Bộ Ngân khố Hoa Kỳ: Nghiêm cấm các giao dịch liên quan đến vàng có Nga tham gia
Hoa Kỳ đang nhắm mục tiêu vào kho dự trữ vàng của Nga và đã cảnh báo rằng nghiêm cấm các giao dịch liên quan đến vàng có Nga tham gia.
Các quan chức cho biết, hành động này, được thực hiện với sự phối hợp của Liên minh châu Âu và G7, nhằm hạn chế hơn nữa khả năng của Moscow trong việc sử dụng dự trữ quốc tế để hỗ trợ tiền tệ của mình, do đó tránh tác động của các lệnh trừng phạt và tài trợ cho “cuộc chiến tàn bạo” của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine.
Một thông báo do Bộ Ngân khố Mỹ đưa ra ngày 24/3 nói rằng, cấm các giao dịch vàng giữa người Mỹ và Nga, với lý do lệnh hành pháp do Tổng thống Joe Biden ký.
Thông báo nêu rõ rằng bất kỳ giao dịch nào liên quan đến vàng có liên quan đến Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đều thuộc đối tượng của các biện pháp trừng phạt hiện hành của Hoa Kỳ đối với Moscow.
Bộ Ngân khố cho biết hôm 24/03 trong phần Câu hỏi Thường gặp về các biện pháp trừng phạt tài chính trên trang web của mình rằng, “ cấm người dân Hoa Kỳ tham gia vào bất kỳ giao dịch nào — bao gồm cả cấm các giao dịch liên quan đến vàng—liên quan đến Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Tài sản Quốc gia của Liên bang Nga, hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga.”
Bộ Ngân khố tiếp tục nêu: “Những người Nga bị trừng phạt được biết là sử dụng nhiều biện pháp trong nỗ lực trốn tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và quốc tế. Do đó, người dân Hoa Kỳ, dù ở bất kỳ đâu, bao gồm cả những người xử lý hoặc tạo điều kiện cho các giao dịch liên quan đến vàng, phải cảnh giác trước những nỗ lực phá vỡ các quy định của OFAC (Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài) và phải thực hiện các bước dựa trên [phòng ngừa] rủi ro để bảo đảm không tham gia trong các giao dịch bị cấm.”
Các cá nhân bị phát hiện vi phạm các quy định của OFAC có thể phải đối mặt với các hình phạt hình sự hoặc dân sự.
Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga kể từ khi họ xâm lược Ukraine vào ngày 24/02.
Tuy nhiên, biện pháp mới nhất có thể ngăn cản các ngân hàng quốc tế ở các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ mua hoặc cho vay đối với nguồn dự trữ của Nga.
Theo Axios, Nga bắt đầu xây dựng kho dự trữ vàng vào năm 2014 sau vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ nhằm đáp trả việc sáp nhập Crimea.
Theo các quan chức Mỹ, Nga hiện có khoảng 132 tỷ USD dự trữ vàng, chiếm khoảng 20% lượng vàng nắm giữ trong Ngân hàng Trung ương Nga, và đại diện cho kho dự trữ lớn thứ năm thế giới.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Dự trữ Vàng ở Nga tăng lên 2298,53 tấn trong quý 3 năm 2021 từ 2292,31 tấn trong quý 2 năm 2021.
Sau hai năm tạm dừng, Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo vào ngày 28/02 rằng họ sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường kim loại quý trong nước. Động thái đó diễn ra sau khi một số ngân hàng Nga bị xóa khỏi hệ thống nhắn tin ngân hàng SWIFT sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.
Các quan chức nói rằng Nga có thể sử dụng kho dự trữ vàng của mình để hỗ trợ bù đắp sự mất giá của đồng tiền của họ, đồng rúp, và do đó tránh được tác động của các lệnh trừng phạt.
Đồng rúp giảm xuống dưới 1 xu so với USD sau khi Nga tấn công Ukraine, trong khi vàng được nhiều người coi là tài sản trú ẩn an toàn, với giá trị nhất quán của nó trong thời gian kinh tế biến động.
Theo hãng tin AP, thực tế này có nghĩa là Nga có thể hoán đổi vàng một cách hiệu quả để lấy một loại ngoại hối thanh khoản không bị trừng phạt, hoặc bán nó thông qua các thị trường và đại lý vàng. Nó cũng có thể được sử dụng trực tiếp để thanh toán hàng hóa và dịch vụ từ những bên bán có thiện chí.
Quyết định mới nhất của Bộ Ngân khố Mỹ được đưa ra sau khi Tòa Bạch Ốc công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với hơn 400 người thuộc giới tinh hoa, thành viên Duma và các công ty quốc phòng Nga vào ngày 24/3.
Một sáng kiến tập trung vào việc trốn tránh các lệnh trừng phạt cũng đã được thiết lập giữa Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo G7, và EU.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times