Bộ trưởng KT Đức: ‘EU phải đa dạng hóa quan hệ mậu dịch, phát triển chuỗi giá trị riêng’
Liên minh Châu Âu (EU) phải đa dạng hóa quan hệ mậu dịch của họ, giảm bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp Châu Á trong một số lĩnh vực như tiền chất y tế, đồng thời cần dựng lập chuỗi giá trị riêng trong khối 27 quốc gia thành viên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói với Reuters.
”Đại dịch virus corona đã dạy chúng ta rằng Châu Âu phải gắn kết với nhau và đa dạng hóa quan hệ mậu dịch của mình,” ông Altmaier cho biết trong một lưu ý công bố hôm 18/9.
“Điều đó có nghĩa là không được tạo thêm các rào cản trong thị trường nội khối EU, bảo đảm linh hoạt hơn trong chuỗi cung ứng, sự phát triển của các chuỗi giá trị trong EU cũng như sự chắc chắn hơn về mặt pháp lý trong giao thương quốc tế.”
Với việc Đức đang nắm giữ vai trò Chủ tịch Liên minh Châu Âu, ông Altmaier đã tổ chức cuộc họp đồng cấp với các bộ trưởng thương mại EU vào đầu tuần (21/9), chủ yếu tập trung vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tương lai của ngành công nghiệp thép Châu Âu.
Altmaier, một đồng minh thân cận của Thủ tướng trung hữu Angela Merkel, cho rằng Châu Âu không nên quay lưng lại với toàn cầu hóa bởi thương mại và thị trường mở vẫn là những động lực mạnh mẽ có thể giúp Châu Âu thoát khỏi khủng hoảng kinh tế hiện tại.
Tuy nhiên, cần có sự chủ động lớn hơn đi kèm với phát triển và cách tân các chuỗi giá trị EU để Châu Âu trong tương lai vẫn “có thể tham gia vào sân chơi hàng đầu của các khu vực kinh tế thịnh vượng trên thế giới,” Bộ trưởng Kinh tế Đức cho hay.
Khi được hỏi Châu Âu và Đức có nên suy nghĩ lại mối quan hệ mậu dịch với Trung Quốc hay không, Altmaier nói, mọi người phải thừa nhận rằng về lâu dài, quan hệ mậu dịch chỉ có thể vận hành trơn tru trong một sân chơi bình đẳng.
“Bất cứ ai muốn tận hưởng những lợi thế của thị trường tự do trong Liên minh Châu Âu cũng phải mở cửa cho các công ty Châu Âu,” ông Altmaier nói.
Trong thập kỷ qua, Đức được hưởng lợi lớn từ nhu cầu của Trung Quốc đối với máy móc và xe hơi Đức, tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quan chức ở Berlin và Brussels ngày càng gia tăng thất vọng khi Bắc Kinh không hoàn toàn giữ lời hứa trong việc thúc đẩy tự do và công bằng mậu dịch.