‘Bí quyết’ trường thọ của các nguyên lão Trung Cộng
Cách đây một đoạn thời gian, Kim Nhân Khánh, cựu Bộ trưởng Tài chính của Trung Cộng đã đột ngột qua đời. Các kênh truyền thông ở Đại lục đưa tin rằng, ông ta đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn do đốt tiền giấy trên ban công nhằm bày tỏ lòng kính trọng với người vợ mới qua đời, trong khi diện tích đám cháy chỉ vỏn vẹn có 2 mét vuông.
Ngay sau khi tin tức này được đưa ra, mạng Internet đã bùng nổ, rất nhiều người đã chế nhạo nguyên nhân tử vong mà các kênh truyền thông đưa tin.
Một cư dân mạng ở trên Weibo cho biết: “Tôi cảm thấy việc này không đơn giản như vậy! Nhà của một bộ trưởng tài chính không thể không có an ninh, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có người nhà, không có người trông trẻ, nếu không làm được các công tác an ninh như vậy, nhân viên an ninh có thể bị sa thải tức thì”.
Trước đó, ông Kim Nhân Khánh đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật tim và phải dựa vào xe lăn để di chuyển. Theo cách đãi ngộ của Trung Cộng đối với các cán bộ kỳ cựu, không có ai xung quanh ông ta vào thời điểm xảy ra sự việc quả thực là điều không hợp lý.
Kim Nhân Khánh hưởng thọ 77 tuổi, ông ta được cho là người đoản mệnh nhất trong số các quan chức hàng đầu của Trung Cộng. Người tiền nhiệm của ông trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính là Hạng Hoài Thành, lớn hơn ông 5 tuổi. Người tiền nhiệm trước đó nữa là Lưu Trọng Lê, lớn hơn ông ta 10 tuổi. Thậm chí người tiền nhiệm trước trước đó nữa là Vương Bính Kiền, lớn hơn ông ta 19 tuổi và vẫn còn sống khỏe mạnh.
Sự đãi ngộ đặc biệt đối với các nguyên lão của Trung Cộng
Theo một bài viết trực tuyến có tên “Phúc lợi và quyền lợi đặc biệt của các cán bộ Trung Cộng đã nghỉ hưu hoặc rời thể chính ở cấp tỉnh và cấp bộ”, các quan chức cấp tỉnh và cấp bộ đã nghỉ hưu thông thường đều có lái xe riêng, bảo vệ và nhân viên chuyên trách, nếu đã trên bảy mươi lăm tuổi còn có nhân viên y tế đi kèm.
Thứ hai là, mỗi năm các quan chức này sẽ được hưởng bốn chuyến du lịch và phục hồi sức khỏe ở phạm vi trong nước, thời gian mỗi lần là ba tuần và không giới hạn số lượng thành viên trong gia đình. Ngồi trên các phương tiện giao thông cũng có ưu đãi, ví như đi máy bay có thể có hai đến bốn người ngồi ghế “hạng nhất” hoặc “hạng thương gia”, đi xe lửa còn có thể có “phòng ngủ êm ái”. Đối với việc đi lại ở địa phương, các quan chức và gia đình của họ được trang bị ba xe ô tô hoặc hai xe du lịch cỡ nhỏ.
Khi ở trọ cũng có thể chọn ở trong khách sạn bốn sao hoặc năm sao, còn có thể thuê hai dãy phòng cao cấp v.v. các bữa ăn trong thời gian lưu trú cũng được thanh toán hoàn lại.
Ngoài những lợi ích trên, phúc lợi và trợ cấp bình quân hàng năm cho mỗi cán bộ ở cấp tỉnh và cấp bộ có thể lên tới hơn 1.123 triệu nhân dân tệ, trong đó chưa bao gồm lương hưu hoặc “chi phí đãi ngộ các cấp”, v.v.
Đài Á Châu Tự Do đã nói trong một chuyên mục rằng, đây chỉ là những lợi ích công khai, còn có rất nhiều phúc lợi khác nữa. Nhưng chỉ xét những khoản lợi ích công khai này, nếu tính toán một chút, khoản chi hàng năm của mỗi “quan chức cấp tỉnh, cấp bộ” nghỉ hưu đã tiêu tốn hàng chục triệu đồng tiền thuế của người dân.
Tuy nhiên, hàng triệu nhân dân tệ ở đây không biết đã bao gồm “chi phí trị liệu” trong đó hay chưa.
Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Ân Đại Khuê từng tiết lộ tại Diễn đàn Công nghiệp Y tế của Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu (CEIBS) vào năm 2009 rằng, số tiền “chi phí y tế và sức khỏe” là cao đến hàng trăm tỷ.
Ông ta nói tại diễn đàn rằng, 80% chi phí y tế hàng năm của Trung Quốc là được chi cho các cán bộ của đảng và chính phủ. Vào năm 2006, tổng chi phí y tế quốc gia là khoảng 700 tỷ nhân dân tệ, chiếm 5.6% GDP, trong đó đầu tư của chính phủ là khoảng 119 tỷ nhân dân tệ, chiếm 17% tổng chi cho y tế. Nhưng 80% trong số này, tức là 95.2 tỷ nhân dân tệ, đã được chi cho 8.5 triệu cán bộ đảng và chính phủ, 1.3 tỷ người còn lại chỉ có thể được phân bổ 20%, tức là 23.8 tỷ!
Ông Khuê còn tiết lộ rằng, có 400,000 cán bộ trên cả nước đã trường kì ở các phòng khám, nhà trọ và khu nghỉ dưỡng dành cho cán bộ, những khoản chi phí này lên tới 50 tỷ nhân dân tệ mỗi năm.
Cán bộ cao cấp từ cấp Thứ trưởng trở lên có thể sống trong bệnh viện chuyên khoa hoặc các phòng khám cao cấp trong nhiều năm, được chăm sóc y tế tỉ mỉ, được sử dụng những loại thuốc tân tiến và đắt tiền nhất thế giới, đối với họ mà nói thì mỗi ngày tốn “vài nghìn, vài vạn nhân dân tệ” là điều không có gì đáng kể.
Vào năm 2013, trang web của Nhân dân Nhật báo – kênh truyền thông chính thức của Trung Cộng đã đưa tin rằng, chi phí cho một “cán bộ tỉnh về hưu” ở trong bệnh viện mỗi lần lên tới 3 triệu nhân dân tệ.
Phúc lợi đối với các quan chức cấp tỉnh, cấp bộ đã là như thế, thì đãi ngộ đối với những nguyên lão cấp trên còn như thế nào? Chúng ta có thể tưởng tượng ra được.
Trên mạng Internet có một bài viết đánh giá với tiêu đề “Bí mật về bí quyết trường thọ và đãi ngộ sau khi nghỉ hưu của các lãnh đạo quốc gia”. Bài viết bắt đầu bằng cách giới thiệu ông Trương Chấn, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, đã qua đời ở tuổi 101. Tác giả bài viết tin rằng lý do khiến Trương Chấn sống đến hơn 100 tuổi hoàn toàn không phải vì ông ta có bất kỳ bí mật dưỡng sinh gì cả, mà pháp khí “bảo toàn sức khỏe” thực sự của Trương Chấn chính là thân phận quan chức cấp cao của ông ta. Đảng sẽ nuôi dưỡng cho ông ta “bằng bất cứ giá nào”, ông ta không sống lâu cũng không được.
Tác giả đã đưa ra một ví dụ. Tại một thành phố nào đó ở Trung Quốc đại lục, có một quân khu Quảng Châu với “Sở phục vụ đầu lĩnh” rộng một đến hai km vuông, và có 20 đến 30 tướng lĩnh ở cấp trung đoàn trở lên đang sống ở đó. Mỗi người trong số này đều có một biệt thự và năm đến bảy người đi kèm, bao gồm thư ký, bảo vệ, tài xế, bảo mẫu và đầu bếp.
Mỗi mùa hè, những vị tướng về hưu này sẽ đến núi Kê Công, tỉnh Hà Nam để trốn cái nóng trong vòng một tháng. Mỗi người đều có một biệt thự trên núi, đây là di sản của Tưởng Giới Thạch và các quan chức cấp cao khác. Ở đây còn có cả một đội “điều dưỡng quân đội” chuyên phục vụ các tướng lĩnh, họ sẽ theo các tướng lĩnh lên núi để đo huyết áp mỗi ngày và tiến hành “xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu” mỗi tuần một lần. Vào mùa đông, các tướng lĩnh sẽ đi tĩnh dưỡng ở Hải Nam hay các nơi khác trong vòng một tháng. Bản thân “Sở phục vụ đầu lĩnh” cũng là một đơn vị cấp sư đoàn.
Có hẳn một đơn vị quân đội cấp sư đoàn tồn tại vì sức khỏe, sự an toàn và đồ ăn thức uống của những “nhà cách mạng lão thành”. Chúng ta không được biết các lãnh đạo của đảng và nhà nước ở cấp quốc gia và cấp phó quốc gia sẽ được hưởng những đãi ngộ như thế nào sau khi nghỉ hưu, nhưng có thể đoán được rằng: họ có chỗ ở riêng, nhưng không gọi là nhà, mà gọi là “cứ địa”. Ngoài ra sẽ còn có một nhóm lớn đi kèm, tận tâm với sức khỏe, sự an toàn và cuộc sống hàng ngày của họ.
Bí quyết trường thọ của các lãnh đạo của Trung Cộng
Trên thực tế, bài viết này còn nhắc đến một chủ đề nhạy cảm khác, đó là bí quyết trường thọ của các quan chức Trung Cộng. Từ lâu, người ta đã nói rằng các lãnh đạo của Trung Cộng là những người “nổi tiếng sống lâu”. Có rất nhiều người trong số các lãnh đạo của Trung Cộng sống đến hơn 90 tuổi, và cũng có nhiều người sống đến trên một trăm tuổi.
Từ thời của Mao Trạch Đông, các lãnh đạo của Trung Cộng đã bắt đầu sống thọ, bản thân Mao cũng sống đến 83 tuổi, Chu Ân Lai là 78 tuổi và Chu Đức là 90 tuổi, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc vào thời điểm đó là 65 tuổi.
Các lãnh đạo của Trung Cộng càng ngày càng sống lâu hơn. Ví dụ, Đặng Tiểu Bình là 93 tuổi và Vạn Lý là 99 tuổi. Những người khác, chẳng hạn như Uông Đông Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, sống đến 100 tuổi; Đặng Lực Quần, cựu Bí thư Ban Bí thư Trung ương, cũng sống đến 100 tuổi; Trương Kính Phu, cựu Ủy viên Quốc vụ, sống đến 101 tuổi; và Lã Chánh Tháo cùng Lôi Khiết Quỳnh, hai cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia, cũng sống đến lần lượt là 105 và 106 tuổi.
Vào tháng 10/2014, trang web Nhân dân Nhật báo đã đăng bài “Thực đơn một ngày của các lãnh đạo trung ương”. Bài báo tiết lộ, các lãnh đạo của Trung Cộng mỗi ngày được ăn 25 loại thực phẩm, chứ không phải 25 món, và chú trọng vào “nguyên tắc ăn ít và chia thành nhiều bữa”, các loại thức ăn được “phối trộn” vừa đủ để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.
Nhật báo Apple đưa tin vào tháng 5/2018 rằng, Trung Cộng có một hệ thống các cơ sở đặc biệt chuyên cung cấp thực phẩm cho Trung Nam Hải. Quốc vụ viện của Trung Cộng có “Trung tâm cung cấp thực phẩm đặc biệt cho các cơ quan nhà nước trung ương”, chuyên môn cung cấp thực phẩm hữu cơ chất lượng cao cho các quan chức cấp cao của các bộ và các ủy ban.
Vào năm 2000, tuổi thọ trung bình của các lãnh đạo của Trung Cộng chỉ hơn Hoa Kỳ từ hai đến ba năm. Nhưng sau đó, tuổi thọ trung bình của các lãnh đạo của Trung Cộng đột nhiên cho thấy một sự tăng vọt “phi tuyến tính”. Đến năm 2010, tuổi thọ trung bình của các lãnh đạo của Trung Cộng đã hơn Hoa Kỳ đến 10 năm. Đây là dữ liệu lấy từ nội dung tuyên truyền về “Dự án sức khỏe cho 981 lãnh đạo” của Trung Cộng.
Cấy ghép nội tạng để kéo dài tuổi thọ
“Dự án sức khỏe cho 981 lãnh đạo” của Bệnh viện 301 Bắc Kinh đã được quảng cáo rộng rãi trên WeChat vào năm 2019. Nội dung của quảng cáo nói rằng dự án này thực sự bắt đầu từ năm 2005.
Theo thống kê chính thức của Trung Cộng vào năm 2019, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc là khoảng 77 tuổi. Tuy nhiên, “dự án sức khỏe” này tiết lộ rằng, mục tiêu của họ là kéo dài tuổi thọ cho các lãnh đạo của Trung Cộng đến 150 tuổi. Nói cách khác, họ sẽ nỗ lực để giúp các lãnh đạo của Trung Cộng kéo dài tuổi thọ đạt đến gần gấp đôi tuổi thọ của một người bình thường.
Ngoài ra, bài quảng cáo tuyên truyền này còn nói rằng tuổi thọ của các lãnh đạo của Trung Cộng nhìn chung là lâu hơn nhiều so với tuổi thọ của các nhà lãnh đạo ở nước ngoài. Có lẽ vì chủ đề này quá nhạy cảm, hoặc vì quá chênh lệch so với tuổi thọ của người bình thường, nên ngày hôm sau quảng cáo này đã bị “chặn”, và dự án không còn được tiến hành với nhiều sự phô trương.
Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng Bệnh viện 301 Bắc Kinh là cơ sở chăm sóc sức khỏe quan trọng của Trung Cộng, đã chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho các lãnh đạo cấp cao của Trung Cộng trong vòng nhiều năm.
Năm đó, Đài Á Châu Tự Do đã lưu lại được một phần video clip của quảng cáo này. Đoạn video này giới thiệu rằng kể từ khi Trung Cộng nắm quyền, trưởng ban Y tế sức khỏe của Trung Cộng đã có “tiến bộ vượt bậc” trong cái gọi là “tìm tòi và thực hành” trong hơn 60 năm. Nó còn tuyên bố rằng đã đem phòng ngừa, điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi và điều dưỡng tích hợp lại với nhau, tập trung vào phòng chống ung thư, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não, chống lão hóa, quản lý các bệnh mãn tính, tái tạo chức năng nội tạng, và tạo một lối sống lành mạnh. Nó cũng cho biết đã hình thành một hệ thống độc đáo “tích hợp sâu sắc tinh hoa chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc với công nghệ y tế tiên tiến của phương Tây”, và tự mệnh danh là “số một thế giới”.
Sự xa hoa của thực phẩm và quần áo đã trở thành điều quá bình thường đối với các nguyên lão của Trung Cộng, nhưng câu tuyên truyền “tái tạo chức năng nội tạng” trong cái quảng cáo này thì lại cực kỳ bắt mắt.
Ông Steven W. Mosher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số và là một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times vào tháng 6/2019 rằng, vào những năm 1960, các quan chức cấp cao của Trung Cộng đã đem máu của những người trẻ tuổi truyền vào người nhằm kéo dài tuổi thọ, nó thực sự có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Đến những năm 1980, họ đã chuyển sang cấy ghép nội tạng. Ở Trung Quốc, mục đích ban đầu của việc cấy ghép nội tạng chính là để “tái tạo nội tạng” cho các lãnh đạo của Trung Cộng nhằm kéo dài sự sống.
Vào tháng 6/2019, một Tòa án Nhân dân Độc lập (China Tribunal) ở Vương quốc Anh đã ra phán quyết cuối cùng tại London, kết án Trung Cộng về tội ác chống lại loài người. Tòa án buộc tội Trung Cộng đã tiến hành hoạt động mổ cướp nội tạng sống trên quy mô lớn ở Trung Quốc trong nhiều năm, trong số đó, nội tạng khỏe mạnh của các học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn cung cấp chính. Các quan chức Trung Cộng đã ra lệnh cho các bác sĩ sát hại những sinh mạng vô tội này.
Lãng phí quá mức tiền thuế của người dân, truyền máu của những người trẻ tuổi và sử dụng nội tạng của những người khỏe mạnh để kéo dài tuổi thọ, cái giá phải trả là mạng sống cùng máu và nước mắt của vô số người dân Trung Quốc, đây chính là bí quyết “trường thọ” hơn cả các lãnh đạo nước ngoài của tầng lãnh đạo Trung Cộng.
Do Lí Hạo thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: