Bộ trưởng Không quân Mỹ: Hoa Kỳ cần năng lực tấn công trong không gian để răn đe Trung Quốc
Quân đội Hoa Kỳ phải đầu tư vào cả năng lực tấn công lẫn phòng thủ trong không gian vũ trụ để răn đe hiệu quả các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc và Nga, theo Bộ trưởng Không quân Frank Kendall.
“Không gian bản thân nó là một lĩnh vực mà quý vị không cố gắng chinh phục, mà sử dụng để cung cấp dịch vụ cho các lực lượng trên cạn của quý vị,” ông Kendall cho biết tại một hội thảo trên web gần đây, do Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS), một tổ chức tư vấn tập trung vào quốc phòng, thực hiện.
Ông Kendall, người đảm nhận vai trò lãnh đạo dân sự cao cấp của cả Lực lượng Không quân và Lực lượng Vũ trụ, cho biết các hệ thống thiết yếu trong không gian – chịu trách nhiệm về liên lạc, GPS, hệ thống định vị mục tiêu, và các hệ thống cảnh báo sớm chiến lược thông báo cho các chỉ huy Hoa Kỳ khi có hỏa tiễn được phóng – đang bị tích cực đe dọa bởi cuộc cạnh tranh giành quyền thống trị trong không gian đang ngày càng gia tăng.
“Chúng đang bị tấn công,” ông Kendall nói về các hệ thống này.
Để duy trì đầy đủ khả năng phòng thủ của các hệ thống trong không gian và để bảo đảm rằng Hoa Kỳ có thể ngăn chặn xung đột hoặc, nếu cần, là giành chiến thắng trong các cuộc chiến, ông Kendall cho biết cần phải phát triển và khai triển các hệ thống tấn công trong không gian.
Ông nói: “Chúng ta cần phải kết hợp đúng cách. Nó là sự kết hợp của việc phổ biến [các hệ thống] và sự phân chia [về mặt nền tảng].”
Mối đe dọa không gian đến từ ĐCSTQ đang cận kề
Ông Kendall cho biết ông đã phát triển một tập hợp các mệnh lệnh trong hoạt động để giải quyết những thách thức lớn nhất mà quân đội Hoa Kỳ phải đối mặt, bao gồm cả việc răn đe một Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ngày càng hiếu chiến. Ông nói rằng việc răn đe như vậy sẽ thất bại nếu không có những thay đổi thích hợp đối với nền tảng của Hoa Kỳ và sự khai triển các khả năng tấn công trong không gian.
Ông Kendall nói: “Cách đây nhiều năm, chúng ta đã nhận ra rằng không gian là một lĩnh vực tranh chấp.”
Ông lưu ý rằng việc cạnh tranh trong không gian sẽ đòi hỏi một chiến lược linh hoạt hơn nhiều so với chiến lược hiện đang được quân đội Hoa Kỳ áp dụng, một chiến lược cho phép quân đội tạo ra sự mơ hồ, để dường như hiện diện tại nhiều địa điểm tại cùng một lúc trong khi thực sự không phải như vậy, và tận dụng chiến thuật đánh lừa có hiệu quả hơn.
Cụ thể, theo ông Kendall, trong không gian sẽ đòi hỏi phân cấp kiến trúc vệ tinh cũ để bảo đảm khả năng chống lại các cuộc tấn công bằng cách phân phối các hệ thống dễ bị tấn công vào các chùm lớn hơn gồm các vệ tinh nhỏ hơn. Một nỗ lực như vậy cũng sẽ đòi hỏi việc khai triển các hệ thống trong không gian có khả năng khước từ phục vụ như vậy cho các đối thủ của quốc gia, ông nói.
Ông Kendall không nói rõ những hệ thống tấn công này có thể là dạng gì, dù là chúng có thể điều khiển vũ khí năng lượng như laser hoặc công nghệ vi sóng hay thứ gì đó tinh vi hơn, chẳng hạn như các gói mạng hoặc hệ thống cơ học analog như cánh tay gắp. Tuy nhiên, ông nói rằng Trung Quốc đã không lãng phí thời gian để theo đuổi các khả năng tấn công trong vũ trụ.
Ông nói: “Họ đã hoạt động rất tích cực để vận hành không gian từ góc độ quân sự.”
Những nhận xét trên giống như những nhận xét của Tướng David Thompson thuộc Lực lượng Không gian Hoa Kỳ hồi tháng 11/2021. Ông Thompson nói rằng ĐCSTQ “mỗi ngày” đều đang tấn công cơ sở hạ tầng không gian của Hoa Kỳ .
Các cuộc tấn công như vậy đòi hỏi một phản ứng tích cực – một khả năng đáp trả – bởi vì kiểu tấn công mà Hoa Kỳ đang cố gắng ngăn chặn là một trong những kiểu có khả năng gây thảm họa to lớn, theo ông Kendall.
“Các loại xung đột mà chúng ta đang cố gắng ngăn chặn… giống như các cuộc đổ bộ Normandy (D-Day) hơn là giống như chiến dịch không quân chiến lược của Không quân ở Âu Châu,” ông nói khi đề cập đến chiến dịch ném bom của quân đồng minh trong Đệ nhị Thế chiến. “Chúng diễn ra chớp nhoáng. Chúng có mật độ rất cao.”
Do đó, ông Kendall cũng cho rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa để bảo vệ thích đáng cả cơ sở hạ tầng không gian của Hoa Kỳ lẫn kiến trúc căn bản của nó trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi mà ông cho rằng rất dễ bị tấn công bởi các công nghệ quân sự của Trung Quốc.
“[Trung Quốc đã] nhận thấy, điều đó khá dễ thấy, rằng chúng ta phụ thuộc vào một số lượng nhỏ khí tài, bao gồm cả các căn cứ không quân đồn trú ở ngoại quốc, để tiến hành các hoạt động,” ông nói. “Và bởi vì các căn cứ này là cố định, chúng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu.”
“[Trung Quốc] đã xây dựng các khí tài để nhắm vào các căn cứ này. Vì vậy, chúng ta phải phản ứng với điều đó.”
Ông Kendall cho biết giờ đã muộn, nhu cầu này là cấp bách, và nếu không hành động ngay bây giờ thì sẽ là thảm họa cho sau này.
Ông nói: “Chúng ta không thể đi tiếp với một giả định ưu thế. Những vấn đề này đã ở ngay trước mắt chúng ta rồi. Chúng không phải là thứ trong tương lai mà chúng ta phải lo lắng tại một thời điểm nào đó trong 5 hoặc 10 hoặc 15 năm nữa. Chúng đang ở ngay đây rồi.”
Trung Quốc và Hoa Kỳ có ‘bộ mục tiêu’ khác nhau
Ông Kendall cho biết việc có sự cấp bách không có nghĩa là Hoa Kỳ phải phản ứng một cách mù quáng. Ông lưu ý rằng các cuộc thảo luận gần đây về phát triển vũ khí siêu thanh là một lĩnh vực mà ông cho là quá thận trọng và bỏ qua tình hình chiến lược lớn hơn của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Trung Quốc có một loạt các mục tiêu, và tôi có thể dễ dàng hiểu tại sao họ muốn trang bị vũ khí siêu thanh với số lượng hợp lý.”
Ông lưu ý rằng trong nhiều thập niên Trung Quốc đã trang bị nhiều vũ khí thông thường có khả năng tấn công các mục tiêu cụ thể của Hoa Kỳ, và hiện họ đang bổ sung vũ khí siêu thanh vào danh sách đó. Ông nói, mỗi loại vũ khí này đều mang lại một số lợi thế cụ thể cho cách thức mà Trung Quốc muốn tấn công vào các mục tiêu nhất định.
Vì vậy, ông Kendall cho biết vũ khí siêu thanh rất quan trọng trong một số ứng dụng hữu hạn dành cho quân đội Hoa Kỳ, nhưng Hoa Kỳ không có cùng các ưu tiên hoặc mục tiêu chiến lược giống như ĐCSTQ và do đó đòi hỏi các công nghệ quân sự khác.
“Chúng ta không có bộ mục tiêu giống với [bộ mục tiêu của Trung Quốc] mà họ đang bận tâm,” ông nói.
Do đó, ông cho rằng sẽ là tốt hơn cho quân đội nếu những cản trở đối với việc phát triển các hệ thống vũ khí hiệu quả về mặt chi phí và một bộ máy quan liêu mất kiểm soát khiến bất kỳ dự án nào cũng phải mất nhiều năm mới có thể thực hiện được bị loại bỏ.
Những nhận xét này này lặp lại quan điểm của cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng John Hyten, người nói rằng một bộ máy quan liêu “nghiệt ngã” và văn hóa bài xích rủi ro đang ngăn cản Hoa Kỳ phát triển các hệ thống vũ khí mới.
Với suy nghĩ đó, ông Kendall nhấn mạnh mức độ nghiêm túc của cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nói rằng sự xung đột giữa các cường quốc là điều chưa từng thấy kể từ sau Chiến Tranh Lạnh. Để giành chiến thắng, Hoa Kỳ sẽ phải cạnh tranh linh hoạt và mạnh mẽ.
“Tôi có 20 năm kinh nghiệm về Chiến Tranh Lạnh, về việc lo lắng về một kẻ thù đang suy tính rất kỹ về cách đánh bại chúng ta và cố gắng áp dụng công nghệ vào việc đó,” ông nói. “Chúng ta đang lại gặp phải điều đó một lần nữa. Đó là vị thế của chúng ta ngày hôm nay.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: