Bí quyết giao tiếp để được mọi người chào đón và tôn trọng
Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người luôn mong muốn được người khác chào đón và tôn trọng thông qua các cuộc xã giao trò chuyện. Nhưng đối với nhiều người hiện đại ngày nay, mỗi ngày đều bận rộn trong danh lợi và tiền bạc, dường như họ đã quen với lối tư duy tự cho mình là trung tâm. Bởi vậy, dù bất kể việc gì họ cũng đều nghĩ đến bản thân đầu tiên, cho nên cũng không có gì lạ khi từ “tôi” xuất hiện đầu tiên trong mỗi câu nói của họ.
Nếu chúng ta quan sát kỹ lưỡng các cuộc trò chuyện thì sẽ phát hiện rằng, những người thao thao bất tuyệt luôn là những người thích nói về bản thân, họ rất khó có được sự yêu mến, tôn trọng và khâm phục từ người khác.
Thực ra, nguyên nhân đều nằm ở chỗ, vào khoảnh khắc đó, họ không thể quên đi cái “tôi”: thân thể của tôi, hình tượng của tôi, tư tưởng và quan niệm của tôi, cuộc sống và công việc của tôi v.v, tất cả những điều này đều chiếm vị trí quan trọng bậc nhất trong lòng họ. Hình tượng của tôi là lộng lẫy và đẹp đẽ nhất, tư duy và quan niệm của tôi là mới lạ và đúng đắn nhất… Những câu nói về “tôi” quan trọng như vậy!
Tuy nhiên, khi nói quá nhiều về “tôi” thì sẽ quên hết tất cả, quên đi những lời chào hỏi, quan tâm ân cần, quên mất rằng đối phương cũng cần sự lắng nghe, chú ý và thấu hiểu từ chúng ta. Và nó cũng thường khiến đối phương có cảm giác rằng sự tồn tại của họ bị phớt lờ. Cuối cùng, bạn bè sẽ dần dần xa lánh người đó. Bởi vậy, “Tôi” cũng sẽ trở nên cô độc, bị người khác phớt lờ.
Vậy, bí quyết giao tiếp để được người khác chào đón và tôn trọng là gì? Đó chính là: Nói ít về Tôi, nói nhiều về Bạn.
Trong các cuộc trò chuyện mỗi ngày với người khác, chúng ta nên cẩn thận chú ý quan sát chữ “tôi” và “bạn” xuất hiện bao nhiêu lần? Hãy thử thay đổi phương thức biểu đạt trước đây, cố gắng bắt đầu mọi cuộc trò chuyện với chữ “bạn”, và hỏi thêm về những mối quan tâm của đối phương, chẳng hạn như “gần đây sức khỏe bạn thế nào”, “bạn đang bận những việc gì”, v.v.
Trên thực tế, trong tiềm ý thức của mỗi người đều mong đợi sự tôn trọng và quan tâm từ đối phương. Nói nhiều hơn về “bạn” đồng nghĩa với sự yêu mến và thân thiện mà chúng ta dành cho đối phương, cũng thể hiện sự chín chắn, rộng lượng và trí tuệ trong đối nhân xử thế của chúng ta. Chúng ta không nên coi thường sức mạnh của lời nói trong các cuộc nói chuyện với người khác, như các bậc Thánh hiền xưa từng nói rằng: “Tặng người lời nói, quý như châu ngọc”.
Những người luôn cảm thấy buồn phiền trong các mối quan hệ xã hội, nên học cách đặt những câu hỏi thích hợp, lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn trong các cuộc nói chuyện với người khác. Chúng ta thường nghe nói rằng, “nói nhiều chi bằng nói ít, nói ít chi bằng nói hay”. Hãy là một người biết lắng nghe và học cách nhìn nhận vấn đề từ lập trường của người khác, từ đó mới có thể nói những điều tốt đẹp và những điều mà đối phương thực sự muốn nghe. Nói những lời tốt đẹp thì mới có thể đạt được hiệu quả “thiện ý một câu ấm ba đông”.
Tóm lại, nói ít về Tôi, nói nhiều về Bạn. Trong lòng luôn chỉ nghĩ về “tôi”, chính là một loại biểu hiện của sự ích kỷ. Nói nhiều hơn và nghĩ về đối phương nhiều hơn, mới là thể hiện của “thiện”. Đồng hóa với đặc tính của Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ, càng nói nhiều về “bạn” thì sẽ càng có nhiều bạn. Ngôn ngữ bên ngoài sẽ dần dần cải thiện trạng thái tinh thần của con người, thế giới nhân sinh cũng sẽ càng trở nên rộng lớn và trong sáng hơn. Dần dần, bạn sẽ phát hiện rằng bản thân đã thoát ra khỏi sự gò bó và phong bế của tự ngã, trở thành một người tâm lý, hòa nhã, dễ gần và đáng yêu.
Hiểu Lăng thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: