Bí mật trường tồn của khách sạn nghìn năm ở Nhật Bản: Tích đức không tích tiền
Hōshi tuân theo truyền thống kính Trời yêu người, chính là thể hiện quy tắc của khách sạn – tích đức không tích tiền. Và điều này không chỉ bảo vệ suối nước nóng, bảo vệ lịch sử, còn lưu lại tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách.
Trong khu suối nước nóng quận Ishikawa vùng giữa miền bắc của Nhật Bản, tọa lạc một khách sạn xưa cũ: khách sạn Hōshi Ryokan. Nói cổ xưa, là bởi vì khách sạn được xây dựng vào năm 718, đến nay đã có lịch sử 1304 năm. Năm 1996, nó được kỷ lục thế giới Guinness nhận định là khách sạn cổ xưa nhất thế giới, mãi cho đến năm 2011 thì khách sạn Nishiyama Onsen Keiunkan được xây dựng vào năm 705 tuyên bố danh hiệu đó.
Như vậy, bí mật trường tồn của khách sạn Hōshi Ryokan này rốt cuộc là gì?
Lai lịch khách sạn Hōshi Ryokan
“Hōshi” có nghĩa là “Pháp sư” (法師), còn “ryokan” là quán trọ truyền thống ở Nhật Bản. Từ tên gọi của khách sạn nổi tiếng này không khó đoán ra, thủy tổ xây dựng khách sạn có quan hệ với một vị pháp sư tu hành. Sự thật cũng chính là như thế. Thời kỳ Nara ở Nhật Bản, có một vị cao tăng đắc đạo là đại sư Taicho (682 – 767), rất được mọi người kính ngưỡng, sức ảnh hưởng cũng rất lớn, thành tựu lớn nhất của cuộc đời ông là xây dựng 120 ngôi chùa.
Một ngày, đại sư Taicho đi về núi Hakusan, xem xét có khả năng xây dựng được ngôi chùa miếu nào không. Được sự trợ giúp dẫn đường của đệ tử Gengoro, pháp sư đi đến được đỉnh núi Hakusan. Không ngờ, đại sư phát hiện, ngọn núi này quá vắng vẻ, cho dù xây xong miếu thờ, chỉ sợ cũng không có bao nhiêu người đến dâng hương bái tế.
Trên đường trở về, đại sư Taicho trong lúc vô tình phát hiện một dòng suối nước nóng tựa như suối thuốc trong chốn rừng sâu. Ngài đi xuống tắm gội, lập tức cảm giác như rũ sạch hết thảy mọi phiền não trên thân. Đại sư liền nghĩ đến việc có thể dùng suối nước nóng để chữa trị bệnh, tạo phúc cho nhiều người, thế là quyết định mở một quán trọ bên suối, đây chính là Hōshi Ryokan.
Ngoài ra, theo một bài viết trên trang Easy Woyage của Anh, tương truyền, đại sư Taicho đã nhận được lời truyền của Thần để xây dựng quán trọ, tương tự như Lạc Tôn hòa thượng ở Trung Quốc năm xưa nhận được gợi ý của Thần linh mà khai mở hang Đôn Hoàng.
Có một đêm nọ, đại sư Taicho mộng thấy một vị Thần núi nói cho ông biết: “Cách chân núi Hakusan này chừng năm, sáu dặm, có ngôi làng Awazu. Dược Sư Như Lai từ bi, trong làng có một dòng suối nước nóng linh nghiệm. Ngươi hãy cực khổ khởi hành đến đó, cùng với thôn dân khai đào nguồn suối nước nóng vô danh này, sau này vĩnh viễn sẽ bảo vệ thôn dân nơi đây”.
Sau khi tỉnh mộng, đại sư Taicho bèn dẫn dân làng hướng về làng Awazu để khai đào suối nước linh thiêng. Đồng thời ngài bảo đệ tử của mình là Garyo Houshi, con trai thứ hai của Gengoro, xây dựng một quán trọ và phụ trách quản lý. Garyo Hoshi về sau lại truyền cho người con nuôi là Zengoro quản lý, những người quản lý về sau đều do con trưởng kế thừa, đời đời kế thừa cái tên Zengoro Hōshi. Nếu không có con trai, chỉ có con rể gia tộc Hōshi ở rể mới có thể trở thành người thừa kế.
Từ sau khi quán trọ được xây xong, suối thuốc “một lần tắm rửa thì hình dung đoan chính, hai lần tắm rửa thì vạn bệnh tật tiêu trừ” hấp dẫn không ít người xa gần tìm đến, và từng đời Hōshi đều kế thừa tiền bối hoằng dương tinh thần Phật pháp.
Khách sạn nhận được sự ưu ái rất lớn của vương tộc
Đi vào quán trọ Hōshi, tiến vào cửa trước, điều đầu tiên thu hút tầm mắt là tấm biển khắc chữ “Pháp thọ trường” thể hiện bút lực cao thâm. Nóc nhà có các cột trụ giao thoa ngang dọc bởi vật liệu bằng gỗ bền chắc màu trà đậm, chính là kiến trúc “huyền quan đống” (tức cột trụ có ý nghĩa quan trọng) vào loại quốc bảo dựng năm công nguyên 1883. Phòng trà ấm áp trang nhã, vườn hoa ưu nhã lấy cây tùng, cầu đá, hồ nước tô điểm, trong đó có những cây thông và cây tùng cao lớn do tự tay các vương tộc trồng nên.
Trong khách sạn có 4 tòa kiến trúc, lấy xuân, hạ, thu, đông đặt tên để phân biệt, tất cả có 100 gian phòng khách, hai phòng trong và hai phòng ngoài đều là bể tắm suối nước nóng, cung cấp áo tắm, trà đạo và phục vụ du lịch nơi đó.
Vách tường khách sạn Hōshi quét màu son và màu xanh nhạt. Tương truyền, vào thời đại phong kiến, hai loại màu sắc này chỉ có quý tộc mới có thể sử dụng.
Bí mật trường thọ
Khách sạn Hōshi đã trải qua 1304 năm, Zengoro Hōshi hiện nay đã là đời thứ 46. Và khách sạn Hōshi sở dĩ trường thọ như thế, ngoại trừ việc ở nơi núi sâu cách trở, xa rời chiến tranh, ôn dịch, thiên tai bên ngoài, thì bí mật trọng yếu nhất là quy tắc của khách sạn: Tích đức không tích tiền.
Ông Zengoro hiện tại nói với tờ The Atlantic Monthly của Mỹ rằng, tất cả mọi người trong gia tộc Hōshi không thể tùy ý sinh hoạt theo ý thích riêng, mà chỉ có thể đem tất cả thời gian cống hiến cho các vị khách của mình. “Tôi sau khi cất tiếng khóc chào đời, tất cả mọi người đã nói với tôi rằng, tôi sẽ tiếp nhận quán trọ này. Tôi yêu những gian phòng có thể chơi trò trốn tìm này”.
Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đài BBC của Anh, ông Zengoro nói: “Tôi thường xuyên yêu cầu nhân viên dọn dẹp vườn hoa thật tốt, chăm sóc suối nước nóng thật tốt, nguyên liệu nấu ăn cũng phải chuẩn bị tốt. Hōshi là được phó thác để bảo vệ các thứ ấy, nhất định phải sử dụng thật tốt và trân quý nó. Nhất định phải hoàn thiện nó tốt hơn để đáp lại”.
Ông Zengoro Hōshi còn nói với nhân viên: Làm việc và tâm tính đều phải bắt chước suối nước nóng thiên nhiên, “vĩnh viễn trợ giúp cho người khác”, hơn nữa cần “uống nước nhớ nguồn, hãy nhớ suối nước nóng bảo vệ môi trường”. Ví như khách sạn suối nước nóng khác chỉ vì cái lợi trước mắt, lúc phát hiện suối nước nóng bị khô kiệt, liền dùng bơm hạ độ sâu suối nước nóng đến 100 mét, “nhưng, Hōshi chỉ hạ xuống 10 mét, như vậy là đủ rồi”.
Ông Zengoro hiện tại từng tốt nghiệp ngành Luật ở Đại học Keio nhưng vẫn là người yêu thích Waka và viết sách. Waka là một thể loại thơ ca đặc biệt của Nhật Bản, và waka của ông đều là viết cho du khách trọ tại khách sạn Hōshi này.
Năm 2013, con trai trưởng của ông Zengoro qua đời ngoài ý muốn. Từ đó, vì tuân thủ lời hứa với con, sáng sớm mỗi ngày vào lúc 6 giờ 45 phút, ông sẽ có một buổi nói chuyện trong vòng một giờ với các vị khách tại phòng trà, giảng giải văn hóa, lịch sử và Phật giáo ở địa phương. Qua đó giúp du khách thể nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên, đồng thời cũng có thể thưởng thức vẻ đẹp nhân văn tài trí.
Hōshi tuân theo truyền thống kính trời yêu người, chính là thể hiện quy tắc của khách sạn – tích đức không tích tiền. Và điều này không chỉ bảo vệ suối nước nóng, bảo vệ lịch sử, còn lưu lại tình cảm tốt đẹp trong lòng du khách.
Người xưa có câu: “Đạo đức truyền gia, thập đại dĩ thượng, canh độc truyền gia thứ chi, thi thư truyền gia hựu thứ chi, phú quý truyền gia, bất quá tam đại”. Ý rằng, dùng đạo đức làm gia phong để truyền thụ cho đời sau thì mười đời không hết, sẽ được lâu dài nhất. Dùng lao động làm gia phong thì vẫn kém hơn so với dùng đạo đức. Dùng việc học hành làm gia phong cũng không bằng ao động. Còn dùng phú quý để truyền thừa cho đời sau thì phú quý không quá ba đời.
Trong lịch sử có rất nhiều gia tộc đã lấy “đạo đức truyền gia”, tiêu biểu và nổi tiếng nhất là dòng họ Khổng Tử, nay đã được truyền đến đời thứ 75. Còn gia tộc Hōshi ở Nhật Bản truyền thừa ngàn năm qua, cũng chẳng phải lại là một minh chứng khác của “đạo đức truyền gia” hay sao?
Tư liệu tham khảo:
- “Tinh thần thợ thủ công: Gen trường thọ của các xí nghiệp gia tộc Nhật Bản”, Toshio Gotō biên soạn, xuất bản tháng 8 năm 2018 tại Nhà xuất bản Đại học Nhân dân Trung Quốc.
- https://www.bbc.com/news/magazine-19505088
- Khách sạn cổ xưa nhất Nhật Bản đối diện với sự bối rối về người thừa kế”, “Tham khảo Thanh niên” năm 2015.
Lưu Hiểu thực hiệnToan Đinh biên dịch Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: