Bộ Ngoại giao Đức: Trung-Nga dùng ‘ngoại giao vaccine’ để thực hiện mưu đồ tâm chính trị
Truyền thông đưa tin, vào ngày 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã cáo buộc Trung Cộng và Nga lợi dụng việc phân phối vaccine COVID-19 vào mục đích chính trị. Ông nói, hai nước này đang âm mưu khuếch trương thế lực chứ không phải vì mục đích cứu người.
Ông Maas nói rằng cả Nga và Trung Quốc đều khoa trương nói họ đã phân phối bao nhiêu vaccine cho nhiều nước khác nhau, nhưng thực tế hai nước này đều đang có dã tâm khác. Đặc biệt là Trung Quốc (Trung Cộng), lấy việc cung cấp vaccine như một thủ đoạn để đưa ra các yêu cầu chính trị rõ ràng. “Các quốc gia nên cự tuyệt hành động này”.
Ông Maas nói cần ngăn chặn điều này xảy ra chứ không phải chỉ trích suông, “cần đảm bảo rằng các quốc gia bị ảnh hưởng có các giải pháp thay thế.” Giải pháp thay thế mà Maas nói là “(các nước châu Âu và Hoa Kỳ) cần giúp các nước nghèo hơn cải thiện vấn đề nguồn cung cấp vaccine” để ngăn Trung Quốc và Nga tiếp tục thực hiện “âm mưu vaccine” cho các mục đích chính trị.
Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố, 40 nước châu Phi dùng vaccine Trung Quốc; Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 500 triệu liều vaccine và dung dịch vaccine đến 112 quốc gia và khu vực, tương đương với 1/6 tổng lượng vaccine toàn cầu. Trung Cộng tuyên bố rằng hành vi này của họ hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng tương thân tương ái của họ.
Tuy nhiên, mới tháng trước, một số nhà ngoại giao ở Geneva nói với báo chí rằng, Trung Cộng đã gây áp lực lên Ukraine bằng cách đe dọa cắt nguồn cung vaccine để ngăn Ukraine lên tiếng ủng hộ các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Trung Quốc. Báo CNN đưa tin rằng, Trung Cộng đã hợp tác với Nga để sản xuất vaccine Sputnik V của Nga nhằm thao túng các nước đang phát triển. Loại vaccine này đã được sử dụng ở hơn 60 quốc gia, bao gồm Mexico, Ấn Độ và Argentina.
Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một báo cáo cho biết, Trung Cộng và Nga đã cung cấp thông tin sai lệch về vaccine để cạnh tranh với vaccine do phương Tây sản xuất. Nhận lời phỏng vấn của truyền thông, cựu Phó trưởng phái bộ tại Đại sứ quán Australia ở Moscow quả quyết, Nga và Trung Quốc đang tăng cường truyền tải rằng “các nước phương Tây rất ích kỷ trong việc phân phối vaccine”. Trung Cộng đang khao khát nâng cao danh tiếng của mình, đắp nặn mình như một lãnh đạo của các nước khu vực phía Nam bán cầu.
Hiệu quả vaccine của Trung Quốc bị nghi ngờ
Mặc dù Trung Cộng luôn tích cực xây dựng hình ảnh của mình như một “cường quốc vaccine”, tuy nhiên trong năm nay các quốc gia nhận vaccine từ Trung Quốc lại cho thấy số ca mắc và tử vong không hề thuyên giảm mà lại có dấu hiệu gia tăng. Các nước trên thuộc nhóm nước đang phát triển và nằm chủ yếu ở Trung và Nam Mỹ, Đông Nam Á.
Điển hình là tại Peru, cựu Tổng thống Peru Biscala, ông mắc COVID-19 ngay cả khi đã chích vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Tỷ lệ hiệu quả của vaccine Sinopharm trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Peru chỉ đạt 33% và 11.5%.
Tại Brazil, Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes vào cuối tháng 4 đã nói một cách thẳng thắn, “Trung Quốc đã phát minh ra virus COVID-19, vaccine của Trung Quốc không hiệu quả bằng Hoa Kỳ.” Tuy nhiên, đoạn video về bài phát biểu của Guedes sau đó đã bị giới quan chức Brazil khẩn cấp gỡ bỏ. Brazil chủ yếu chích vaccine Trung Quốc. Cho đến nay, Brazil đã ghi nhận hơn 400,000 ca tử vong do COVID-19 và là quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới. Nhiều người Brazil tỏ ra không tin tưởng vào vaccine Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ Y tế Thái Lan vào tuần trước cho biết hơn 600 nhân viên y tế mắc COVID-10 dù đã chích đủ hai liều vaccine Sinovac của Trung Quốc. Cơ quan chức năng đang xem xét liệu có nên chích liều thứ ba bằng vaccine khác để cải thiện khả năng bảo vệ hay không.
Quốc gia Indonesia cũng dùng vaccine của Trung Quốc, gần đây nước này đã phải đối mặt với một bùng phát khủng khiếp mới. Indonesia cũng đang xem xét việc chích liều tăng cường cho các nhân viên y tế đã chích vaccine Sinovac.
Đài Loan: Mọi người cần nhận thức rõ “Âm mưu vaccine” của Trung Cộng
Người phát ngôn của Đảng Tiến bộ Dân chủ, Châu Giang Kiệt, vào ngày 14 nói, tất cả các quốc gia không nên biến việc có được vaccine thành công cụ hoạt động chính trị. Đài Loan đang gặp khó khăn trong việc mua vaccine và ngoại giao quốc tế. Mọi người cần nhận thức rõ mục đích của Trung Quốc (Trung Cộng) và những người qua lại với Trung Cộng, họ muốn “mượn dịch bệnh để đục nước béo cò” và tạo ra hỗn loạn ở Đài Loan để đạt được các mục tiêu chính trị.
Châu Giang Kiệt nói rằng, chính phủ Đài Loan và người dân đang cố gắng hết mình để vượt qua tình trạng khó khăn. Muốn dùng mô hình hiệp trợ vaccine một cách công tư phân minh, thì “chính phủ hoàn toàn không có cửa mua được vaccine”, những bình luận xằng bậy như vậy không nên xuất hiện.
Do Lã Mỹ Kỳ thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: