Bộ phim ‘Trường Xuân’ nhận được giải thưởng điện ảnh hàng đầu mặc cho sự can thiệp của ĐCSTQ
Phỏng vấn nhà sản xuất phim Jason Loftus
“Trường Xuân là một ví dụ điển hình về những nguy hiểm có thể xảy ra khi [xã hội] vắng bóng quyền tự do ngôn luận, hội họp và đức tin.” Đạo diễn/Nhà sản xuất phim Jason Loftus cho biết.
Sau lần ra mắt đầu tiên ở Bắc Mỹ tại liên hoan phim Hot Docs 2022 vào đầu tháng này, bộ phim tài liệu hoạt hình “Trường Xuân” của nhà làm phim Jason Loftus đã nhận được cả hai danh hiệu cao quý nhất.
Sở hữu hai giải thưởng trong lần công chiếu thế giới tại Liên hoan phim tài liệu Thessaloniki vào tháng 3, thành công và ảnh hưởng của bộ phim đối với khán giả là một minh chứng cho thấy quyết tâm kiên định của Loftus trong việc tiếp tục sản xuất phim dù phải đối mặt với những lời uy hiếp và đe dọa từ nhà cầm quyền Trung Quốc trong quá trình làm phim.
Buổi công chiếu ra mắt tại Hoa Kỳ của bộ phim diễn ra tại Liên hoan phim Nhân quyền New York vào ngày 23/05 và ngày 24/05 – đồng thời phát trực tuyến từ ngày 20 đến 27/05, cũng như các buổi chiếu tại năm liên hoan phim khác trên toàn nước Mỹ trong bốn tuần tới (xem các địa điểm và ngày tháng bên dưới.) Chúng tôi đã liên hệ với nhà làm phim Loftus để phỏng vấn với mong muốn hiểu thêm về động lực khiến ông kiên trì quay bộ phim này, những can nhiễu mà ông gặp phải trong quá trình sản xuất phim và những phản hồi của khán giả đến thời điểm hiện tại trong một số buổi chiếu ra mắt bộ phim trên toàn cầu.
Bộ phim, nhà sản xuất phim và sự can thiệp của ĐCSTQ
Phim tài liệu hoạt hình “Trường Xuân,” đã nhận được cả hai giải thưởng do khán giả bình chọn tại Liên Hoan Phim Hot Docs và Rogers dành cho Phim hay nhất của Canada vào ngày 08/05, cùng với phim tài liệu điều tra năm 2020 “Ask No question” của ông Loftus. Đây hóa ra là một cái gai đối với Trung Cộng. Cả hai bộ phim đều đi sâu vào chủ đề đàn áp tín ngưỡng ở Trung Quốc, cụ thể là Pháp Luân Công, một môn thực hành thiền định được bắt nguồn từ nguyên lý tín ngưỡng của Trung Hoa cổ xưa; bao gồm những giá trị căn bản là: “Chân, Thiện, Nhẫn”.
Trong phần Hỏi & Đáp của chúng tôi bên dưới, nhà sản xuất phim Loftus tiết lộ rằng trong khi ông thực hiện cả hai dự án phim cùng lúc, chính quyền Trung Quốc đã gọi đến để cảnh báo với ông rằng họ biết rõ những gì ông đang làm.
Ông Loftus là nhà làm phim từng đoạt Giải thưởng Peabody và bốn lần được đề cử Giải thưởng Màn ảnh Canada. Loftus sở hữu Lofty Sky Entertainment và công ty con. Lofty Sky Pictures chuyên sản xuất phim truyện, chương trình truyền hình, trò chơi và ứng dụng. “Trường Xuân” là bộ phim tài liệu thứ hai của ông với tư cách là nhà sản xuất/đạo diễn.
“Ask No Question” là bộ phim tài liệu đầu tay của đạo diễn Loftus, là cuộc điều tra về một âm mưu của chính phủ Trung Quốc trong đó có vụ tự thiêu tại quảng trường Thiên An Môn được dàn dựng vào năm 2001 nhằm đổ lỗi cho Pháp Luân Công và biện minh cho cuộc đàn áp đức tin. Bộ phim nêu bật ảnh hưởng chết người của truyền thông dưới sự cai trị độc tài. Một chủ đề mà nhiều người Tây phương có thể liên tưởng đến tình trạng hiện tại của các sự kiện diễn ra trên thế giới.
Bộ phim tài liệu tiếp theo “Trường Xuân” đi sâu hơn vào chủ đề kiểm duyệt của chính quyền độc tài và phương tiện truyền thông, cũng như những điều mà nhiều người sẽ coi là hành động phi thường đến khó tin để tìm kiếm tự do. Bộ phim hoạt hình kể về câu chuyện có thật của một nhóm học viên Pháp Luân Công đã chèn sóng truyền hình nhà nước Trung Quốc vào năm 2002 nhằm bác bỏ lại phỉ báng của ĐCSTQ về đức tin của họ. Một câu chuyện gây xúc động và truyền cảm hứng về những khó khăn và quyết tâm bảo vệ tự do tín ngưỡng trước cuộc đàn áp bạo lực chết người này.
Giữa các cuộc truy quét của cảnh sát sau khi hành động chèn sóng truyền hình táo bạo chưa từng có này, họa sĩ minh họa truyện tranh Đại Hùng (“Justice League”, “Chiến tranh giữa các vì sao”) bản thân cũng là một học viên của Pháp Luân Công, đã trốn thoát khỏi quê hương của mình, thành phố Trường Xuân. Cuối cùng vào năm 2008, ông đã bị bắt giữ vì nghệ thuật của mình đã xúc phạm đến ĐCSTQ, và sau đó ông đã tị nạn đến Thành phố New York.
Bộ phim kể lại cuộc hành trình của Đại Hùng — những ký ức của ông về sự kiện chèn sóng trên truyền hình và kết cục của việc này. Nghệ thuật của ông đã tạo nên nền tảng vững chắc và nguồn cảm hứng cho màn trình diễn hoạt hình 3D của bộ phim.
Phỏng vấn nhà sản xuất phim Jason Loftus
Epoch Inspired: Sau bộ phim tài liệu điều tra “Ask No Questions,” tại sao ông cảm thấy cần phải tiếp tục đi sâu thêm về chủ đề bức hại Pháp Luân Công trong bộ phim tiếp theo, “Trường Xuân”?
Ông Jason Loftus: Tôi đã có vinh dự được nghe một vài câu chuyện không khỏi chấn động tâm can. Là một nhà làm phim, bạn muốn truyền tải điều gì đó vào những tác phẩm, vì vậy bạn tìm kiếm những câu chuyện thể hiện điều gì đó khác lạ và kỳ diệu về tinh thần của nhân loại hoặc tiết lộ điều gì đó về những tình trạng đang diễn ra trên thế giới. Thật không may, Pháp Luân Công và hoàn cảnh khó khăn của các học viên ở Trung Quốc ít được nhiều người biết đến. Nhưng vì thế mà cũng có một số câu chuyện tuyệt vời để chia sẻ, những câu chuyện đề cập đến các chủ đề có tầm ảnh hưởng phổ quát và liên quan với tất cả chúng ta. Tôi hy vọng rằng thông qua hai bộ phim tài liệu này, mọi người sẽ hiểu thêm về Pháp Luân Công và những gì nhóm người này đã chịu đựng ở Trung Quốc.
Epoch Inspired: Điều gì khiến ông xúc động hoặc để lại ấn tượng nhất trong quá trình sản xuất bộ phim này?
Ông Loftus: Câu chuyện này nhuốm màu bi thương, nhưng tôi cảm thấy chấn động bởi tinh thần hy vọng mà nhiều nhân vật trong phim đang nung nấu, mặc cho hoàn cảnh có khắc nghiệt đến nhường nào.
Epoch Inspired: Nội dung của bộ phim “Trường Xuân” liên quan đến tất cả chúng ta như thế nào?
Ông Loftus: Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều nảy sinh lòng tôn kính khi ai đó dám nói sự thật trong lúc đối mặt với quyền lực, đặc biệt là khi mà cái giá phải trả cao hơn rất nhiều. Khát khao tự do và tìm kiếm sự thật là chân lý phổ quát. Bộ phim “Trường Xuân” nói lên rằng điều gì đó thể xảy ra khi quyền tự do ngôn luận, hội họp và tín ngưỡng bị chối bỏ và chúng có khả năng gây huỷ hoại như thế nào. Đó cũng là một câu chuyện đong đầy cảm hứng về một số người sẽ phải trả giá đến mức nào để lên tiếng chống lại sự bất công.
Điều thú vị là những sự kiện này đã tròn 20 năm tuổi, nhưng khán giả luôn bày tỏ với tôi rằng họ cảm thấy bộ phim này được trình chiếu vô cùng đúng lúc và đó là điều cần thiết ngay lúc này. Chúng ta đang chứng kiến quá nhiều tàn bạo và bất công trên thế giới vẫn đang hoành hành, những sự việc không thể diễn ra nếu không có dàn dựng và tài trợ từ một câu chuyện giả dối – câu chuyện vẽ nên một nhóm người nguy hiểm, xấu xa hoặc đáng phải nhận sự trừng phạt với bất kỳ hành động nào chống lại họ.
Chúng ta có thể nghĩ thật điên rồ khi một người nào đó mạo hiểm tự do và thậm chí cả tính mạng của họ để phản đối lại những tuyên truyền của phương tiện truyền thông nhà nước, nhưng khi bạn nhận ra sự tác động của thông tin sai lệch có thể gây ra sự thù hận và cường bạo, thì bạn sẽ hiểu được rằng hành động chính nghĩa đó là sự hy sinh cao thượng hơn bất cứ điều gì.
Epoch Inspired: Trong khi thực hiện bộ phim này, ông đã phải đối mặt với những mối đe dọa và sự can thiệp từ chính quyền Trung Cộng. Ông có thể cho chúng tôi biết thêm về điều đó không? Ông đã phản ứng lại như thế nào và có dự đoán điều bất lợi sẽ xảy ra không?
Ông Loftus: Khi tôi bắt đầu thực hiện dự án này (và một phim tài liệu tương tự khác, “Ask No Question)”, tôi đang sản xuất một trò chơi điện tử được phát hành bởi Tencent, một tập đoàn truyền thông lớn ở Trung Quốc. Trò chơi đã được chấp thuận bởi hai bộ kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc, theo yêu cầu.
Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều người cho cả hai bộ phim và thông tin về những việc chúng tôi làm ngày càng lan rộng. Sau đó, ngay giữa thời điểm trò chơi ra mắt, tựa game của chúng tôi đã biến mất khỏi cửa hàng của Tencent một cách khó hiểu. Một vài ngày sau chúng tôi nhận ra rõ ràng đó không phải là vấn đề kỹ thuật. Và khi chúng tôi nhận một cuộc gọi, tôi đã ghi âm cuộc gọi đó. Tôi được thông báo trực tiếp rằng Chính phủ Trung Quốc đã liên hệ với Tencent và yêu cầu họ phải chấm dứt quan hệ với công ty của tôi. Họ nói rằng đó không phải là vấn đề ở bản thân trò chơi. Người đại diện của tôi đã hỏi liệu nhóm của tôi có liên quan đến bất kỳ điều gì “không phù hợp với đường hướng của chính phủ.” Tencent đã buộc phải cúi đầu trước áp lực của chính phủ. Tôi đã đưa bản ghi âm đó vào bộ phim đầu tay của tôi mà tôi dự kiến phát hành vào năm 2020.
Đương nhiên, tôi nhận thức được bản chất nhạy cảm của vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Pháp Luân Công. Chúng tôi đã phỏng vấn các nhà báo cho bộ phim “Ask No Question,” những người đã lo ngại khi nói chuyện cụ thể trên máy ghi âm vì sợ bị chính quyền trả thù. Bản chất của sự việc vẫn ở đó khi nó xảy đến với bạn. Trên thực tế, chế độ độc tài sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến.
Epoch Inspired: Nhiều người sẽ nhượng bộ trước một tối hậu thư như vậy. Tại sao ông lại không bị khuất phục?
Ông Loftus: Tôi sẽ không cho rằng đó là một tối hậu thư. Trên thực tế, tôi tin rằng áp lực và chiến thuật hù dọa từ chính phủ Trung Quốc thường xuyên manh nha sau hậu trường hơn là công khai. Họ không nói, “Nếu bạn làm điều X, chúng tôi sẽ làm Y.” Điều đó hẳn sẽ kém hấp dẫn hơn trong việc tạo ra sự tự kiểm duyệt. Họ cần bạn tò mò về những gì họ biết và lo sợ về những gì họ có thể làm để bạn tự kiểm duyệt hoạt động của chính mình. Sau đó, hầu như trong tiềm thức của bạn bắt đầu sàng lọc các hành vi và ngôn từ của mình. Họ sẽ bành trướng sức mạnh của mình một cách đáng kể nếu họ có thể để bạn tự phủ đầu mình trước và nếu luật chơi là mập mờ.
Tôi đã nhận thấy từ bộ phim trước của mình “Ask No Question,” rằng có nhiều nhà báo, vài người nói rằng họ có thể hiểu được vấn đề, và tính toán được mất. Họ nhận thức được rằng nếu họ tiếp cận các chủ đề mang tính nhạy cảm, chẳng hạn như một số khía cạnh kinh khủng hơn của cuộc bức hại Pháp Luân Công, họ sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng với việc đụng chạm đến Trung Quốc, sự nghiệp và thậm chí có thể là gia đình của họ.
Vì thế, nhiều người đã tránh thảo luận về những chủ đề này. Điều này không có nghĩa là không có một vài cá nhân xuất sắc, dũng cảm đưa tin về Pháp Luân Công, đặc biệt là trong những ngày đầu của cuộc bức hại. Có chứ. Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm xung quanh chủ đề Pháp Luân Công, cùng với sự cố gắng làm vẩn đục bằng được đối với Pháp Luân Công thông qua tuyên truyền rầm rộ, đã khiến nhiều người quay lưng. Đa số các nhà báo không tin tưởng lắm vào những gì mà chính quyền Trung Cộng phỉ báng Pháp Luân Công, nhưng nó vẫn có tác động đấy. Mọi người sẽ nghĩ rằng nếu thậm chí có một phần nhỏ của những gì chính quyền Trung Cộng tuyên truyền là đúng, thì việc động chạm tới nhóm người này [học viên Pháp Luân Công] là không đáng với cái giá phải trả quá lớn.
Tôi chợt nhận ra rằng, mặc dù hậu quả tài chính là có thật, nhưng nếu tôi và những người khác đều tính toán được mất tương tự như vậy, nhiều câu chuyện sẽ đơn giản là không có ngày được phơi bày ra ánh sáng. Tôi cũng được truyền cảm hứng bởi những người mà tôi đã gặp đến từ Trung Quốc. Họ đã phải trải qua nhiều lần bị giam giữ, tra tấn, và mất đi sinh kế hoặc nhà cửa. Tuy vậy, họ vẫn kiên trì kể lại câu chuyện của mình. Tôi tin rằng nếu họ sẵn sàng trải qua những hoàn cảnh khắc nghiệt này để lên tiếng, thì tôi nên tận dụng sự tự do và thoải mái mà mình có để giúp họ lan tỏa câu chuyện của mình.
Epoch Inspired: Các nhà chức trách Trung Quốc cũng đã liên hệ với gia đình ở Trung Quốc của vợ ông và đối tác làm phim, bà Masha Loftus. Tại sao ĐCSTQ lại đi xa đến mức đe dọa những người thân của vợ ông ở Trung Quốc?
Ông Loftus: Đúng vậy, vào khoảng thời gian chính quyền Trung Cộng ép buộc Tencent phải cắt đứt hợp đồng với công ty của tôi, cơ quan an ninh quốc gia của Trung Quốc đã bắt đầu gọi điện cho gia đình người thân của vợ tôi ở miền đông bắc của đất nước và cảnh báo với họ rằng nhà nước “biết chúng tôi đang làm gì ở hải ngoại.” Đó rõ ràng là một mối đe dọa hoặc cảnh báo nào đó. Chúng tôi nghi ngờ rằng họ đã thông qua WeChat của vợ tôi để tìm kiếm các tài khoản liên lạc ở Trung Quốc, vì vậy cô ấy đã xóa ứng dụng này.
Về lý do tại sao họ làm điều này, tôi đoán rằng họ đang thử nghiệm nhiều đòn bẩy khác nhau để xem mọi người phản ứng như thế nào. Nếu họ nhận ra rằng việc gây áp lực lên gia đình hoặc công ty đang có tác dụng, họ biết rằng họ có thể làm nhiều hơn để khiến bạn hành động theo cách họ muốn.
Thay vào đó, tôi đã viết một bài báo về điều này trên Wall Street Journal. Tôi cũng công bố các đoạn ghi âm về những gì họ đã làm cho doanh nghiệp và gia đình của tôi cũng như đưa đoạn video vào bộ phim trước. Lần này họ đã không cố gắng dùng các chiến thuật tương tự nữa.
Epoch Inspired: Cho đến nay, ông đã nhận được phản ứng của mọi người như thế nào đối với bộ phim “Trường Xuân”?
Ông Loftus: Chúng tôi đã có buổi ra mắt thế giới tại Liên hoan phim tài liệu Thessaloniki và buổi ra mắt ở Bắc Mỹ tại liên hoan phim Hot Docs. Cả hai đều là những liên hoan phim tài liệu danh giá và chúng tôi đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm cả giải thưởng do khán giả bình chọn hàng đầu tại cả hai liên hoan. Điều đó trao cho bạn ý tưởng về cách mà mọi người phản ứng với bộ phim này, và với tư cách là một nhà sản xuất phim, đó là điều vô cùng khích lệ. Bạn làm phim bởi vì điều gì đó khiến bạn xúc động và bạn hy vọng sẽ thực thi công lý với chủ đề mà bạn gặp được để những người khác cũng có thể được lay động theo cách tương tự. Nhiều người đã bày tỏ với tôi rằng họ rất xúc động trong suốt buổi công chiếu hoặc họ thức dậy vào sáng hôm sau với bộ phim còn đọng lại trong tâm trí. Tôi phải nói rằng, tôi rất xúc động khi nghe những phản hồi như thế.
Epoch Inspired: Đối với những khán giả đang cân nhắc tham dự buổi công chiếu bộ phim tại Liên hoan phim Nhân quyền ở New York vào ngày 23-24/05, họ có thể mong đợi loại trải nghiệm như thế nào?
Ông Loftus: Đây là lần đầu tiên sau hai năm Liên hoan phim Nhân quyền có thể tổ chức một sự kiện trực tiếp và chúng tôi rất vui khi có mặt trong số mười bộ phim chiếu tại hai địa điểm danh dự – Trung tâm Lincoln và Trung tâm IFC.
Bộ phim này dành được sản xuất cho màn ảnh rộng. Phim được tạo ra ở định dạng Cinema 4K , 2,39 Scope (siêu rộng) để cho phép người xem thực sự thán phục kỹ năng nghệ thuật của hoạ sĩ minh họa Đại Hùng khi anh hồi tưởng lại những hồi ức và câu chuyện chấn động này.
Cả tôi và Đại Hùng sẽ tham gia hai buổi phỏng vấn sau khi trình chiếu bộ phim.
Lịch chiếu phim “Trường Xuân” như sau:
Human Rights Watch Film Festival (U.S. Premiere)
Lincoln Center, 23/05
IFC Center, 24/05
Phát stream trên khắp Hoa Kỳ, 20-27/05
Mammoth Lakes Film Festival
Edison Theater, 26/05
San Francisco Doc Fest
The Roxie, 01/06
Lighthouse International Film Festival – Long Beach Island, New Jersey
LBI Foundation, 05/06
Oklahoma City Museum of Art, 10/06
Harkins Bricktown 16, 12/06
Dances With Films, Los Angeles, CA
Hollywood Chinese Theatre, 18/06
Các Liên hoan phim Quốc tế
Kraków Film Festival (Poland)
Mikro, 31/05,
Kijów, 02/06
Doc Edge (New Zealand)
Virtual Cinema, 11/06
Xem trailer của “Trường Xuân”:
(Video đăng dưới sự cho phép Lofty Sky Pictures)
Đội ngũ Epoch Inspired đem đến đến những câu chuyện ca ngợi lòng tốt, truyền thống và tâm linh, cung cấp những hiểu biết có giá trị về cuộc sống, văn hóa, gia đình, cộng đồng và thiên nhiên.