Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề nghị tài trợ gần 20 tỷ USD cho các nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn của Intel
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết khoản đầu tư này sẽ tạo ra hơn 30,000 việc làm được trả lương cao và ‘thúc đẩy thế hệ đổi mới tiếp theo.’
Bộ Thương mại đã đề xướng trao khoản tài trợ lên tới 8.5 tỷ USD và khoản vay 11 tỷ USD cho đại công ty công nghệ Intel để mở rộng sản lượng và sản xuất chất bán dẫn.
Theo các quan chức chính phủ cấp cao, khoản tài trợ được đề xướng này, bắt nguồn từ Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022, đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ vào ngành sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại cho biết thỏa thuận, mà trong đó đề cập đến một bản ghi nhớ sơ bộ không ràng buộc các điều kiện, sẽ bảo đảm rằng các vi mạch logic hàng đầu, vốn rất cần thiết cho các công nghệ tân tiến nhất thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng các năng lực quân sự quan trọng, sẽ được phát triển và sản xuất tại Hoa Kỳ.
Cụ thể, số tiền này sẽ được sử dụng để xây dựng hai nhà máy mới và hiện đại hóa một nhà máy chế tạo hiện có ở Arizona, “tăng đáng kể năng lực logic hàng đầu, bao gồm cả sản xuất nội địa số lượng lớn Intel 18A,” Bộ Thương mại cho biết.
Số tiền này cũng sẽ được sử dụng để tài trợ cho hệ sinh thái sản xuất vi mạch khu vực mới của Intel ở Ohio và hiện đại hóa hai nhà máy chế tạo thành cơ sở đóng gói tiên tiến ở New Mexico nhằm “thu hẹp khoảng cách quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước,” bộ này cho biết.
Ngoài ra, số tiền này sẽ được đầu tư vào một cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Oregon.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết khoản đầu tư này sẽ tạo ra hơn 30,000 việc làm được trả lương cao và “thúc đẩy thế hệ đổi mới tiếp theo.”
Hoạt động sản xuất vi mạch trong nước sụt giảm
Bà Raimondo nói: “Không ai quan tâm đến việc phục hồi ngành sản xuất của Mỹ quốc hơn Tổng thống Biden, và thông báo của ngày hôm nay là một bước tiến lớn hướng tới bảo đảm vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất trong thế kỷ 21.”
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, thông báo này được đưa ra khi thị phần sản xuất vi mạch hàng đầu của Hoa Kỳ hiện ở mức 0, giảm từ mức 37% trong năm 1990 xuống còn 12% trong năm 2020.
Tuy nhiên, bà Raimondo cho biết tỷ lệ này có thể tăng lên 20% vào năm 2030, một phần nhờ vào chương trình trợ cấp của chính phủ, vì Hoa Thịnh Đốn đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Đài Loan, cả hai quốc gia này đã chi hàng tỷ USD vào đầu tư nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn.
TT Biden trao hàng tỷ dollar cho các nhà sản xuất vi mạch Hoa Kỳ
Thông báo mới nhất này được đưa ra sau khi chính phủ TT Biden hồi tháng trước trao 1.5 tỷ USD cho GlobalFoundries — nhà sản xuất vi mạch theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới — để xây dựng một cơ sở sản xuất chất bán dẫn ở Malta, New York, và mở rộng các hoạt động hiện có ở đó và ở Burlington, Vermont.
Hồi tháng Một, chính phủ đã cấp cho Microchip Technology Inc. 162 triệu USD tài trợ liên bang từ Đạo luật CHIPS 2022 nhằm nỗ lực thúc đẩy sản xuất vi mạch và giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các nhà máy ngoại quốc.
Những khoản tài trợ này sẽ giúp Microchip Technology mở rộng sản xuất các bộ vi điều khiển và chất bán dẫn hết sức quan trọng đối với ngành hàng không vũ trụ, xe hơi, quốc phòng, và các ngành công nghiệp khác.
Trước thông báo đó, hồi tháng 12/2023, chính phủ đã trao 35 triệu USD cho BAE Systems Electronic Systems, một đơn vị kinh doanh của BAE Systems, Inc..
Các khoản tài trợ tương tự dành cho Samsung của Nam Hàn và TSMC của Đài Loan dự kiến sẽ được công bố rộng rãi trong những tuần tới.