Bộ tem Tết ‘con hổ đau buồn’ gây bão mạng: Ẩn dụ thực trạng của người dân Trung Quốc?
Gần đây, bộ tem Tết Nhâm Dần do Bưu cục Trung Quốc phát hành đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của cư dân mạng. Mọi người cho rằng con hổ trên tem có “vẻ mặt buồn rười rượi”, trông có vẻ ốm yếu.
Năm 2022 là năm Nhâm Dần, ấn bản mới của bộ tem năm Nhâm Dần đã chính thức được phát hành vào ngày 5 tháng 1 vừa qua. Là đơn vị phát hành, công ty TNHH Philatelic Trung Quốc đã giới thiệu thông tin trên website chính thức của mình rằng: Bộ tem đặc biệt năm Nhâm Dần là bộ thứ 7 trong lượt tem con giáp lần thứ 4 của Trung Quốc, miêu tả một cách tinh xảo nét đẹp của loài hổ.
Đơn vị phát hành nói rằng, bức tranh đầu tiên mô tả hình tượng lão hổ thượng sơn với một phong thái hiên ngang, dáng vẻ sừng sững nhìn về xa xăm, chí hướng vời vợi… Bức tranh thứ hai miêu tả khung cảnh ấm áp với hình ảnh một hổ mẹ với vẻ mặt ôn hòa dịu dàng cùng với 2 hổ con, ngụ ý con cháu đầy đàn, gia đình mỹ mãn.
Tuy nhiên, một số cư dân mạng lại cho rằng, con hổ trong bức tranh đầu tiên nhìn có vẻ ốm yếu, “vẻ mặt buồn rười rượi”, không có dáng vẻ oai phong của lão hổ thượng sơn. Còn hổ mẹ và hai hổ con trong bức tranh thứ 2 cũng có khuôn mặt không vui vẻ, hổ mẹ không mang dáng vẻ oai phong của loài hổ, hổ con cũng không được nhanh nhẹn.
Cũng có không ít cư dân mạng chế giễu rằng:
“Nó phản ánh một cách chân thực dáng vẻ tiều tụy của hổ mẹ”;
“Hổ mẹ rất lo lắng khi nuôi hai hổ con”;
“Nói không chừng đang bị thúc giục tiếp tục mang thai hổ con”;
“Hổ đang vô cùng lo lắng cho những người sắp bước vào năm hổ này”…
“Đặt hai bức tranh gần nhau tựa như hổ bố vì dịch bệnh nên bị chia cắt với hổ mẹ và hai hổ con trong thời gian rất lâu, hai bên lo lắng mong đợi, vì vậy mà khuôn mặt mới buồn rũ rượi như vậy”;
“Mùa lạnh sắp đến, cuộc sống khó khăn, ăn mặc thiếu thốn…, đi đến đâu để kiếm ăn đây, liệu có kiếm được không, trong lòng còn không dám chắc… Liệu có thể không mờ mịt và buồn rầu sao?”.
Trước những nghị luận sôi nổi của cư dân mạng, tác giả của ấn bản mới bộ tem năm Nhâm Dần là ông Phùng Đại Trung (Feng Dazhong) đã nói với kênh truyền thông “Hồng Tinh tân văn” (Hongxingxinwen) rằng: Thiết kế ban đầu của con hổ trong phiếu tem đầu tiên là ngẩng cao đầu, nhưng khi được vẽ lên phiếu tem thì đầu con hổ hơi nhỏ, về sau lại hạ thấp đầu của hổ hơn một chút; Ở con tem thứ hai, ba con hổ thì đã loại bỏ đi một con, như vậy kết cấu của nó sẽ trở nên phong phú hơn, bức họa sẽ đột phá được thuộc tính của động vật, từ đó mà nhân cách hóa chúng.
Có cư dân mạng cho rằng:
“Cảm giác vấn đề nằm chính ở chỗ nhân cách hóa ấy, ông đã nhân cách hóa nó rồi thì liệu nó có thể không buồn sao được? Hổ thật chỉ lo lắng về vấn đề ăn uống. Nếu bị nhân cách hóa thì sẽ trở nên phức tạp, cơm áo gạo tiền, dịch bệnh, chứng khoán, công việc đều khó khăn, vì vậy mới nói rằng nét vẽ của họa sĩ quả đúng là tả thực!”
“Cuộc sống đã đủ tang thương rồi, không cần phải tả thực nữa”;
“Nghĩ như vậy mới thấy rằng con người quả là không bằng con hổ”;
“Thật là quá thảm, quá thảm”, “Năm này cảm giác sẽ rất khó khăn”;
“Ẩn dụ một cách chân thực sự bi quan về tương lai của những con người lao khổ! Từ đó còn có thể nhìn thấy được sự bất lực, tuyệt vọng và phẫn uất của những người thua lỗ vì chứng khoán, rất chân thực sinh động”.
Tờ “Hồng Tinh tân văn” cho biết, học trò của một nhà họa sĩ cấp quốc gia cho rằng, con hổ được vẽ trên phiếu tem quả thật quá ưu sầu, thiếu linh khí, khí thế cũng có chút yếu nhược.
Tuy nhiên, một số họa sĩ tán dương rằng ông Phùng Đại Trung đã có hơn 20 năm kinh nghiệm vẽ tranh về hổ, ông ấy đã cố tình làm giảm đi sự khác biệt về màu sắc trong tranh, hơn nữa, hổ cũng có lúc vui vẻ, đau thương và hoài niệm.
Theo tư liệu công khai, ông Phùng Đại Trung, 73 tuổi, là Phó chủ nhiệm ủy ban Nghệ thuật Hội họa Trung Quốc thuộc Hiệp hội Mỹ thuật gia Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ thuật tỉnh Liêu Ninh, là họa sĩ cao cấp Quốc gia, đồng thời là một chuyên gia được trợ cấp đặc biệt của Quốc vụ viện. Ông cũng là hội trưởng hiệp hội những nghệ thuật gia lão luyện tỉnh Liêu Ninh.
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: