BlackRock muốn các nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào Trung Quốc, quý vị có nên nghe theo không?
BlackRock, công ty quản lý đầu tư lớn nhất thế giới với tổng tài sản hơn 9 ngàn tỷ USD, gần đây đã đưa ra lời kêu gọi rất trái ngược.
Đại công ty đầu tư lập luận rằng Trung Quốc không còn là một thị trường mới nổi nữa và do đó, các nhà đầu tư cần gia tăng đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.
Bà Wei Li, chiến lược gia đầu tư tại Viện Đầu tư BlackRock, nói với Financial Time hôm 17/08, tỷ trọng đầu tư vào Trung Quốc trong danh mục đầu tư là thấp.
Lời kêu lạc quan mới nhất của BlackRock đối với Trung Quốc theo sau một báo cáo nghiên cứu họ phát hành vào tháng Năm, cho rằng việc phân bổ cho đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của Trung Quốc trong các chỉ số chuẩn toàn cầu (global benchmark indices) là quá thấp. Trong báo cáo đó, BlackRock nói rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên lưỡng cực, dẫn đầu là Hoa Kỳ và Trung Quốc ở hai đầu đối diện của dải quang phổ đó và các nhà đầu tư cần giải ngân đầu tư vào cả hai [quốc gia] theo các quy mô gần như ngang nhau.
Đó là một quan điểm đặc biệt trái ngược khi xét đến những tổn hại gần đây từ [đầu tư] chứng khoán Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia đang đặt câu hỏi về các công ty Trung Quốc.
Goldman Sachs gần đây đã hạ xếp hạng đối với một số công ty Trung Quốc, trong khi quỹ đầu cơ Marshall Wace của Anh Quốc đặt câu hỏi liệu có nên đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc trong thời gian tới hay không.
Nói rộng hơn, cổ phiếu A của Trung Quốc đã bám sát thị trường toàn cầu, và các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ và Hồng Kông thậm chí còn hoạt động kém hiệu quả hơn sau các cuộc đàn áp về quy định gần đây và các vấn đề tuân thủ mà một số công ty Trung Quốc nổi tiếng phải đối mặt.
Vì vậy, các nhà đầu tư có nên tin tưởng BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới và gia tăng các khoản đầu tư của họ vào Trung Quốc không?
Hãy phân tích sâu hơn.
Trước tiên, hãy xem xét động cơ và lợi ích của BlackRock. Giám đốc điều hành Larry Fink đã cố gắng vun đắp mối quan hệ bền chặt với Bắc Kinh trong nhiều năm. Vào tháng Sáu, BlackRock đã trở thành nhà quản lý tài sản đầu tiên của Hoa Kỳ nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc để thành lập một quỹ tương hỗ (mutual fund) ở quốc gia này, một vị trí mà “chúng tôi rất vinh dự khi được đảm nhận”, ông Fink cho biết trong một tuyên bố vào thời điểm đó.
BlackRock cũng có một trong những danh sách lớn nhất của các quỹ đầu tư đổ tiền vào Trung Quốc, bao gồm các quỹ dành riêng cho Trung Quốc, cũng như các quỹ Á Châu và thị trường mới nổi có đầu tư vào Trung Quốc.
Quỹ hàng đầu BlackRock China Fund đầu tư vào Tencent, China Merchant Bank và nhà sản xuất xe điện Xpeng, và tính đến hôm 20/08 quỹ này quản lý hơn 1.5 tỷ USD tài sản. BlackRock cũng điều hành một quỹ trái phiếu Trung Quốc đầu tư vào nhiều loại của các sản phẩm có thu nhập cố định của Trung Quốc, bao gồm trái phiếu bằng nhân dân tệ nội địa và ngoại quốc, cũng như trái phiếu quốc tế bằng USD.
Nói cách khác, BlackRock được khuyến khích để hỗ trợ đầu tư vào Trung Quốc – họ kiếm được phí và các khoản thu nhập khác từ các nhà đầu tư đổ tiền mặt vào quỹ của họ.
Nhìn xa hơn việc quảng cáo bán hàng, hãy cùng lúc xem xét bản chất của việc đầu tư vào Trung Quốc.
Nhìn bề ngoài, đầu tư vào Trung Quốc có vẻ hấp dẫn. Trung Quốc có dân số lớn nhất thế giới, là nền kinh tế số 2, thị trường tài chính lớn thứ hai, tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, người dân hiểu biết về internet và chủ nghĩa tiêu dùng mạnh. Tất cả những điều này đều là những yếu tố tốt để đầu tư.
Nhưng cũng có những tin tức xấu đáng kể khiến việc đầu tư vào Trung Quốc trở nên rủi ro và không hấp dẫn.
Thứ nhất, các nhà đầu tư nhỏ lẻ Hoa Kỳ mua chứng chỉ lưu ký Hoa Kỳ (American depositary receipt, ADR) của các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Hoa Kỳ không thực sự mua những gì họ nghĩ rằng họ đang mua. Một cổ phần của BABA không sở hữu cổ phần trong công ty điều hành thực tế của Alibaba, công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc. Cổ phần của BABA là một phần của công ty cổ phần ở ngoại quốc, hoặc pháp nhân có lợi ích biến đổi (variable interest entity, VIE), có quan hệ pháp lý với công ty điều hành của Trung Quốc cấp cho VIE ngoại quốc một phần lợi nhuận của Alibaba. Nói cách khác, đó là quyền sở hữu được cấu trúc đặc biệt vì Trung Quốc đã cấm sở hữu của [nhà đầu tư] ngoại quốc trong một số ngành công nghiệp trong nước. Ngoài ra, các cấu trúc VIE không được chính quyền chính thức công nhận và có thể là bất hợp pháp theo chế độ cai trị của Bắc Kinh. Nhưng hiện tại, cấu trúc này cũng đã hoạt động trong 20 năm qua.
Ngoài ra, Trung Cộng đã bắt đầu một loạt các cải cách về quy định – nói cách khác là các cuộc đàn áp – nhắm vào các công ty niêm yết ở ngoại quốc. Nhiều công ty đã bị ảnh hưởng trong các ngành như giáo dục, internet và giao thông vận tải. Nhiều công ty trong số này đã chứng kiến cổ phiếu của họ niêm yết tại Hồng Kông hoặc New York giảm trong những tuần gần đây. Sự thay đổi quy định đột ngột, trong một số trường hợp đe dọa đến sự tồn tại của mô hình kinh doanh của các công ty, gây rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư ngoại quốc đã quen với các phương thức quản lý ổn định của phương Tây.
Gần đây hơn, Trung Cộng đã ám chỉ rằng “Chủ nghĩa tư bản giả” như đã rao bán trong hơn 20 năm qua có thể cần một số thay đổi mạnh mẽ.
Vào tháng Tám, Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương đã đưa ra một loạt các sắc lệnh nhằm bảo đảm “sự thịnh vượng chung” trong xã hội Trung Quốc. Trong một báo cáo của Tân Hoa Xã, các hướng dẫn nhằm thúc đẩy bình đẳng thu nhập, giảm thu nhập quá mức, khuyến khích những người có thu nhập cao và các doanh nghiệp cống hiến lại cho xã hội, như báo cáo tóm tắt.
Như với hầu hết các hướng dẫn của Trung Cộng, hoàn toàn thiếu tính cụ thể. Nhưng sự thay đổi giọng điệu như vậy có thể gây bất lợi cho thu nhập tài chính của các tập đoàn hoạt động vì lợi nhuận, đặc biệt nếu Bắc Kinh bắt đầu áp dụng các khoản đóng góp hoặc các loại thuế phúc lợi xã hội khác đối với các công ty tư nhân. Nói cách khác, chính sách kiếm tiền không bị kiểm soát trong hai thập kỷ qua dường như sắp kết thúc.
Các nhà kinh tế Trung Quốc gần đây đã thảo luận về khả năng đánh thuế tài sản là bất động sản – một điều phổ biến ở Hoa Kỳ nhưng không tồn tại ở Trung Quốc đối với hầu hết các chủ nhà tư nhân. Những loại thuế như vậy, nếu được ban hành, có thể hủy hoại ngành bất động sản và các nhà phát triển bất động sản sử dụng đòn bẩy tài chính cao của Trung Quốc, những người sở hữu trái phiếu phát hành bằng USD là khoản đầu tư phổ biến với các nhà đầu tư ngoại quốc.
Một diễn biến khác gần đây, hiếm khi được báo cáo, đang tấn công vào cốt lõi của hệ thống “Tư bản giả” của Trung Quốc: Trung Cộng dường như đang thắt chặt quyền kiểm soát đối với các công ty tư nhân theo những cách ngày càng hà khắc.
The Information, một trang web công nghệ của Hoa Kỳ, đã báo cáo rằng một tổ chức của Trung Cộng gần đây đã nắm giữ một phần sở hữu nhỏ và một ghế trong hội đồng quản trị trong một công ty con của ByteDance, công ty mẹ của nền tảng truyền thông xã hội nổi tiếng TikTok.
Theo một hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC), một báo cáo riêng biệt cũng lưu ý rằng Trung Cộng gần đây đã nắm giữ cổ phần và một ghế trong hội đồng quản trị Weibo, công ty điều hành trang web giống Twitter của Trung Quốc. Weibo được giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq ở New York. ByteDance không được giao dịch đại chúng nhưng được sở hữu một phần bởi các công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ.
Nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc đã có chi bộ đảng cộng sản và sự phát triển này cho thấy rằng Trung Cộng sẽ khẳng định ảnh hưởng trực tiếp hơn đối với văn hóa, chính sách và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.
Các hành động gần đây của Trung Cộng thậm chí đã buộc các tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc phải chủ động cảnh báo các nhà đầu tư về những rủi ro liên quan đến quy định. Chủ tịch Martin Lau của Tencent cho biết trong một cuộc đàm thoại với nhà đầu tư vào tháng Tám rằng một loạt các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn có thể sẽ được áp dụng.
Tất cả những điều này không có nghĩa là Trung Quốc không có lợi về mặt đầu tư. Nhưng trước khi thực hiện bất kỳ lời khuyên “chuyên gia” nào, các nhà đầu tư phải tự thẩm định và xem xét cẩn thận những rủi ro này.
Và trong tương lai, các nhà đầu tư ngày càng phải xem xét kỹ lưỡng – trích lời ông Donald Rumsfeld – “ẩn số tiềm năng đã được biết” khi đầu tư vào Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: