Bộ trưởng di trú Úc hủy thị thực của ngôi sao quần vợt Djokovic
Trong một quyết định được nhiều người mong đợi, Bộ trưởng Di trú Úc Alex Hawke đã hủy bỏ thị thực của Novak Djokovic vài phút trước 6 giờ chiều hôm thứ Sáu, ngày 14/01/2022. Bộ trưởng này nói rằng ông đã thực hiện quyền lực của mình “theo mục 133C (3) của Đạo luật Di trú để hủy thị thực này… vì lý do sức khỏe và bảo đảm trật tự, trên cơ sở cho rằng việc làm đó là vì lợi ích công cộng.”
Quyết định của Bộ trưởng Úc đã làm chấn động giới truyền thông quốc tế và Djokovic đã đệ đơn kiến nghị khẩn cấp để được cấp lệnh tạm hoãn thi hành trục xuất, giúp anh có thể chơi ở Giải quần vợt Úc Mở rộng.
Mặc dù thăm dò ý kiến trực tuyến cho thấy 82% người dân tán thành quyết định của Bộ trưởng Hawke, nhưng việc anh Djokovic bị hủy thị thực không được tiếp nhận với sự ủng hộ rộng rãi. Ví dụ, bà Rebecca Weisser, trong một bài báo được đăng tải trước vụ hủy thị thực này, đã khẳng định rằng “sự phi lý khi từ chối quyền thi đấu của tay vợt số một thế giới tại Giải quần vợt Úc Mở rộng chỉ phù hợp với các quy định Covid phi lý và hà khắc của Úc” và “Thủ tướng Scott Morrison nên thể hiện một chút lòng nhân ái của người Cơ Đốc đối với Djokovic, chấp nhận lời xin lỗi của anh vì bất kỳ sai sót nào trong đơn xin thị thực và cho phép anh làm những gì anh giỏi nhất — đó là chơi quần vợt thiện nghệ.”
Tuy nhiên, tuyên bố của bà Weisser mang lại hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất liên quan đến câu hỏi liệu một người chưa chích ngừa có được phép nhập cảnh vào Úc, không bị cách ly, cho mục đích thi đấu ở Giải quần vợt Úc Mở rộng hay không, và thứ hai là, liệu các quy định về thị thực phức tạp của Úc trong đại dịch COVID-19 có nên được tôn trọng bất kể chúng có thể rắc rối và phi lý đến mức nào.
Thật vậy, hoàn toàn có thể hiểu được khi [một người cùng lúc] phản đối việc chích ngừa bắt buộc và chấp nhận rằng việc vi phạm các quy định về thị thực của Úc là lý do khiến anh Djokovic bị hủy thị thực.
Về vấn đề đầu tiên, mẹ của Djokovic đã thể hiện sự thất vọng của mình trong một cuộc họp báo, khi bà yêu cầu được biết lý do tại sao người Úc khó chịu vì người con trai vô địch quần vợt của bà phản đối việc chích ngừa. Bà đã chỉ ra rằng là một người đàn ông ngoài 30 tuổi, Djokovic nên được phép đưa ra quyết định của riêng mình. Lời khẩn cầu của bà gợi ý rằng tay vợt chưa chích ngừa này nên được phép thi đấu ở Giải quần vợt Úc Mở rộng, và việc bắt buộc chích ngừa vi phạm quyền của một cá nhân, vốn được Hiến pháp Úc và các công cụ quốc tế có liên quan bảo vệ.
Quyền của một người được ở trạng thái không chích ngừa đã được thảo luận trong một cuốn sách được xuất bản gần đây có nhan đề, “Emergency Powers, COVID-19 Restrictions and Mandatory Vaccination: A ‘Rule of Law’ Perspective” (“Quyền Hạn Khẩn Cấp, các Hạn Chế COVID-19 và Chích Ngừa Bắt Buộc: Quan Điểm từ ‘Pháp Quyền’”). Các tác giả của cuốn sách này cho rằng các lệnh bắt buộc chích ngừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một xã hội bất bình đẳng, nơi những người chưa chích ngừa trở thành các công dân hạng hai, bị loại khỏi hầu hết các hoạt động của cuộc sống thường nhật. Cuốn sách này trình bày chi tiết những hậu quả tàn khốc của việc Úc trở thành một quốc gia phi tự do.
Mặc dù Bộ trưởng Di trú Úc đã hết sức trì hoãn đưa ra quyết định về thị thực của Djokovic, nhưng cuối cùng ông đã có quyết định của mình. Khi cân nhắc các tình huống của vụ việc, đây là quyết định đúng đắn. Những gì bắt đầu như một hoạt động biên giới lúng túng, khiến Djokovic không có đủ thời gian để cung cấp thông tin cho các nhà chức trách, đã nhanh chóng leo thang thành một câu chuyện saga (hình thức sử thi thế tục khởi phát và thịnh hành tại Bắc Âu) có thực, thu hút trí tưởng tượng quá trớn của giới báo chí quốc tế và khiến Úc bị nhìn nhận một cách tiêu cực.
Đơn xin miễn chích ngừa của Djokovic được cấp với lý do anh đã nhận được kết quả xét nghiệm virus COVID-19 dương tính hôm 16/12/2021 nhưng không cách ly theo yêu cầu của nhà chức trách Serbia. Tuy nhiên, Djokovic khẳng định trong một bài đăng trên Instagram rằng anh không hề biết mình đã nhiễm virus sau đó đã tham gia các hoạt động khác nhau, trao giải thưởng cho các tay vợt trẻ. Anh cũng đã trả lời phỏng vấn cho tờ báo L’Equipe của Pháp, khi anh đã biết về tình trạng nhiễm bệnh của bản thân và không tiết lộ chuyện này cho người phỏng vấn mình.
Cốt truyện trở nên dày thêm khi có thông tin nói rằng anh đã trả lời sai một câu hỏi trên Tờ Khai Du Lịch của mình. Câu đó hỏi về việc anh có từng đi đến một quốc gia khác trong vòng mười bốn ngày trước khi đến Úc hay không. Anh đã đánh dấu vào ô “không”, nhưng vì đã có thông tin tiết lộ, và được bản thân Djokovic thừa nhận, là anh đã đến Tây Ban Nha, nơi anh tập luyện ở Marbella để chuẩn bị cho Giải quần vợt Úc Mở rộng.
Có những khoản tiền phạt cao ngất ngưởng, thậm chí là hình phạt bỏ tù cho hành vi khai báo gian dối. Sau đó, Djokovic đã xin lỗi về câu trả lời sai này, nói rằng đây không phải là chuyện gì khác ngoài “sai lầm do con người” và dẫu sao thì, một người đại diện đã hoàn thành biểu mẫu này thay cho anh. Khi làm như vậy, anh đã đổ lỗi cho một bên thứ ba, thay vì tự chịu trách nhiệm về việc khai báo sai này.
Sau đó, tờ Der Spiegel, một tạp chí uy tín của Đức, đã tuyên bố rằng kết quả xét nghiệm COVID-19 của anh có thể đã bị thao túng vì có vẻ như có một vấn đề với thông tin ngày tháng điện tử ghi trên các kết quả xét nghiệm. Điều này ám chỉ một kết quả xét nghiệm âm tính đã được thực hiện trước khi một kết quả dương tính được ghi nhận. Anh Djokovic dựa vào kết quả xét nghiệm dương tính này để được miễn trừ y tế nhằm nhập cảnh vào Úc.
Tính xác thực của câu chuyện do tạp chí Der Spiegel đưa ra vẫn chưa được kiểm chứng. Anh hiện đang bị điều tra ở Serbia vì vi phạm các yêu cầu cách ly COVID-19 sau khi có một kết quả xét nghiệm dương tính.
Nhóm của Djokovic cũng tuyên bố rằng anh có một hộ chiếu ngoại giao cho phép anh ở lại Úc. Tuy nhiên, trang web của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc chỉ ra rằng việc sở hữu một hộ chiếu như vậy không bảo vệ một người tránh khỏi các quy định về COVID-19.
Bộ trưởng Di trú Úc, dựa trên nhiều tư vấn pháp lý trong và ngoài nước, hiện đã quyết định hủy bỏ thị thực của anh Djokovic.
Mặc dù việc phạt nặng đối với người chưa chích ngừa là một vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người dân và là một diễn tiến đáng chê trách của nền chính trị Úc, nhưng có các quy định về thị thực, và trong trường hợp này, có đủ các lý do để kết luận những quy định này đã bị vi phạm hoặc bị phớt lờ.
Các bộ phận của chính trường Úc có thể phản đối mạnh mẽ việc Úc biến thành một xã hội hai tầng, nơi mà khái niệm bình đẳng chỉ là một lời nhắc nhở xa vời về quá khứ. Tuy nhiên, các quy định về thị thực, cho dù chúng có thể phi lý và không thỏa đáng, có thể không phải là những vi phạm pháp quyền nghiêm trọng, miễn là chúng được công bố một cách rõ ràng và việc thực hiện chúng không đồng nghĩa với việc đối xử ưu ái các thành viên của giai tầng đặc quyền.
Nếu người Úc được kỳ vọng phải tuân thủ những quy định này, nếu không sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc do lực lượng cảnh sát bị chính trị hóa thực thi một cách hung bạo — như đã được chứng kiến trong nhiều trường hợp — thì các du khách ngoại quốc cũng cần phải tuân theo những quy định này, ngay cả khi chúng bất tiện và điên rồ.
Saga của Djokovic là một câu chuyện dở dang. Nhóm pháp lý của anh đã tìm kiếm và nhận được lệnh cho phép vụ kiện của anh được xét xử tại Tòa án Liên bang Úc — trước Thẩm phán David O’Callaghan. Tòa án này đã ra phán quyết bác bỏ tranh tụng của Novak Djokovic đối với quyết định tái hủy bỏ thị thực của anh từ phía chính phủ Úc vào chiều ngày 16/01 — chưa đầy 24 giờ trước khi Giải quần vợt Úc Mở rộng bắt đầu.
Hành động pháp lý của Djokovic, được thúc đẩy bởi một khuynh hướng muốn tố tụng và nhằm để lật ngược việc hủy thị thực của anh, sẽ gây ra những tổn hại không thể khắc phục được đối với Úc và Giải quần vợt Úc Mở rộng. Tương lai sẽ tiết lộ mức độ ảnh hưởng của câu chuyện đó đối với danh tiếng của giải đấu quần vợt mang tính biểu tượng này, cùng các tay vợt và ban tổ chức.
Sẽ thật đáng buồn nếu COVID-19 có tác dụng ngoài ý muốn là phá hủy thứ được mọi người coi là một sự kiện thú vị thu hút đám đông và là một giải đấu thể thao vinh quang.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”) (NXB Boolarong Press, 2020) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”) (NXB Connor Court Publishing, 2021).
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: