Biểu tình biến thành bạo loạn ở Nam Phi: Ít nhất 117 người thiệt mạng, Chính phủ triển khai 25,000 quân dẹp loạn
Tính đến sáng 15/07, Chính phủ Nam Phi đã khai triển khoảng 25,000 quân đến các điểm bạo loạn trong suốt một tuần sau khi cựu Tổng thống Zuma ra trình diện cảnh sát hôm 07/07 để thi hành án tù 15 tháng với tội danh bất tuân lệnh triệu tập của tòa.
Cụ thể, Chính phủ nước này huy động 10,000 quân tuần tra ở nhiều khu vực; trong khi đó quân đội huy động toàn bộ 12,000 lính dự bị để ứng phó bạo loạn. Tổng quân số được khai triển trong thời gian qua đã lên đến 25,000.
Xe buýt, xe tải, tàu bay và trực thăng được huy động cho đợt khai triển quân sự có quy mô hiếm thấy trong gần 30 năm qua. Hàng chục xe thiết giáp đưa quân vào Gauteng, tỉnh đông dân nhất Nam Phi. Quân đội cũng tăng viện cho lực lượng an ninh tỉnh KwaZulu-Natal, nơi đầu tiên bùng phát bạo loạn.
Cảnh sát ở 7 tỉnh còn lại của Nam Phi được đặt trong tình trạng báo động dù làn sóng bất ổn chưa lan rộng. Cơ quan chức năng đã tạm giữ hơn 2,200 người với các cáo buộc phá hoại tài sản và trộm cắp. Ít nhất 117 người thiệt mạng vì bạo loạn, trong đó nhiều trường hợp do đám đông giẫm đạp.
Nam Phi đang điều tra một số đối tượng tình nghi kích động bất ổn, trong đó một người đã bị bắt và 11 người khác đang được giám sát.
Trong bối cảnh Gauteng dần ổn định nhờ sự hiện diện của quân đội, tình hình tại KwaZulu-Natal lại vẫn diễn biến phức tạp. Trong ngày 15/07, một số trung tâm thương mại, xí nghiệp và nhà kho tiếp tục bị cướp phá và phóng hỏa. Cảnh sát đã tìm thấy một kho vũ khí với 10,000 viên đạn ở Durban vào đêm trước đó. Có 208 vụ trộm cướp và cố ý phá hoại đã được ghi nhận trong ngày 14/07.
William Gumede, nhà phân tích chính trị Nam Phi nhận xét: “Bạo loạn ở KwaZulu-Natal dường như được tổ chức rất chỉn chu và nguồn tài chính dồi dào. Họ chặn nhiều nút giao thương chiến lược, các tuyến đường huyết mạch. Sự kiện được tổ chức rất kỹ lưỡng”.
Liên minh châu Phi lên án
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat ngày 14/07 đã lên án tình trạng bạo lực gia tăng khiến ngày càng nhiều dân thường thiệt mạng ở Nam Phi.
Trong tuyên bố phát ra cùng ngày, ông Mahamat đã lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất về sự gia tăng bạo lực dẫn đến cái chết của dân thường và đặc biệt lên án những hình ảnh khủng khiếp về cướp bóc tài sản công và tư nhân, phá hủy cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc đình chỉ các dịch vụ thiết yếu ở tỉnh KwaZulu-Natal, tỉnh Gauteng và cả những nơi khác ở Nam Phi.
Ông Mahamat kêu gọi khẩn cấp khôi phục trật tự, hòa bình và ổn định ở đất nước với đầy đủ sự tôn trọng pháp quyền. Ông cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân và cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục.
Ông Mahamat cảnh báo nếu tình hình không sớm chấm dứt sẽ có thể gây ra những tác động nghiêm trọng không chỉ trong nước mà còn cả khu vực.
Tổng thống tuyên bố thẳng tay đàn áp
Theo AP, các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn, cướp bóc và tiếp tục leo thang sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma ra trình diện cảnh sát hôm 07/07 để thi hành án tù 15 tháng với tội danh bất tuân lệnh triệu tập của tòa án.
Tối 12/07, trong thông điệp trước toàn dân được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã lên án những hành vi bạo lực tại nơi công cộng cuối tuần qua, gọi đây là những hành vi “hiếm thấy trong lịch sử nền dân chủ của Nam Phi”.
Mặc dù bạo loạn bắt đầu ở tỉnh duyên hải KwaZulu-Natal (KZN, quê hương của ông Zuma), nhưng sau đó đã lan sang cả tỉnh Gauteng. Tổng cộng 166 nghi phạm đã bị bắt tại KZN và 323 nghi phạm đã bị bắt ở Gauteng. Bất chấp việc những kẻ quá khích bị bắt giữ, tình trạng bạo lực vẫn tiếp diễn ở những khu vực này và có nguy cơ lan sang các tỉnh khác.
Theo Tổng thống Ramaphosa, những hành vi bạo lực có thể bắt nguồn từ sự kích động về chính trị hoặc sắc tộc, nhưng sau đó đã trở thành những hành vi tội phạm cơ hội, chẳng hạn như ngụy trang cho cướp bóc và trộm cắp.
Tổng thống Nam Phi cho biết, sẽ áp dụng các biện pháp an ninh mới với sự tham gia của SADF hỗ trợ Cơ quan cảnh sát Nam Phi (SAPS). Trong khi đó, SAPS cho hay, sẽ triệu tập các nhân viên cảnh sát đang nghỉ phép để tăng cường sự hiện diện của các nhân viên thực thi pháp luật tại cơ sở.
Ông Ramaphosa nhấn mạnh, nhiều tài sản đã bị phá hủy, nhiều cửa hàng bị cướp bóc, người dân bị đe dọa và bị thiệt mạng.
Những thiệt hại sau cuộc bạo loạn
Ngày 14/07, các công ty vận tải ở Nam Phi cho biết, biểu tình bạo lực kéo dài những ngày qua đã khiến hoạt động tại cảng Durban, cảng Richards Bay và một tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cụ thể, hoạt động tại cả hai cảng này đã chịu tác động nặng nề vì toàn bộ chuỗi cung ứng bị gián đoạn, bao gồm cả lối vào và lối ra khỏi cảng. Việc dịch vụ y tế tại cảng Durban tạm ngừng đã cản trở các tàu, thuyền cập bến vì không thể xét nghiệm COVID-19.
Ngoài ra, một số container hàng hóa của Tập đoàn vận tải Leschaco hiện đang bị mắc kẹt tại cảng Durban, trong khi những chuyến hàng khác đang trên đường đến đã phải chuyển hướng.
Transnet cho biết, tuyến đường sắt NATCOR nối Durban với tỉnh Gauteng cũng chịu ảnh hưởng của tình trạng biểu tình bạo lực ngày càng leo thang.
Durban là một trong những cảng biển nhộn nhịp nhất ở châu Phi và là trung tâm xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Còn Richards Bay là một cảng xuất khẩu than đá lớn.
Trước đó, một quan chức ngành dầu khí của Nam Phi cho biết, nhà máy lọc dầu SAPREF lớn nhất nước này ở Durban cũng đã phải tạm ngừng hoạt động.
Trong ngày 14/07, đám đông biểu tình tiếp tục cướp phá các cửa hàng và cơ sở kinh doanh ở Nam Phi bất chấp lời kêu gọi của chính phủ nhằm chấm dứt một tuần bạo lực đã khiến hơn 70 người thiệt mạng, hàng trăm cơ sở kinh doanh bị phá hủy và làm gián đoạn hoạt động của bệnh viện trong bối cảnh đất nước đang gồm mình trước dịch bệnh COVID-19 lây lan nhanh.
Nhiều bệnh viện ở Nam Phi đang cạn kiệt oxy và thuốc, hầu hết được nhập khẩu qua cảng Durban. Thực phẩm cũng đang dần cạn kiệt. Nhân viên ở các khu vực bị ảnh hưởng không thể đi làm khiến tình trạng thiếu hụt nhân công ngày càng trầm trọng.
Các trung tâm mua sắm và nhà kho ở một số thành phố, chủ yếu là tại quê nhà của cựu Tổng thống Jacob Zuma ở tỉnh KwaZulu-Natal và thành phố lớn nhất của đất nước Johannesburg cũng như khu vực lân cận tỉnh Gauteng, cũng đã bị lục soát hoặc bị đốt phá.
Cuộc bạo loạn cũng đã khiến một đài phát thanh phải ngừng phát sóng và một số trung tâm chích ngừa vaccine COVID-19 phải đóng cửa. Cảnh sát Nam Phi đã bắt 1,234 người về hành vi bạo lực.
Theo cảnh sát, cuộc biểu tình đã lan sang hai tỉnh khác là Mpumalanga, ngay phía Đông tỉnh Gauteng, và Northern Cape. Trong khi đó, các đài truyền hình địa phương cho thấy nhiều vụ cướp bóc cửa hàng hơn ở thị trấn Soweto lớn nhất Nam Phi và ở thành phố cảng Durban.
Tỉnh Gauteng ghi nhận 45 người bị thiệt mạng trong các sự cố giẫm đạp liên quan đến tình trạng hôi của. Số người thiệt mạng ở tỉnh lân cận KwaZulu-Natal là 27 người và có thể tăng lên.
Tối 13/07, Cảnh sát trưởng Mathapelo Peters cho biết, ngoài những người biểu tình thiệt mạng do giẫm đạp trong cơn hỗn loạn, lực lượng này đang điều tra các trường hợp tử vong do nhóm người gài thiết bị nổ để ăn cắp tiền trong máy ATM cùng những người tử vong do các vụ xả súng.
Cảnh sát Nam Phi tại 7 tỉnh khác cũng được đặt trong tình trạng báo động để ngăn cản nguy cơ nổ ra bạo loạn tương tự.
Ông Zuma, 79 tuổi, bị giam từ tháng 06/2021 vì bất tuân lệnh của toà án hiến pháp về việc phải cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra tham nhũng trong suốt 9 năm ông cầm quyền.
TT Zuma trước đó từ chối trình diện tại ủy ban chống tham nhũng để trả lời câu hỏi về các cáo buộc nhằm vào ông trong thời gian lãnh đạo đất nước từ năm 2009 đến 2018. Ông Zuma cũng đối mặt với một phiên toà khác vì những cáo buộc tham nhũng, gian lận và rửa tiền. Ông bác bỏ tất cả những tội danh này. Quỹ Zuma nói rằng sẽ không có hoà bình ở Nam Phi cho đến khi cựu tổng thống được trả tự do. Ông Zuma và những người ủng hộ ông cho rằng họ là nạn nhân của cuộc truy quét mang động cơ chính trị của người kế nhiệm Ramaphosa. Nguyên nhân sâu xa hơn của tình hình hiện nay là do những lời hứa chưa được thực hiện sau khi chế độ cai trị của người da trắng kết thúc năm 1994 và cuộc bầu cử tự do đầu tiên của Nam Phi để đưa ông Nelson Mandela lên lãnh đạo. |
Nam Hải tổng hợp
Xem thêm