Bộ trưởng Anh Quốc: Việc Trung Quốc chèn ép kinh tế Úc là ‘lời cảnh tỉnh’ cho thế giới
Theo Ngoại trưởng Anh Quốc Liz Truss, việc chính quyền Trung Quốc chèn ép kinh tế Úc là một “lời cảnh tỉnh” đối với các quốc gia khác.
Trung Quốc từng là đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Nhưng sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19 hồi tháng 04/2020, chính quyền Cộng sản đã trả đũa bằng cách áp dụng một loạt biện pháp chống lại các nhà xuất cảng của Úc, bao gồm việc kiểm tra và thanh tra biên giới tùy tiện, áp đặt thuế quan, và sự chậm trễ không có lý do xác đáng trong việc niêm yết công ty xuất cảng và cấp giấy phép nhập cảng.
Bà Truss, trong chuyến thăm Úc để đàm phán về quan hệ quốc phòng và an ninh, đã thảo luận về mối đe dọa do nhà cầm quyền Trung Quốc gây ra trong một bài diễn văn tại Viện Lowy ở Sydney hôm 21/01.
Bà nói: “Tình huống với Úc – sự chèn ép kinh tế mà chúng ta chứng kiến – là một trong những lời cảnh tỉnh về chính xác những gì Trung Quốc đang làm và cách họ đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để cố gắng kiểm soát các quốc gia khác.”
Bà Truss cho biết “trước đây người ta tin rằng khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, thì nước này sẽ đi trên con đường trở thành một xã hội tự do hơn, dân chủ hơn,” nhưng “thực tế là điều đó đã không xảy ra.”
Trong khi nền kinh tế Trung Quốc có quy mô bằng một phần mười nền kinh tế Mỹ vào những năm 1990, bà nói, “Hiện nay chúng ta đang ở trong một tình huống với một nước Trung Quốc có nền kinh tế lớn mạnh hơn nhiều, có nhiều khả năng chèn ép các quốc gia khác hơn.”
Vị ngoại trưởng này cho biết chính phủ Anh Quốc đã “học hỏi nước Úc” khi nước này xây dựng các chính sách của riêng mình về các vấn đề liên quan.
Bà Truss cho hay Anh Quốc và Úc quyết tâm hành động cùng nhau trong việc “lên án Trung Quốc” khi nước này áp đặt các biện pháp thương mại mang tính cưỡng chế đối với Úc và các nước khác như Lithuania, nước đã bị chặn xuất cảng sang Trung Quốc sau khi cho phép Đài Loan mở đại sứ quán trên thực tế tại Vilnius bằng tên riêng của họ.
Bà cho biết Anh Quốc và Úc sẽ giúp các quốc gia “tránh để bảng cân đối kế toán của mình bị nợ nần chồng chất.”
Bà cho biết 44 quốc gia thu nhập thấp đến trung bình có khoản nợ với Trung Quốc vượt quá 10% GDP của họ, Anh Quốc và Úc sẽ hợp tác để cung cấp cho các quốc gia này “nguồn đầu tư thay thế trung thực và đáng tin cậy.”
Hai nước cũng đang củng cố chuỗi cung ứng của mình bằng cách “đưa mối quan hệ kinh tế của chúng ta với các quốc gia cùng chí hướng lên tầm cao mới,” bà nói.
Bà Truss cho biết Trung Quốc và Nga đang “ngày càng hợp tác chặt chẽ hơn,” khẳng định sự thống trị của họ ở Tây Thái Bình Dương và trong không gian. Bà nói: “Họ được khuyến khích theo cách mà chúng ta chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.”
“Là các nền dân chủ yêu tự do, chúng ta phải vùng lên để đối mặt với những mối đe dọa này. Cũng như NATO, chúng tôi đang làm việc với các đối tác như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, và Israel để xây dựng một mạng lưới toàn cầu về tự do.”
Chuyến công du của bà Truss diễn ra sau khi Anh Quốc, cùng với Hoa Kỳ, đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào tháng 09/2021 nhằm cung cấp cho Úc công nghệ và khả năng khai triển các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Thỏa thuận được gọi là hiệp ước AUKUS này được nhiều người coi là một liên minh khu vực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bản tin có sự đóng góp của Daniel Y. Teng và PA Media
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: