Bill Gates và Trung Cộng
Tại một trại hè gần đây dành cho các tỷ phú, ông Bill Gates đã thảo luận về vụ ly hôn với bà Melinda như đã được đưa tin rộng rãi. Theo một nhân chứng, khi vị tỷ phú này bắt đầu công khai về nhiều lần phản bội của mình, ông ta trông như sắp rơi lệ. Và sao lại không chứ? 27 năm hôn nhân trôi qua như thế.
Sau khi ly hôn, ông Gates, một trong những người giàu nhất hành tinh, không phải là người duy nhất rơm rớm nước mắt. Các thành viên của Quỹ Gates, theo Financial Times, cũng đang rơi nước mắt. Chúng tôi được biết nhân viên đang “lo lắng” về “tương lai của tổ chức bất vụ lợi.” Nhân viên “thực sự lo lắng” về “uy tín và vị thế của quỹ,” điều mà dường như “giờ đây đang rơi vào thế khó, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trao quyền cho giới.”
Vâng, được rồi, nhưng còn việc trao quyền cho Bắc Kinh thì sao? Dù ông Gates đã chia tay bà Melinda nhưng mối tình của ông với Bắc Kinh vẫn bền chặt như ngày nào. Và câu hỏi là tại sao?
Ông Bill Gates có phải là người tốt không?
Khi chúng ta nghĩ về ông Bill Gates, tâm trí của chúng ta sẽ tự động nghĩ về một nhà tiên tri đeo kính chống lại virus chết người và chấm dứt nạn đói trên thế giới. Dù gì thì ông ấy cũng là một nhà từ thiện, một nhà nhân đạo, một tỷ phú nhân hậu với tấm lòng vàng, hay chúng ta đã được thuyết phục để tin vào điều đó.
Làm thế nào để vừa là một tâm hồn tốt bụng, ân cần, vị tha, vừa có thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Cộng? điều này là không thể. Như quý vị sẽ thấy trong đoạn văn ngắn này, với ông Gates, đằng sau những lời kêu gọi bình đẳng và công lý, là một người lươn lẹo. Đừng để bị đánh lừa bởi giọng nói khoan thai và những chiếc áo len dệt kim. Nếu nghi ngờ, quý vị hãy tự hỏi bản thân những câu sau đây:
Tại sao Facebook bị chặn ở Trung Quốc, nhưng LinkedIn, thuộc sở hữu của Microsoft, một công ty do ông Gates sáng lập, thì không? Tại sao Google bị cấm, nhưng Bing, công cụ tìm kiếm của Microsoft thì không? Vâng, Bing là một công cụ tìm kiếm dở tệ, nhưng đó không phải là vấn đề. Skype, một sáng tạo khác của Microsoft, cũng có thể truy cập được ở Trung Quốc đại lục. Rõ ràng là Microsoft được ông Tập Cận Bình, một người tỏ ra khá yêu mến ông Gates, ban phước. Năm 2015, người đứng đầu Trung Cộng đã gặp ông Gates và bà Melinda, người vợ đương thời của ông. Năm ngoái (2020), ông Tập đã viết một bức thư xúc động cho ông Gates để cảm ơn vì những nỗ lực của ông Gate trong việc chống lại loại virus khởi phát ở đất nước mà ông Tập đang lãnh đạo. Người ta tưởng tượng bức thư bắt đầu với dòng chữ, “Cảm ơn ông đã đề nghị giúp thu dọn hậu quả mà chúng tôi đã gây ra, thưa ông Bill”. Cảm xúc tình thương mến thương là quá rõ ràng. Như bà Laura He viết, “Quỹ Bill và Melinda Gates thành lập văn phòng tại Bắc Kinh vào năm 2007 và kể từ đó đã làm việc với chính phủ Trung Quốc trong một số dự án nội địa tại nước này.” Trong ba thập kỷ qua, ông Gates đã đến thăm Trung Quốc ít nhất “hàng chục lần,” vun bồi “mối quan hệ bằng hữu với các nhà lãnh đạo hàng đầu.”
Với ông Gates, vẻ ngoài là lừa dối
Một mặt, chúng ta có Bill Gates, một người tử tế, người có câu nói “hãy nuôi cả thế giới”; mặt khác, chúng ta lại có Bill Gates, bằng hữu của ông Tập Cận Bình, một nhà độc tài sát nhân. Sao có thể thế được?
Hãy nhớ rằng, ông Gates là một người đã nói như sau: “Những tiến bộ lớn nhất của nhân loại không nằm ở những khám phá mà nằm ở cách những khám phá đó được áp dụng để giảm bớt sự bất bình đẳng. Cho dù thông qua nền dân chủ, giáo dục công đồng mạnh mẽ, chăm sóc sức khỏe chất lượng, hay cơ hội kinh tế rộng rãi, thì giảm bất bình đẳng là thành tựu lớn nhất của nhân loại.” Tuy nhiên, ông lại thân thiện với người lãnh đạo của một đất nước, người làm tất cả trong khả năng của mình để bảo đảm nền dân chủ không bao giờ ló dạng, nơi mà các cơ hội không tồn tại cho quần chúng, nơi mà bất bình đẳng tràn lan, và là nơi mà chăm sóc sức khỏe luôn là điều được ao ước.
Một câu nói mới chết yểu khác của ông Gates là: “Nếu quý vị tin rằng mọi cuộc sống đều có giá trị như nhau, thì thật phẫn nộ khi biết rằng một số sinh mạng được xem là đáng để cứu và những sinh mạng khác thì không.” Vâng, Bill, có lẽ ông nên nói điều này với Trung Cộng, những kẻ đang bận rộn thực hiện các hành động diệt chủng ở Tân Cương.
Như chúng ta đều biết ‘lời nói chẳng mất tiền mua’; hành động quan trọng hơn nhiều so với lời nói. Với Gates, hành động của ông rõ ràng là ai cũng thấy. Hãy nhớ rằng, đây là một người đàn ông duy trì tình bằng hữu lâu năm với Jeffrey Epstein, một tội phạm tình dục khét tiếng. Như tờ The Daily Beast đưa tin, ông Gates coi kẻ tội phạm bị thất sủng này như tấm vé của mình tới giải Nobel Hòa bình, rất thích được sum vầy tại biệt thự ở Manhattan của Epstein. Ở đó, như chúng ta được kể, dường như là nơi ông ta tìm cách để ẩn náu khỏi cuộc hôn nhân của mình. Đúng vậy, ông ta đã tìm nơi ẩn náu khỏi cuộc hôn nhân trong nhà của một tội phạm tình dục bị kết án.
Ông Bill Gates có phải là một người đàn ông tử tế hay không? Tôi sẽ để quý vị tự trả lời câu hỏi đó. Tôi đã liên hệ với Quỹ Gates để yêu cầu bình luận về mối liên hệ của người sáng lập của quỹ này với Trung Cộng; tuy nhiên, không có bất cứ hồi âm nào. Đánh giá về mối quan hệ thân thiết của ông Gates với ông Tập Cận Bình, việc ông ta không muốn đưa ra lời bình luận là điều dễ hiểu. Đây không phải là lần đầu tiên người ta đặt dấu hỏi về ông Gates hay cái gọi là lòng nhân từ của ông ấy. Tháng Tư năm nay, vị tỷ phú này từ chối chia sẻ công nghệ vaccine với Ấn Độ, một quốc gia bị đại dịch tàn phá hoàn toàn. Tại sao nhà hảo tâm này lại từ chối chia sẻ công nghệ? Những lời bào chữa mà ông ấy đưa ra chỉ đơn giản là không hợp lý. Khi một người xem xét các mối quan hệ của ông Gates với Bắc Kinh và mối quan hệ của ông ấy với ông Tập, thì việc từ chối của ông xem ra càng có lý hơn. Rốt cuộc thì Trung Cộng chẳng ưa gì Ấn Độ. Có thể, chỉ là có thể thôi, ông Tập đã nói chuyện với ông Gates.
Điều này không nằm ngoài địa hạt của niềm tin. Sau tất cả, điều quan trọng nên nhớ về ông Bill Gates là: một người mà chỉ vài năm trước đây Trung Cộng gọi là “cố nhân”. Một “cố nhân” của Trung Cộng thì không phải là người ủng hộ công lý.
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Mac Ghlionn thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: