Bộ trưởng cảnh báo: Các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn sẽ từ bỏ kế hoạch mở nhà máy ở Hoa Kỳ
Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng chấp thuận khoản tài trợ 52 tỷ USD cho các nhà sản xuất vi mạch bán dẫn vì nhiều công ty đã hoãn kế hoạch mở rộng của họ tại nước này.
Bà Raimondo nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC: “Hãy ghi nhớ lời tôi nói … nếu qua Ngày Lao động mà Đạo luật về Vi mạch bán dẫn này vẫn không được Quốc hội thông qua, thì những công ty này sẽ không chờ đợi và họ sẽ mở rộng tại các quốc gia khác.” Đạo luật Vi mạch bán dẫn đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 01/2021 nhưng vẫn chưa có bất kỳ khoản tài trợ nào được cấp cho nó.
Đạo luật này sẽ cung cấp cho các công ty các động lực tài chính để xây dựng các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn ở Hoa Kỳ, do đó làm cho các khoản đầu tư như vậy trở nên hấp dẫn hơn.
GlobalWafers của Đài Loan đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất silicon ở Sherman, Texas với chi phí 5 tỷ USD. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của công ty này đã thông báo với bà Raimondo rằng khoản đầu tư phụ thuộc vào việc Quốc hội chấp thuận gói ưu đãi 52 tỷ USD.
Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất vi mạch bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất trên thế giới, đã công bố một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Phoenix vào năm 2020. Theo Reuters, giám đốc điều hành Mark Liu nói rằng công ty đang hy vọng các chính phủ liên bang và tiểu bang của Hoa Kỳ “giúp chi phí hoạt động của TSMC khác nhau giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.”
Hồi tháng Sáu, TSMC đã kêu gọi Hoa Thịnh Đốn mở rộng gói hỗ trợ Vi mạch bán dẫn, nhằm vào các công ty trong nước, bao gồm cả các công ty ngoại quốc.
Intel cũng đã thúc đẩy việc thông qua Đạo luật Vi mạch bán dẫn. Công ty này cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 08/06: “Khi thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vi mạch bán dẫn do gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng từ đại dịch toàn cầu, các nhà lãnh đạo của Intel đang thúc giục Quốc hội tài trợ cho Đạo luật Vi mạch bán dẫn cho nước Mỹ để tạo ra một tương lai ổn định hơn cho ngành công nghiệp công nghệ Hoa Kỳ.”
Thông qua dự luật
Theo Bloomberg, các nhà vận động kinh doanh thúc đẩy dự luật được cho là thất vọng với chính phủ ông Biden. Những người ủng hộ dự luật từ Đảng Cộng Hòa cho rằng đội ngũ của ông Biden đã ít gây sức ép hơn đối với các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện về dự luật này.
Khoản tài trợ 52 tỷ USD nằm trong các dự luật lớn hơn nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các quốc gia khác như Trung Quốc. Mặc dù vấn đề trợ cấp chất bán dẫn được cả hai viện ủng hộ mạnh mẽ, nhưng bất đồng lại nảy sinh khi đề cập đến các vấn đề khác trong các dự luật này.
Trong một bức thư viết cho các nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện hôm 15/06, giám đốc điều hành của hơn 100 công ty công nghệ cảnh báo rằng “phần còn lại của thế giới không chờ đợi Hoa Kỳ hành động. Các đối thủ cạnh tranh toàn cầu của chúng ta đang đầu tư vào ngành công nghiệp, người lao động và nền kinh tế của họ, và Quốc hội buộc phải hành động để nâng cao khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ.”
Các công ty bán dẫn muốn đầu tư vào Hoa Kỳ đang được các quốc gia như Nam Hàn và Đức, vốn đã cung cấp nhiều khoản trợ cấp, chào đón.
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.