Bộ Sự Thật 2.0
Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas được cho là đang xem xét việc phát triển các công cụ có thể giúp trẻ em Hoa Kỳ phân biệt giữa sự thật và những lời nói dối, đồng thời biết được khi nào bọn trẻ bị cung cấp những “thông tin sai lệch.”
Tờ Washington Times, tờ báo đầu tiên đăng tin này, cho biết một phát ngôn viên của bộ từ chối đưa ra chi tiết, nhưng sẽ có thêm thông tin được tiết lộ “trong những tuần tới.”
Ông Mayorkas có thể bắt đầu bằng cách kiểm tra tin giả cho tuyên bố gần đây của ông ta rằng biên giới phía nam Hoa Kỳ đã “đóng cửa.” Ông ta đã đưa ra tuyên bố này khi các bức ảnh thời sự cho thấy nhiều đợt người đang vượt qua biên giới. Những đứa trẻ nên tin tưởng ông ta hay tin vào “đôi mắt dối trá” của chúng?
Có ai, thuộc bất kể đảng phái chính trị hay tôn giáo nào, cảm thấy thoải mái khi chính phủ đặc biệt nói với trẻ em rằng các em có thể tin vào những điều gì và có thể tín nhiệm những ai? Đây là những gì các quốc gia độc tài đã làm. Điều này được gọi là tuyên truyền.
Chúng ta đã bị ngập chìm trong đúng đắn chính trị, văn hóa xóa sổ và chủ nghĩa thức tỉnh. Các mạng truyền hình dành nhiều thời gian hơn để đưa ra ý kiến và các câu chuyện nghiêng về các quan điểm nào đó hơn là theo đuổi báo chí khách quan, hay ít ra là công bằng.
Danh sách các quan chức chính phủ đã nói dối là rất dài và đã có từ thời lập quốc. Một số lời nói dối có thể được bào chữa dựa trên cơ sở an ninh quốc gia. Những cái khác được sử dụng để che đậy hành vi sai trái hoặc nâng cao hình ảnh của kẻ nói dối.
Trong những năm gần đây, chúng ta nhớ lại việc Tổng thống Clinton phủ nhận có quan hệ nam nữ với Monica Lewinsky, việc Tổng thống Obama tuyên bố về chương trình chăm sóc sức khỏe của ông ta rằng: “Nếu quý vị thích bác sĩ của mình, quý vị có thể tiếp tục giữ họ lại,” việc Tổng thống George H.W. Bush tuyên bố “Hãy nghe kỹ, sẽ không có thuế mới,” việc chính phủ ông George W. Bush khẳng định rằng Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt, việc ông Richard Nixon nói dối về Watergate, việc ông Lyndon Johnson cùng với nội các và các tướng lĩnh của ông ta nói dối rằng chúng ta đang chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam như thế nào (một lời nói dối khác là ông Johnson đã cam kết trong vận động tranh cử năm 1964 rằng sẽ không đưa người Mỹ sang chiến đấu ở Việt Nam), và việc giám đốc điều hành của R.J. Reynolds nói với một ủy ban quốc hội vào năm 1994 rằng “hút thuốc lá không ‘gây nghiện’ hơn cà phê, trà hoặc Twinkies.” Tờ Washington Post đưa tin trong tháng 01/2021 rằng vào cuối nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Trump “đã tích lũy 30,573 lời nói sai sự thật trong nhiệm kỳ tổng thống — trung bình khoảng 21 tuyên bố sai lầm mỗi ngày.”
Tôi có thể tiếp tục, nhưng quý vị đã hiểu.
Ông George Orwell đã tiên tri về ngôn ngữ Newspeak và Bộ Sự Thật khi viết tiểu thuyết “1984”. Chúng ta đã đạt tới cái đầu tiên (Newspeak) về những gì được phép nói hoặc không được phép nói, nếu không sẽ bị bôi nhọ bởi những vết nhơ cường điệu và khó chịu. Giờ hãy cùng điểm lại về Bộ Sự Thật cho những ai chưa đọc qua cuốn sách hoặc cần được nhắc lại.
Bộ Sự Thật tương tự với Newspeak ở chỗ nó không liên quan gì đến sự thật, mà chính là một cái tên khác của tuyên truyền. Công việc của nó là bóp méo hồ sơ lịch sử theo cách phù hợp với chính sách của chính quyền và phiên bản của họ về những sự kiện đó. Nó cũng được giao nhiệm vụ định nghĩa sự thật, đôi khi dẫn đến những “lời nói nước đôi” hoặc mâu thuẫn, nhằm phục vụ cho các mục đích của nhà nước.
Sự thật đã trở thành chủ quan và tương đối trong thời hiện đại và bây giờ là thuộc về cá nhân. Quý vị có “sự thật” của quý vị còn tôi có “sự thật” của tôi. Ngay cả khi chúng mâu thuẫn với nhau, điều đó cũng không thành vấn đề, miễn là cả hai chúng ta đều cảm thấy hài lòng về điều đó.
Quan niệm sai lầm này đã góp phần vào sự suy thoái văn hóa của chúng ta.
Hãy thử thí nghiệm này nếu quý vị muốn biết chúng ta đã đi bao xa so với sự thật khách quan. Hãy truy cập bất kỳ trang web định nghĩa phổ biến nào và nhập vào từ “truth” (sự thật). Chúng sẽ cho rằng sự thật có tồn tại và có thể được khám phá.
Sự thật lẽ ra sẽ giải phóng chúng ta, nhưng nếu chúng ta không thể nhận ra hoặc xác định nó, chúng ta sẽ bị trói buộc. Bộ trưởng Mayorkas nên đọc lại cuốn tiểu thuyết của Orwell và sau đó từ bỏ mọi kế hoạch tuyên truyền cho học sinh.
Ông John Calvin Thomas là một ký giả, tác giả và nhà phát thanh bình luận trong hơn 35 năm. Cuốn sách mới nhất của ông là “America’s Expiration Date: The Fall of Empires and Superpowers and the Future of the United States”.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Calvin Thomas thực hiện
Joe Nguyễn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: