Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ: Không có cái gọi là ‘vùng cấm bay phạm vi nhỏ hơn’
Hôm thứ Năm (17/03), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết một vùng cấm bay do NATO thực thi sẽ không giúp gì nhiều để ngăn chặn một số cuộc tấn công của Nga bên trong Ukraine. Bình luận này được đưa ra sau khi một số thành viên Quốc hội đề nghị biện pháp này.
Người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin nói với các phóng viên: “Những hệ thống đang được Nga sử dụng để giao chiến với quân đội Ukraine – họ đang sử dụng rất nhiều hỏa tiễn, đạn tự hành, và pháo. Có một số thứ có thể được sử dụng để chống lại những hệ thống đó.”
Nhưng ông Austin cho biết quân đội Nga đã sử dụng hỏa tiễn hành trình được phóng từ bên trong biên giới Nga.
“Vì vậy, một vùng cấm bay sẽ không ngăn cản được hoạt động đó,” ông Austin nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo với Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad ở Bratislava, Slovakia.
Tổng thống Joe Biden “đã nói rõ, chúng tôi sẽ không để quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở Ukraine,” ông nói thêm. “Vùng cấm bay có nghĩa là quý vị đang chiến đấu với Nga, tổng thống của chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ không tham gia vào một cuộc chiến với Nga.”
“Điều này thực sự có nghĩa là để kiểm soát bầu trời, quý vị phải làm cho các hệ thống phòng không trên mặt đất ở đó ngừng hoạt động,” ông Austin giải thích thêm. “Và một số hệ thống phòng không là đang ở Nga và do đó, không có cách nào dễ dàng hoặc đơn giản để làm điều này. Không có cái gọi là vùng cấm bay phạm vi nhỏ hơn*. Một vùng cấm bay có nghĩa là quý vị đang ở trong một cuộc xung đột với Nga. Vì vậy, từ quan điểm của Hoa Kỳ, chúng tôi, một lần nữa, lập trường của chúng tôi vẫn là chúng tôi sẽ không làm điều đó,” ông nói thêm.
Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã liên tục kêu gọi Hoa Kỳ và NATO thực hiện vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Trong bài diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ, ông Zelensky đã kêu gọi các nhà lập pháp “đóng cửa bầu trời”, có nghĩa là họ nên thiết lập một vùng cấm bay trên đất nước của ông.
Trước đó, các quan chức NATO cho rằng một vùng cấm bay sẽ khiến xung đột lan rộng ra bên ngoài Ukraine và có khả năng kích hoạt một thế chiến với Nga.
Thay vì sử dụng một vùng cấm bay, các quan chức Hoa Kỳ đã chọn gửi vũ khí và đạn dược tới Ukraine. Đầu tuần này (14-20/03), Tổng thống Biden cho biết chính phủ của ông sẽ cung cấp cho Kyiv 3,000 hỏa tiễn đất đối không vác vai, bao gồm khoảng 800 hỏa tiễn phòng không Stinger và 2,000 hỏa tiễn Javelin được cho là có hiệu quả chống lại các phương tiện thiết giáp của Nga.
Ukraine cũng đã yêu cầu trang bị chiến đấu cơ MiG-29, hỏa tiễn phòng không S-300 và các hệ thống khác thay vì vùng cấm bay. Slovakia được cho là sở hữu các phi cơ S-300 từ thời Liên Xô, và Bộ trưởng Quốc phòng Nad nói với các phóng viên rằng chính phủ ông đang xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine.
Nếu Slovakia gửi hệ thống hỏa tiễn cho Ukraine, ông Nad gợi ý rằng hệ thống phòng thủ [của nước này] có thể sẽ cần được Hoa Kỳ thay thế. Slovakia, từng là nửa phía đông của Tiệp Khắc cũ, là một quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw trước đây có chung đường biên giới ngắn ngủi với Ukraine.
Ông Nad nói, “Chúng tôi sẵn sàng làm như vậy ngay lập tức khi có sự thay thế thích hợp,” và cho biết thêm rằng hệ thống S-300 là “hệ thống phòng không chiến lược duy nhất” của Slovakia.
“Vì vậy, điều sẽ xảy ra ngay lập tức khi chúng tôi quyết định trao nó cho người Ukraine là chúng tôi thực sự tạo ra một lỗ hổng, một lỗ hổng an ninh, trong NATO,” ông nói thêm.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
(*) Chú thích của dịch giả: Gần đây trên thế giới có những lời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và NATO thực hiện “vùng cấm bay nhân đạo” để bảo vệ các hành lang nhân đạo, khác với “vùng cấm bay toàn diện” cho toàn bộ Ukraine. Vùng cấm bay nhân đạo có phạm vi nhỏ hơn vùng cấm bay toàn diện.
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: