi mào” làn sóng thủy triều lạm phát này.
Ông nói: “Đây là vết thương do tự mình gây ra từ các chính sách có hiệu lực ngay khi ông Biden nhậm chức.”
Nhiều nhà kinh tế và nhà quan sát thị trường kết luận rằng quá nhiều tiền đã được bơm vào nền kinh tế và theo đuổi quá ít hàng hóa.
Tuy nhiên, trong 15 tháng qua, ông Biden đã bác bỏ những khẳng định rằng các chính sách của ông là nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Khi ông bước vào Tòa Bạch Ốc, chính phủ đã phủ nhận rằng các nỗ lực kích thích và cứu trợ sẽ dẫn đến lạm phát.
Từng có lần khi giá cả tăng lên, Oval Office đã lặp đi lặp lại tuyên bố của Fed và khẳng định rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời. Đến cuối năm 2021, ông Biden khẳng định lạm phát đã đạt đỉnh. Thông điệp mới nhất là lạm phát tăng cao là kết quả của việc Nga xâm lược Ukraine, gọi là “sự tăng giá của ông Putin”.
Nhưng liệu các chiến dịch chi tiêu tiếp theo của Tổng thống Hoa Kỳ có dẫn đến áp lực lạm phát bổ sung trong nền kinh tế?
Ông William Foster, phó chủ tịch kiêm chuyên viên tín dụng cấp cao (về Rủi ro Chính phủ) tại Moody’s Investors Service, cho hay hàng ngàn tỷ được ước tính cho các kế hoạch cơ sở hạ tầng và xã hội của ông Biden “không nên có bất kỳ tác động thực chất đáng kể nào đối với lạm phát.”
Ông Mark Zandi, một chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, đồng ý rằng các gói chi tiêu “không gây thêm áp lực lạm phát, vì các chính sách này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn thông qua tăng năng suất và tăng trưởng lực lượng lao động.”
Tuần tới (09-15/05), tỷ lệ lạm phát hàng năm của tháng Tư sẽ được công bố.
Một số người tin rằng tỷ lệ lạm phát có thể đã đạt đỉnh và có thể bắt đầu giảm bớt, nhưng giá cả sẽ vẫn ở mức cao và cách xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: