Bộ Ngoại giao không thể tuân theo lệnh tòa án trong khi tồn đọng thị thực Afghanistan ngày càng tăng
Bộ Ngoại giao đã đề nghị một thẩm phán liên bang hủy bỏ một lệnh của tòa án vốn để hợp lý hóa quy trình nộp đơn xin thị thực nhập cư đặc biệt (SIV), viện dẫn tình hình hỗn loạn ở Afghanistan là lý do không thể giải quyết lượng người nộp đơn tồn đọng ngày càng tăng.
Đề nghị của Bộ Ngoại giao hôm 24/05 đưa ra trong một cuộc tranh chấp pháp lý với một nhóm có tên là Các đồng minh Afghanistan và Iraq. Năm 2018 nhóm này đã kiện chính phủ Hoa Kỳ vì đã mất trung bình 2.5 năm hoặc lâu hơn để giải quyết SIV — thị thực cho các công dân Afghanistan và Iraq đủ điều kiện đã làm việc đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ tại nước sở tại của họ.
Nhóm Các đồng minh Afghanistan và Iraq — gồm năm công dân Iraq hoặc Afghanistan ẩn danh đã dẫn đầu vụ kiện tập thể này — đã giành được phán quyết vào năm 2019, khi một thẩm phán liên bang ra lệnh cho Bộ Ngoại giao hợp lý hóa quy trình SIV. Hôm 24/05, các luật sư của Bộ Ngoại giao cho biết họ đang cố gắng hết sức để tuân thủ lệnh tòa án năm 2019, nhưng việc quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan đã làm phức tạp các vấn đề.
“Các tình tiết dẫn đến vụ kiện này đã thay đổi đáng kể từ khi tòa án ban hành lệnh phát hiện sự chậm trễ bất hợp lý và thông qua một kế hoạch xét xử để giải quyết các đơn SIV. Trọng tâm của kế hoạch dành cho những người nộp đơn SIV Afghanistan là một cuộc phỏng vấn xin thị thực nhập cư đối với người nộp đơn chính mang quốc tịch Afghanistan và những người phụ thuộc của họ tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul,” Bộ Ngoại giao cho biết.
“Kể từ lần cuối cùng Tòa án giải quyết các vấn đề căn bản trong vụ kiện này, Taliban đã chiếm quyền kiểm soát Afghanistan và Hoa Kỳ đã đình chỉ các hoạt động tại đại sứ quán của họ ở Kabul, khiến đại sứ quán không thể cung cấp dịch vụ thị thực ở Afghanistan.”
Bộ Ngoại giao giải thích rằng người Afghanistan phải xuất ngoại để nộp đơn xin SIV.
Bộ Ngoại giao cho biết: “Bị đơn hiện đang phụ thuộc phần lớn vào khả năng và nguồn lực của mỗi đương đơn để xuất ngoại khỏi Afghanistan nhằm hoàn thành các cuộc phỏng vấn xin thị thực của họ tại một Đại sứ quán hoặc cơ quan lãnh sự khác của Hoa Kỳ,” Bộ Ngoại giao cho biết.
Theo Bộ Ngoại giao, các trường hợp xin SIV mới của họ đã tăng gấp bốn lần lên 25,903 trường hợp — khoảng 5,180 trường hợp một tháng — tính từ ngày 01/09/2021 đến 31/12/2021. Bộ Ngoại giao cho biết kể từ tháng Tám năm ngoái họ đã nhận được câu hỏi qua thư điện tử về các đơn đăng ký SIV nhiều hơn so với số lượng bộ này nhận được trong năm năm trước đó cộng lại.
Bất chấp những yếu tố phức tạp này, Bộ Ngoại giao cho biết họ đã giảm tổng thời gian giải quyết trung bình cho một đơn đăng ký SIV của Afghanistan xuống còn 587 ngày — giảm so với quy trình kéo dài nhiều năm mà bộ thực hiện vào năm 2019.
Bộ Ngoại giao cho biết, “Việc giảm thời gian giải quyết là đặc biệt ấn tượng trước những nhu cầu mới và rất lớn đối với chương trình SIV của Afghanistan kể từ tháng 08/2021.”
Nguyên đơn trong vụ kiện, Đồng minh Afghanistan và Iraq, vẫn chưa gửi phản hồi đối với yêu cầu của Bộ Ngoại giao. Trả lời câu hỏi qua thư điện tử từ The Epoch Times, một luật sư của Đồng minh Afghanistan và Iraq cho biết rằng nhóm này sẽ phản đối yêu cầu của Bộ Ngoại giao.
“Trước tình trạng quản lý yếu kém vẫn tiếp diễn và sự chậm trễ dai dẳng, và vào thời điểm không có nhiều sự chú ý của công chúng, chính phủ Tổng thống Biden đang cố gắng thoát khỏi các nghĩa vụ theo lệnh của tòa án để giải quyết kịp thời đơn của hàng ngàn người nộp đơn SIV Afghanistan và Iraq, những người vẫn đang chờ đợi quyền nhập cảnh an toàn đến Hoa Kỳ,” bà Katie Austin, một luật sư cao cấp của Dự án Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế (IRAP), cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản.
“Nghĩa vụ của Hoa Kỳ đối với những người đã hỗ trợ các nỗ lực của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq, được Quốc hội viết thành luật với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng, đã không thay đổi. Cũng như sự cần thiết có một con đường hiệu quả hướng tới sự an toàn đã bị giảm đi sau khi Hoa Kỳ can thiệp vào Iraq và Afghanistan,” bà Austin nói. “Phải có trách nhiệm giải trình nhiều hơn — chứ không phải ít hơn — để bảo đảm rằng Hoa Kỳ thực hiện đúng những lời hứa mà họ đã hứa với những người mà họ đã bỏ lại.”
Hồi tháng Ba, một thông dịch viên Hoa Kỳ-Afghanistan nói với The Epoch Times rằng Bộ Ngoại giao đã đưa ra khung thời gian kéo dài 14 năm để giải quyết đơn xin thị thực cho em gái của cô bị mắc kẹt ở Kabul. The Epoch Times đã ẩn tên của người phiên dịch và em gái của cô ấy để bảo vệ danh tính của cô em gái khỏi phiến quân Taliban.
Theo người phiên dịch này, em gái của cô không đủ điều kiện để được hưởng tư cách SIV vì cô không làm việc đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ — thay vào đó thuộc loại “F4” của quy trình xin thị thực do gia đình bảo trợ. Bộ Ngoại giao giới hạn số lượng người nộp đơn hàng năm như vậy dựa trên các tiêu chí được giải thích trong Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch.
Vị thông dịch viên cho biết hồi tháng Ba: “Họ nói với tôi rằng cô ấy thuộc loại 4 vì tôi là chị gái của cô ấy. Đó là một danh sách chờ 14 năm.” “Tôi cũng đang tài trợ riêng cho cô ấy, chịu hoàn toàn trách nhiệm về mặt tài chính của cô ấy. Những người khác sẽ nhận được tất cả các phúc lợi của người đóng thuế.
“Chỉ là điều đó khiến tôi đau lòng.”
Hồi tháng Ba, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Epoch Times rằng sự chậm trễ đối với các đơn xin thị thực là “không phải riêng với Afghanistan.”
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm đưa tin của ông cũng bao gồm cả an ninh mạng, tội phạm và tài chính hải ngoại – kể cả ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và hai năm ở Quần đảo Cayman. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]