Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Hồng Kông vì bắt giữ hàng loạt người biểu tình
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án các vụ bắt giữ hàng loạt mới nhất ở Hồng Kông sau khi cảnh sát địa phương giải tán các cuộc biểu tình vào ngày 1/10, ngày đánh dấu kỷ niệm 71 năm ĐCSTQ chiếm giữ Trung Quốc.
Trong một tuyên bố được công bố vào ngày 3/10, bà Morgan Ortagus, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi rất phẫn nộ trước việc chính phủ Hồng Kông tùy tiện bắt giữ hơn 80 người vào ngày 1/10.”
Bà nói thêm rằng: “Bằng cách trấn áp dư luận ôn hòa, một lần nữa, chính quyền Hồng Kông cho thấy sự đồng lõa của mình trong việc ĐCSTQ tước bỏ quyền tự chủ và quyền tự do của người dân Hồng Kông.”
Hôm 1/10, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, những người biểu tình đã xuống đường để nói lên những yêu cầu lâu nay của họ bao gồm quyền phổ thông đầu phiếu, cũng như phản đối việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, trừng phạt người dân với những tội danh mơ hồ, như tội ly khai với hình phạt tối đa là tù chung thân.
Trong một tuyên bố vào tối muộn hôm 1/10, cảnh sát Hồng Kông cho biết, có ít nhất 86 người trên toàn thành phố đã bị bắt, với các cáo buộc như tham gia vào “các cuộc tụ tập trái phép”, “sở hữu vũ khí tấn công” và các cáo buộc khác. Trong số những người bị bắt có bốn ủy viên hội đồng quận. Tất cả hiện đã được bảo lãnh tại ngoại.
Anh Mozam Chan, một trong bốn ủy viên quận bị bắt, đã lên trang Facebook của mình để kể lại trải nghiệm của anh với cảnh sát ngày hôm đó. Anh viết rằng, anh đang đi qua một khu vực của Vịnh Causeway sau khi dùng bữa và chuẩn bị đi thăm thân nhân của một người bị bắt ở một khu vực khác của thành phố. Đột nhiên, cảnh sát chống bạo động tiếp cận và chặn anh lại. Cảnh sát đã khám xét và buộc tội anh tham gia vào một “cuộc tụ tập trái phép”.
Một ủy viên quận khác, ông Fergus Leung, đã chia sẻ ý kiến của mình về “Ngày Quốc khánh” của Trung Quốc trên Facebook chỉ vài giờ trước khi bị bắt. Ông viết rằng, trong 23 năm qua, sự áp bức của Bắc Kinh đối với Hồng Kông là không ngừng nghỉ và ông sẽ “không bao giờ chúc mừng một chế độ độc tài với bàn tay nhuốm máu người dân Hồng Kông”.
Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh đã trở về dưới sự cai trị của ĐCSTQ vào năm 1997, với việc Bắc Kinh hứa hẹn sẽ duy trì quyền tự trị và tự do cho thành phố này trong 50 năm theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên, các nhà phê bình quốc tế và người dân địa phương nói rằng luật an ninh quốc gia đã đặt dấu chấm hết cho quyền tự trị của thành phố này.
Hồng Kông đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình hỗn loạn chống lại Bắc Kinh kể từ khi hàng triệu người xuống đường vào tháng 6/2019 để phản đối một dự luật dẫn độ đã bị hủy bỏ. Theo dữ liệu của cảnh sát Hồng Kông, từ ngày 9/6 năm ngoái đến ngày 15/9 năm nay, 10,022 người đã bị bắt giữ từ địa điểm của các cuộc biểu tình.
Bà Ortagus cho biết trong bản tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng, việc cảnh sát bắt giữ những người biểu tình là đang dùng “việc thực thi pháp luật cho các mục đích chính trị, điều này trái với việc bảo tồn pháp quyền và tôn trọng nhân quyền, bao gồm quyền tụ tập và tự do ngôn luận”.
Bà kết luận: “Những vụ bắt giữ này một lần nữa nhấn mạnh việc Bắc Kinh phá bỏ hoàn toàn mô hình một quốc gia, hai chế độ mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [People’s Republic of China, PRC] đã hứa sẽ duy trì.”
Cũng trong ngày 1/10, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Đạo luật Tự do và Lựa chọn của Người dân Hồng Kông năm 2020 (H.R.8428), đạo luật này sẽ cung cấp nơi trú ẩn tạm thời cho những người Hồng Kông đã ở Hoa Kỳ, những ai lo sợ bị bức hại nếu họ quay trở lại Hồng Kông.
Dự luật đã được hai dân biểu Tom Malinowski (Dân Chủ-New Jersey) và Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois) giới thiệu vài ngày trước, và là phiên bản cập nhật của dự luật (H.R.7428) đã được giới thiệu hồi tháng 6 vừa qua.
Dự luật cũng kêu gọi giải quyết nhanh các đơn xin tị nạn của những người Hồng Kông chạy trốn khỏi thành phố, cũng như việc chính phủ Hoa Kỳ sẽ phối hợp với các nước đồng minh trong việc cung cấp nơi trú ẩn cho những người Hồng Kông chạy trốn khỏi cuộc bức hại.