Bình thản bước đi trước sóng gió
Năm 1980, một người bạn rủ tôi cùng mua váy cưới với cô ấy vào một dịp đại hạ giá tại chuỗi thời trang váy cưới Filene’s Basement tại Manhattan. Mỗi năm một lần, những cô dâu tương lai sẽ có dịp “lục tung” những mẫu váy cưới của nhãn hiệu thời trang này để tìm thấy một chiếc váy hoàn hảo nhất.
Ngày hôm đó, tôi đã chứng kiến một khung cảnh hỗn loạn.
Một nhân viên kho vận liên tục đẩy những kệ hàng với biết bao váy áo và phụ kiện xuyên qua đám đông người mua – những người đang trong trạng thái hồi hộp. Anh ấy nói lớn: “Cho tôi qua nào!” Mỗi lần như vậy, đám đông lại dạt ra nhường đường, anh nhân viên lại chậm rãi tiếp tục đẩy kệ hàng và sau đó “thả xuống” những bộ váy mới.
Thay vì đắm chìm với vẻ đẹp của vải vóc và những chất liệu thời trang, cùng với những “món hời” trong buổi đại hạ giá, tôi lại vô cùng bất ngờ với sự thản nhiên của những nhân viên giữa một đống hỗn loạn.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn nghĩ đến hình ảnh của người nhân viên kho hàng ấy mỗi khi tôi cần sự điềm tĩnh trước những khó khăn. Tôi muốn tìm đến anh ấy để nói rằng: “Xin lỗi, có thể anh không nhớ tôi đâu, nhưng 41 năm trước đây tại Filene’s Basement,…”
Khi tôi lần đầu gặp đại gia đình người Ý – bao gồm nhiều thế hệ của chồng tôi, mẹ, bà và các dì của anh ấy đã nhanh chóng vào bếp và thắt quanh eo những chiếc tạp dề được là lượt phẳng phiu trông rất quy củ. Sáng hôm đó, họ đã đến tiệm làm đẹp, nhìn đầu tóc họ trông rất gọn gàng chỉn chu. Họ vừa trò chuyện vừa xắt thức ăn để chuẩn bị những món ngon cho gia đình với nhiều người thân đang chờ.
Cách họ đeo tạp dề thật sự rất quyến rũ. Một phần vì mẹ tôi không hay đeo tạp dề, nhưng chủ yếu là bởi vì cái cách mà những người phụ nữ ấy, với mái gọn gàng, đang điềm nhiên cùng thực hiện công việc bếp núc ấy. Sự tĩnh tại giữa sự náo nhiệt của cuộc đời thật quý giá tựa như vàng.
Theo định kỳ, một người đàn ông tên Will sẽ đến kiểm tra cấu hình của những chiếc máy tính của chúng tôi. Nhiều năm trước đây, anh ta từng bước vào văn phòng này với một tâm trạng tệ hại. Lúc đó tôi hỏi anh ta: “Anh có sao không, Will?”- dù đây vốn không phải việc của tôi, và tôi đã không làm theo những quy tắc ứng xử nghề nghiệp của mình.
Anh tâm sự: “Mới đây, con gái tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu – tôi cảm thấy như sét đánh ngang tai.”
Từ ngày hôm ấy, hằng đêm, tôi thầm cầu nguyện cho con gái của Will. Nhiều tháng sau, và Will đến để giải quyết một vấn đề liên quan đến phần mềm. Trước khi ra về, anh ấy nói với tôi rằng bệnh tình của con gái anh ấy đã thuyên giảm và có thể xuất viện.
Một thời gian khá lâu sau đó, đêm nào tôi cũng cầu nguyện cho con gái của anh ta, mà không biết tình trạng con bé ra sao. Nhưng tôi có một dự cảm tốt rằng con bé sẽ khỏe. Và tôi mong máy tính lại gặp sự cố để nghe tin tốt lành từ Will.
Cuối cùng thì tôi cũng có dịp để gọi cho Will. Anh ấy vui vẻ trả lời và sắp xếp thời gian để gặp chúng tôi. Ngay trước lúc cúp máy, tôi đã hỏi, “Con gái của anh thế nào rồi?”
Anh ấy đáp: “Con bé đã mất cách đây bốn tháng.”
Cảm thấy choáng váng, tôi hạ giọng và khẽ nói, “Tôi thành thực rất xin lỗi,” và nhanh chóng cúp máy.
Hôm sau, Will đã đến văn phòng. Từ phía bên kia căn phòng, tôi lặng lẽ quan sát anh – anh bắt đầu ngồi vào bàn làm việc của tôi và bắt đầu sửa máy tính. Tôi tự hỏi làm thế nào anh ấy có thể thản nhiên làm việc sau khi mất đi đứa con của mình. Một cách hết sức nhã nhặn, tôi hỏi: “Làm sao anh có thể vượt qua mọi chuyện?”
Anh tuy mỏi mệt nhưng trả lời một cách dứt khoát: “Bernadette, cô hãy tự hỏi chính mình. Liệu Chúa có đáng tin không? Có chứ. Chúng ta đều biết ngài rất đáng tin. Vì vậy, dẫu mọi thứ có như thế nào, cứ như thế này sẽ tốt hơn.”
Gần đây, tôi được biết những từ mang nghĩa “cứu rỗi” trong Tiếng Do Thái và Tiếng Hy Lạp. Đó là “yasha” và “sozo.” Vô cùng ngạc nhiên, tôi phát hiện rằng những từ đó – khi dịch sát nghĩa, lại không hề liên quan đến tương lai, mà là về hiện tại – đó là để trả tự do, để che chở, để giúp đỡ, để chữa lành và để giải thoát.
Cuộc sống vốn khắc nghiệt với hết thảy, nhưng có những cá nhân- họ sống như thể để truyền động lực, họ biết níu giữ người che chở họ, người giúp đỡ họ, người giúp họ chữa lành, và người giải thoát họ, để rồi tiến lên vững chãi giữa những khó khăn của cuộc đời; vừa đi họ vừa nói lớn: “Cho tôi qua nào”.
Thành Trang & Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: