Bộ Ngoại giao: Hoa Kỳ ‘lo ngại sâu sắc’ về việc đàn áp Pháp Luân Công ở Nga
Hôm 09/07, Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ “lo ngại sâu sắc” về quyết định gần đây của một tòa án Nga nhằm đàn áp một chi nhánh khu vực của nhóm tu luyện Pháp Luân Công bằng cách quy cho nhóm này là “cực đoan.”
Quyết định của tòa án đã hình sự hóa “việc thực hành các niềm tin tín ngưỡng [của nhóm] một cách ôn hòa,” bộ này cho biết thêm.
“Chính quyền Nga sách nhiễu, phạt tiền, và tống giam các học viên Pháp Luân Công vì những hành động đơn giản như thiền và sở hữu các kinh sách tâm linh,” Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố, một ngày sau khi một tòa án Nga giữ nguyên lệnh cấm đối với chi nhánh Pháp Luân Công khu vực Khakassia.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Nga chấm dứt việc lạm dụng danh nghĩa ‘cực đoan’ như một phương thức để hạn chế nhân quyền và các quyền tự do căn bản,” ông nói, khi cho biết thêm rằng phán quyết của tòa án là “một ví dụ khác về việc chính phủ Nga quy kết cho các nhóm ôn hòa là ‘cực đoan,’ ‘khủng bố’ hoặc ‘không mong muốn’ chỉ để bêu xấu những người ủng hộ họ, biện minh cho những hành vi lạm dụng chống lại họ và hạn chế các hoạt động tôn giáo và dân sự ôn hòa của họ.”
Ông lưu ý rằng hồi tháng trước một tòa án ở Moscow đã tiến hành phân loại ba nhóm có liên quan đến nhà lãnh đạo phe đối lập bị giam giữ Alexey Navalny là “cực đoan,” điều mà ông cho rằng đã chứng minh hơn nữa “việc Nga áp dụng rộng rãi và tùy tiện danh nghĩa này.”
Ở Trung Quốc, kể từ năm 1999, môn thiền định Pháp Luân Công đã phải đối mặt với sự đàn áp tiếp diễn dưới bàn tay của Trung Cộng. Các học viên phải đối mặt với việc bị bỏ tù, lao động nô lệ, tra tấn tinh thần, và thậm chí bị mổ cướp nội tạng vì kiên định với đức tin của họ.
Trong những năm qua, hơn một chục học viên Pháp Luân Công đã bị buộc phải rời khỏi Nga mặc dù một số người trong số họ đã được Liên Hiệp Quốc công nhận tình trạng tị nạn. Năm 2007, các nhân viên nhập cư Nga đã bắt ép các học viên Pháp Luân Công Mã Huệ (Ma Hui) và cô con gái tám tuổi của cô, cả hai đều đã được công nhận là người tị nạn, lên phi cơ để trục xuất họ trở lại Trung Quốc. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của cả hai.
Trong một báo cáo có nhan đề “Phát Minh Ra Những Kẻ Cực Đoan” (Inventing Extremists) vào năm 2018, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã lưu ý rằng “định nghĩa mơ hồ và khả nghi về ‘chủ nghĩa cực đoan’” đã mang lại cho các nhà chức trách Nga quyền lực rộng rãi trong việc đàn áp người có đức tin như thế nào.
Từ năm 2011 đến năm 2017, đã có ít nhất ba vụ truy tố liên quan đến việc phân phát hoặc sở hữu các tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.
Năm 2013, các công tố viên đã cảnh cáo ông Vladimir Sheremetyev, quan chức địa phương của Đảng Nước Nga Thống nhất, chính đảng lớn nhất của đất nước, sau khi ông này sử dụng cuốn sách [chính] của Pháp Luân Công—“Chuyển Pháp Luân”—trong các buổi học nhóm. Cuốn sách đã bị cấm tại quốc gia này vào năm 2011.
Năm 2012, Nghị viện Âu Châu đã chỉ trích “lệnh cấm không chính đáng” của Nga đối với các kinh sách của môn tu luyện này trong một nghị quyết.
Do Eva Fu thực hiện
Minh Ngọc biên dịch tài liệu
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: