Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Trung Quốc chuyển hướng sự chú ý khỏi những hành vi sai trái ở Hồng Kông
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đang cố gắng “chuyển hướng sự chú ý khỏi những hành vi sai trái của chính họ” ở Hồng Kông bằng cách cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào các vấn đề của thành phố. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố một bản danh sách những người chịu trách nhiệm về sự can thiệp bị cáo buộc này.
“Chính sách của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông luôn nhất quán và sẽ không dao động,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times.
Các tuyên bố và hành động của Hoa Kỳ đối với thuộc địa cũ của Anh Quốc này là nhằm mục đích “duy trì quyền tự trị mà Hồng Kông đã được hứa trong Tuyên bố chung” và “thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những ai làm xói mòn các quyền con người và quyền tự do mà người dân Hồng Kông được hưởng,” bộ cho biết trong một email hôm 24/09.
“Hoa Kỳ sẽ luôn bảo vệ các quyền tự do căn bản và pháp quyền,” tuyên bố nêu rõ, cho biết thêm rằng đây là hai quyền căn bản mà nhà cầm quyền này đã hứa.
Trong một bài đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu (24/09), nhà cầm quyền này đã liệt kê chi tiết một danh sách hơn 100 trường hợp cáo buộc Hoa Kỳ “can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông” và “phá hoại” “sự thịnh vượng và ổn định” của thành phố. Bắc Kinh đã nhiều lần sử dụng những ngôn từ này để lên án sự chỉ trích của các quốc gia phương Tây về các vấn đề trong đó có việc đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Hồng Kông.
Bộ này cho biết “chính sách rõ ràng, hợp tác với các đối tác địa phương và đại diện cho lợi ích quốc gia” là “thông lệ ngoại giao” và “hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.”
“Nói cách khác đây chỉ đơn giản là một nỗ lực của CHND Trung Hoa nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi những hành vi sai trái của chính họ và chỉ làm suy yếu sức hấp dẫn lâu đời của Hồng Kông như một trung tâm của sự rộng mở và việc trao đổi tự do,” theo tuyên bố [của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ].
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích phản ứng của Hoa Thịnh Đốn với luật an ninh quốc gia sâu rộng của Hồng Kông và các biện pháp khác mà cơ quan lập pháp cộng sản không có thực quyền đã áp dụng đối với trung tâm tài chính quốc tế này kể từ đầu năm 2019.
Cảnh sát thành phố đã bắt giữ hơn 10,000 người do vai trò của họ trong các cuộc biểu tình đông đảo phản đối các kế hoạch cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục vào giữa năm 2019.
Không như các thành phố đại lục khác, Hồng Kông đã từng hưởng nền dân chủ sau khi thành phố này chuyển từ sự cai trị của Anh Quốc sang Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết cho phép thành phố duy trì các quyền tự do dân sự của mình trong vòng 50 năm trong Tuyên bố chung Trung-Anh.
Sau khi nhà cầm quyền này áp dụng một loạt các biện pháp trong những năm gần đây, thành phố đã chứng kiến sự suy thoái của quyền tự chủ và nền dân chủ, đặc biệt là sau luật an ninh quốc gia. Kể từ khi luật này có hiệu lực, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ 100 người bất đồng chính kiến, dẫn đến hơn 60 cáo buộc, hầu hết chống lại các chính trị gia dân chủ, nhà hoạt động, ký giả và sinh viên.
Danh sách
Các cáo buộc của Bắc Kinh bao gồm từ việc cựu Tổng thống (TT) Donald Trump ký Đạo luật Tự trị Hồng Kông năm 2020, cho đến việc Tổng thống Joe Biden thể hiện sự ủng hộ đối với tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily.
Cựu TT Trump đã ra lệnh chấm dứt đặc quyền của Hồng Kông theo luật pháp Hoa Kỳ để trừng phạt “các hành động áp bức” của nhà cầm quyền cộng sản đối với trung tâm tài chính này.
Nhà cầm quyền này cũng chỉ trích TT Biden vì gọi việc đóng cửa tờ Apple Daily là “một ngày buồn cho tự do truyền thông” và là một dấu hiệu của “sự đàn áp tăng cường của Bắc Kinh.”
Tờ báo khổ nhỏ nổi tiếng Apple Daily, vốn thường xuyên chỉ trích chính quyền thành phố và Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đóng cửa hồi tháng 06/2021 sau khi 500 cảnh sát đột kích vào trụ sở và phong tỏa các tài sản chính của nó. Các nhà chức trách nói rằng hàng chục bài báo của tờ báo này có thể đã vi phạm luật an ninh quốc gia.
Người sáng lập Apple Daily, ông trùm Lê Trí Anh (Jimmy Lai), hiện đang thụ án 20 tháng tù và chờ xét xử về ba tội danh liên quan đến an ninh quốc gia. Theo luật này, ông Lê có thể sẽ phải đối mặt với mức án lên tới tù chung thân.
Luật có ngôn từ mơ hồ này trừng phạt những lời nói hoặc hành vi bị coi là ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc bị cho là thông đồng với các nhóm hoặc cá nhân chính trị ngoại quốc [có thái độ] thù địch đối với nhà nước độc đảng đang cầm quyền của Trung Quốc.
Các quan chức Hoa Kỳ khác có tên trong danh sách của Trung Quốc bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Ngoại trưởng đương thời Mike Pompeo, và người kế nhiệm của ông, ông Antony Blinken.
Bộ Ngoại giao [Trung Quốc] không giải thích lý do tại sao [họ lại] công bố bản danh sách này bây giờ hoặc liệu họ có tiến hành trừng phạt đối với những người có tên trong danh sách hay không.
Phát ngôn viên của văn phòng đại sứ của bộ này tại Hồng Kông cho rằng chính sách và các hành động của Hoa Thịnh Đốn đối với Hồng Kông là “một danh sách chính thức về tội ác mà họ đã thực hiện” trong một tuyên bố khác [vào cùng ngày] hôm thứ Sáu.
Hôm 16/07, Hoa Thịnh Đốn đã ra cảnh báo về môi trường kinh doanh ngày càng tệ hơn trong thành phố sau khi luật an ninh quốc gia được ban hành. Một tuần sau, Hoa Thịnh Đốn đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc bóp nghẹt nền dân chủ trong thành phố.
Đáp lại, Bắc Kinh đã ban hành một danh sách trừng phạt khác nhắm vào các chính trị gia tiền nhiệm và tổ chức của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các cá nhân và công ty ở đại lục tuân theo các lệnh trừng phạt mà nhà cầm quyền cộng sản này đưa ra trong luật trừng phạt chống ngoại bang được thông qua hồi tháng 06/2021.
Những ai liên quan đến việc thực thi các biện pháp trừng phạt của ngoại quốc chống lại nhà cầm quyền này có thể phải đối mặt với các hình phạt bao gồm từ chối cấp thị thực, trục xuất và phong tỏa hoặc tịch thu tài sản.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters và Cathy He
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: