Bhutan: Vương quốc của lòng tốt và sự tỉnh thức
Bhutan nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, được xem là một trong những quốc gia biệt lập nhất thế giới. Ẩn mình trên dãy Himalaya, có nền kinh tế được xếp vào danh sách những nước kém phát triển, thậm chí số lượng nghèo đói và mù chữ thuộc loại đáng báo động, nhưng Bhutan lại là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Ý tưởng lấy ngày 20/3 làm ngày quốc tế hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc xuất phát từ Bhutan, quốc gia duy nhất lấy chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc dân (GNH – Gross National Happiness) để quản lý và phát triển đất nước. Thay vì GDP và những chỉ số đánh giá nền kinh tế, ở đất nước Nam Á này, người ta quan tâm đến các chỉ số đặc biệt về môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa, mức độ hài lòng với cuộc sống, giờ ngủ bình quân của người dân v.v.
Thủ tướng Bhutan, Lotay Tshering, từng nói: “Khi chúng tôi hiểu rằng tiền bạc và tài sản vật chất không thể chuyển hóa thành những gì bạn thực sự muốn trong cuộc đời… như sự bình yên trong tâm trí và hạnh phúc… Vậy thì tại sao chúng tôi phải đặt nó làm mục tiêu sống của mình?
Chúng tôi phải nghĩ cho thế hệ tương lai. Vậy nên, chúng tôi thực hành và trân trọng những giá trị của Tổng Hạnh phúc Quốc dân. Đó là lý do tại sao về mặt kinh tế chúng tôi không giỏi giang, tất cả những sự cân bằng chúng tôi cố gắng duy trì là nhằm bảo đảm mỗi quyết sách là vì sự phát triển bền vững, vì thế hệ mai sau”.
Để giữ gìn bản sắc văn hóa, Bhutan chú trọng đến hai điều: Bảo vệ môi trường tự nhiên và niềm tin tôn giáo. Với phương châm ấy, Bhutan không ồ ạt phát triển ngành công nghiệp du lịch.
Hơn 2/3 người dân Bhutan theo đạo Phật
Hình ảnh các tu viện Phật giáo ẩn hiện trong làn mây khói trầm mặc không phải xa lạ ở Bhutan. Người dân nơi đây vẫn giữ gìn được nền văn hoá Phật giáo Himalaya truyền thống còn sót lại trên thế giới. Họ luôn tin vào luật nhân quả nên sống rất từ bi và hay làm điều thiện. Vì vậy, cuộc sống của người dân Bhutan khá yên bình, Bhutan thậm chí không có tội phạm.
Khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội không quá cách biệt. Người dân Bhutan rất thân thiện, một hoàng tử có thể chơi bóng với trẻ em mà không có sự phân biệt nào. Họ hiểu rằng mỗi sinh mệnh đều bình đẳng, quyền lực và tài sản không quyết định được vị thế của mỗi người.
Thủ tướng Lotay mỗi thứ Năm hàng tuần đều đạp xe lên chiếc đồi dốc bên ngoài Thimphu – thủ đô của Bhutan. Đích đến của ông là tượng Phật Dordenma cao 169 feet (khoảng 51.5 mét), một trong những bức tượng lớn nhất thế giới. Nhiệm vụ của ông là tập thể dục để tăng cường sức khoẻ, sau đó cầu nguyện và thiền định để tâm trí sáng suốt hơn.
“Khi chúng ta mạnh mẽ, điều đó không chỉ có liên quan tới sức mạnh cơ bắp. Nó bao hàm cả sức mạnh tinh thần, sức mạnh của những nơron thần kinh. Và việc cầu nguyện hay thiền định là những nguyên liệu giúp các nơron của bạn khoẻ mạnh”.
Thủ tướng làm bác sĩ tiết niệu và bác sĩ phẫu thuật đã hơn 20 năm. Trở thành một bác sĩ là một phần hạnh phúc của ông. Và cầu nguyện là đam mê của ông, giúp ông bảo vệ những giá trị của mình. “Tôi xuất thân từ một gia đình truyền thống, tôi luôn nghĩ mình phải giúp đỡ người khác. Tôi nghĩ trở thành một thầy tu sẽ giúp hoàn thành tâm nguyện này. Nhưng mẹ tôi nói rằng tại sao con không trở thành bác sĩ, như vậy con có thể giúp đỡ những người thực sự cần con. Vậy là tôi quyết định trở thành bác sĩ”.
Trẻ em ở đây được đi học miễn phí, người dân đến bệnh viện không cần lo chi phí khám chữa bệnh. Nhà nước có Bộ Hạnh phúc để quản lý và bảo đảm cuộc sống cho dân. Với họ, hạnh phúc đơn giản chính là được sinh ra trên thế giới này. Họ luôn hài lòng và biết ơn những gì mình có.
Trân trọng tự nhiên và môi trường như sinh mạng
Bhutan được mệnh danh là Vương quốc “Rồng Sấm”. Nằm trên dãy Himalaya hùng vĩ, thiên nhiên ưu ái ban tặng nơi đây vẻ đẹp núi non nên thơ. Khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, không khí trong lành; rừng, động vật và môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiến pháp Bhutan quy định rằng ít nhất 60% đất nước của họ sẽ phủ xanh bởi rừng. Việc chặt cây là vi phạm pháp luật, bạn có thể sẽ phải ngồi tù nếu không tuân theo. Việc đánh bắt cá cũng vậy, đây được cho là hành vi phá hoại thiên nhiên. Chính phủ khuyến khích người dân tự trồng cây lấy củi làm chất đốt và phục vụ cho xây dựng.
Hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa, số lượng du khách có nhu cầu tới Bhutan rất lớn. Để không làm giảm đi chỉ số hạnh phúc của quốc gia, Bhutan đã đánh thuế du lịch 250 USD/ngày/người. Khoản phí này dùng để bồi hoàn lại những tác động đến môi trường của du khách. Bhutan không những có lượng carbon trung tính, mà thực chất con số này là âm.
Bhutan hợp tác với Quỹ bảo vệ Đời sống Thiên nhiên Thế Giới (WWF) để bảo vệ động vật hoang dã trong các công viên. Ở Bhutan, giết mổ động vật luôn bị cho là hành động sai trái và cấm kỵ nên họ nhập khẩu thịt chủ yếu từ Ấn Độ. Túi nylon bị cấm sử dụng từ năm 1999, thay vào đó là túi vải thân thiện với môi trường. Thuốc lá bị cấm buôn bán từ năm 2005 do niềm tin rằng thuốc lá chỉ tạo thêm nghiệp cho con người. Về lý thuyết, người dân Bhutan được phép hút thuốc trong nhà riêng và thậm chí có thể tích trữ một lượng nhỏ để “sử dụng cá nhân”, với 200% thuế hải quan và thuế VAT.
Đối với người dân Bhutan, môi trường là yếu tố rất quan trọng; chăm sóc kỹ lưỡng cho hành tinh khiến họ cảm thấy hạnh phúc. Không có những đô thị đông đúc, những tòa nhà chọc trời, người dân của vương quốc này tận hưởng một bầu không khí trong lành, đầy sức sống. Vào các dịp lễ, người dân Bhutan không phải chen chúc, xô đẩy trong những khu đô thị đầy khói thải như những quốc gia khác.
“Thực hành hạnh phúc” trong nghỉ ngơi và ăn uống
Tại Bhutan, hơn 2/3 người dân ngủ đủ 8 tiếng và họ rất quan tâm chăm sóc sức khỏe của mình. Họ không đánh đổi sức khỏe để lấy tiền bạc và luôn cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc. Người dân Bhutan ăn uống khá đơn giản, hầu hết họ ăn chay.
Người dân Bhutan cũng không quan tâm tới Internet hay TV. Họ quan niệm rằng những thông tin tuyên truyền trên Internet hoặc TV khi quá nhiều, đặc biệt là các thông tin tiêu cực, sẽ tạo nên lòng so sánh, đua tranh; và những tin tức về các vụ án, những bộ phim khủng bố, bạo lực… sẽ tạo nên tâm lý hoang mang.
Khi tiếp nhận quá nhiều thông tin – mà thực chất phần lớn trong số đó không cần thiết với bản thân mình, con người bị ngập trong những suy nghĩ, mải mê lý giải những quan điểm, càng đặt ra nhiều nghi ngờ và càng xa rời bản chất nội tại. Từ đó sẽ tự gây nên tâm lý khủng hoảng, hoài nghi. Với người Bhutan, họ chỉ muốn những thông tin cần thiết cho mình và điều đó khiến họ cảm thấy hài lòng, họ sẽ dành thời gian để tận hưởng cuộc sống và tìm về với chính mình.
Truyền thống là tài sản quý giá của người Bhutan, họ khá khép kín với thế giới để bảo vệ lối sống mà họ tin tưởng. Quốc gia này chỉ mở cửa cho du khách từ những năm 1970.
“Chúng tôi ở Bhutan rất đặc biệt; chế độ dân chủ của chúng tôi cực kỳ, cực kỳ đặc biệt… theo cái cách mà chúng tôi luôn lấy các giá trị quốc gia làm nền tảng. Chúng tôi không bao giờ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia”, Thủ tướng Lotay từng chia sẻ với tờ CNN.
“Khi chúng tôi nói về Tổng Hạnh phúc Quốc dân, chúng tôi không nói đến việc mở những bữa tiệc và cười ‘ha ha, hô hô’; thứ hạnh phúc chúng tôi tìm kiếm trong cuộc đời là sự hài lòng, tự chủ tâm trí, và tự chủ những mong muốn. Đừng ghen tỵ với người khác, hãy biết hạnh phúc với những gì bạn có; hãy biết đồng cảm, hãy trở thành xã hội mà bạn sẽ hạnh phúc hơn khi cho đi. Quốc vương của chúng tôi đã đúng khi gọi Tổng Hạnh phúc Quốc dân là sự phát triển của những giá trị. Nếu chính sách không đi kèm với các chỉ số hạnh phúc, nếu chính sách không thân thiện với môi trường, nếu chính sách không bảo đảm cho sự thịnh vượng của người dân, thì chính sách đó sẽ không bao giờ có mặt ở đất nước chúng tôi”.
“Hãy giúp đỡ chứ đừng hãm hại” là tâm niệm của người theo đạo Phật. Lòng tốt là chất keo dính kết xã hội Bhutan lại với nhau. Bất kỳ nơi đâu ta sống, chúng ta cũng là một phần của một tổng hòa các tâm trí mà chúng ta cần phải nuôi dưỡng thiện tâm cho bản thân và cho cộng đồng.
Tất cả những điều này đã biến Bhutan trở thành miền đất Shangri-la có thực. Người ta cho rằng dãy Himalaya ngăn sự tấn công của làn sóng toàn cầu hóa ở các nước đang phát triển vào Bhutan, nhưng có lẽ chính những nền tảng đạo đức hòa hợp đặc biệt với tự nhiên mới là nhân tố gìn giữ bản sắc nơi đây.
“Đây là một đất nước đã nâng những điều trái ngược lên thành một đặc điểm quốc gia”.
– Eric Weiner, tác giả của cuốn sách Địa lý học của Bliss (2008)
Mộc Lam
Xem thêm: