Bên trong nhà tù Tín Dương, Trung Quốc: Lạm dụng và cưỡng bức lao động
Nhà tù Tín Dương được mô tả là nhà tù “tà ác nhất” ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Một nhà hoạt động nhân quyền đã chia sẻ câu chuyện của cha mình với The Epoch Times, một cựu tù nhân từng trải qua và chứng kiến nhiều vụ ngược đãi bên trong nhà tù này.
Anh Hình Giám (Xing Jian) là một nhà hoạt động nhân quyền đến từ Hà Nam và hiện đang sống ở New Zealand. Cha của anh, ông Hình Vọng Lực (Xing Wangli), nói với anh rằng tình trạng ngược đãi đang diễn ra tràn lan tại nhà tù Tín Dương.
“Cha tôi trông như một ông già khi ra tù. Đó quả là địa ngục,” anh Hình Giám nói.
Ông Hình Vọng Lực là dân oan quê ở Hà Nam. Hồi tháng 02/2018, ông bị kết án 02 năm 03 tháng tù giam vì “gây rối và kích động bạo lực,” một loại cáo buộc mập mờ thường được sử dụng để cầm tù những người bất đồng chính kiến tại Trung Quốc, sau khi ông đến điều trị tại một bệnh viện ở Bắc Kinh. Những người dân khiếu kiện đến Bắc Kinh (vì nhiều lý do khác nhau) thường bị chính quyền bắt giam. Ông đã trải qua hơn một năm trong nhà tù Tín Dương. Sau đó ông đã được thả vào ngày 26/05 năm nay (2020).
Anh Hình Giám cho biết các tù nhân trong nhà tù Tín Dương bị đối xử như nô lệ và bị cưỡng bức lao động hơn mười tiếng mỗi ngày. Các cai ngục thường đánh đập và gây thương tích nặng nề cho họ. Những người đệ đơn kiện bị tra tấn và bị cấm tiếp xúc với gia đình và thế giới bên ngoài; trong khi các quan chức địa phương tham nhũng của Trung Cộng cùng thụ án trong nhà tù này lại được đối xử đặc biệt và hưởng các đặc quyền nhờ sự giàu có và các mối quan hệ của họ.
Cựu quan chức Trung Cộng được đối xử đặc biệt trong tù
Anh Hình Giám nói rằng Tín Dương là nhà tù tồi tệ nhất ở tỉnh Hà Nam. Các tù nhân bị cưỡng bức lao động mười ba tiếng mỗi ngày, bảy ngày một tuần và không có ngày nghỉ.
Nhà tù Tín Dương còn được gọi là “trang trại Một tháng Năm” (mùng 01/05 là Ngày Quốc tế Lao động hay được ca tụng ở các nước xã hội chủ nghĩa/cộng sản, trong đó có Trung Quốc). Có một câu nói được lưu truyền trong hệ thống nhà tù Trung Quốc như sau: “Thà bị kết án chung thân còn hơn sống một ngày trong trang trại Một tháng Năm.” Anh Hình tiết lộ rằng các tù nhân ở đây phải lao động khổ sai rất nặng nhọc. Những ai không hoàn thành hạn mức đặt ra sẽ bị các tù nhân khác đè xuống, và bị cai ngục đánh bằng gậy da. Khi văn phòng công tố địa phương đến để tiến hành kiểm tra, nhà tù liền đóng kịch, lừa các công tố viên rằng các tù nhân chỉ phải làm việc trong tám giờ. Các tù nhân đã buộc phải giữ im lặng về các hành vi lạm dụng, nếu không họ sẽ bị trừng phạt.
Nền kinh tế nhà tù ở Trung Quốc đã cung cấp cơ hội kinh doanh to lớn cho Trung Cộng trong nhiều thập kỷ bằng lao động miễn phí và/hoặc rẻ mạt. Theo số liệu do Bộ Tư pháp nước này cung cấp, “so với năm 1984, năm 2001 tổng giá trị sản lượng của các xí nghiệp trại giam trên toàn quốc tăng từ mức 2.77 tỷ NDT vào năm 1984 lên mức 11.72 tỷ NDT, tức là tăng hơn 4 lần; tài sản cố định tăng từ 3.4 tỷ NDT lên 11.6 tỷ NDT.”
Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), có ít nhất 681 doanh nghiệp nhà nước sử dụng lao động là tù nhân nô lệ tại 30 tỉnh, thành phố và khu vực ở Trung Quốc.
Trung Cộng đã lợi dụng đại dịch để gây ảnh hưởng và thu lợi nhuận khổng lồ thông qua các công ty Trung Quốc sử dụng tù nhân làm lao động nô lệ để sản xuất khẩu trang và xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.
Hệ thống nhà tù của Trung Quốc từ lâu vốn đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm từ lao động nô lệ của Trung Quốc và đề xuất các lệnh cấm đối với các công ty sử dụng lao động cưỡng bức trong các nhà tù và trại tập trung của Trung Quốc. Kể từ năm 2019, chính phủ Tổng thống Trump đã áp đặt các hạn chế đối với nhiều sản phẩm và công ty như vậy.
Trong nhà tù Tín Dương, các tù nhân xuất thân bình thường bị cưỡng bức lao động như nô lệ và thường xuyên bị bỏ đói–họ không được cung cấp thực phẩm đầy đủ, chẳng hạn như thịt. Ngược lại, những tù nhân có mối quan hệ–chẳng hạn như các cựu quan chức địa phương bị bỏ tù vì tội tham nhũng–được ăn uống đầy đủ và được hưởng các đặc quyền khác. Họ có thể tránh phải làm bất cứ việc gì bằng việc hối lộ cai ngục. Trong một số trường hợp, họ phải trả cho nhà tù 12,000 NDT (1.762 USD) mỗi năm để mua một “chức danh” không bị bắt phải làm bất kỳ công việc gì. Ví dụ, các tù nhân thuộc khu giáo dục không phải làm gì khác ngoài việc sử dụng máy tính theo dõi trực ban để chơi game.
Anh Hình Giám đã đưa ra hai ví dụ về các cựu quan chức Hà Nam đã được đối xử đặc biệt trong tù—đó là ông Lý Tân Trung (Li Xinzhong), cựu Huyện trưởng huyện Chính Dương ở thành phố Trú Mã Điếm; và ông Liên Tử Hằng (Lian Ziheng), Bí thư Thị ủy thành phố Tam Môn Hiệp.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc đại lục, ông Lý Tân Trung từng là cựu phó cán bộ cấp sở của tỉnh Hà Nam. Hồi tháng 02/2016, ông giữ chức Bí thư Đảng ủy của Khu Hội nhập Thí điểm Thành thị-Nông thôn Trú Mã Điếm, ngang hàng với phó cán bộ cấp sở. Ông Lý bị cách chức vào năm 2018, và đến ngày 22/10 cùng năm, ông này bị kết án 10 năm tù giam vì tội nhận hối lộ.
Theo lời Hình Giám và cha của anh, những quan chức bị cách chức này không phải làm bất cứ việc gì trong tù và còn được giảm án nhanh chóng. Họ được cai ngục đối xử tử tế và người nhà của họ có thể gửi thức ăn, thuốc lá và rượu cho họ. Họ có thể sử dụng điện thoại của cai ngục để gọi điện; trong khi các tù nhân khác bị từ chối quyền này.
Nguyên đơn bị ngược đãi trong tù
Anh Hình Giám được nghe kể lại rằng trong khi cha anh là ông Hình Vọng Lực thụ án tại nhà tù Tín Dương, ông đã chứng kiến nhiều tù nhân bị đánh đập và bị thương nặng. Một tù nhân đã bị đánh cho đến khi bị mù, và một tù nhân khác bị đánh gãy tay.
Một tù nhân tên là Tôn Nghĩa Lương (Sun Yiliang), một dân oan đang thụ án dài hạn, thường bị đánh đập trong tù. Ông nói với ông Hình Vọng Lực rằng ông chỉ muốn chết đi để khỏi bị ngược đãi. Ông Hình Vọng Lực đã thay mặt ông Tôn viết thư cho trưởng trại giam cầu xin sự giúp đỡ. Đáp lại, nhà tù đã đe dọa ông Tôn. Anh Hình Giám nói rằng cha anh cũng bảo anh hãy cho cộng đồng bên ngoài biết về tình trạng của ông Tôn.
Một dân oan khác, tên là Đinh Tuấn (Ding Jun), cũng bị đánh đập và tra tấn thường xuyên trong nhà tù này.
Một cựu binh Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ông Trần Hữu Hoành (Chen Youhong), cũng bị ngược đãi. Theo một bản “báo cáo tình hình” được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc, ông Trần đã bị kết án 12 năm tù về tội cướp tài sản. Ngày 13/08/2016, khi đang thụ án tại nhà tù Tín Dương, ông đã bị một lính canh tên là Nhuận Hải Hoằng (Run Haihong) đánh thành tàn tật. Trong một lần đến thăm, các thành viên gia đình của ông Trần thấy ông không thể giơ cánh tay lên được. Gia đình đã nhiều lần kiến nghị để ông Trần được điều trị y tế, nhưng yêu cầu đã bị nhà tù phớt lờ.
Ông Hình Vọng Lực đã bị thương nặng sau khi bị cảnh sát đánh đập. Năm 2016, trong thời gian thụ án tại Trung tâm giam giữ huyện Tức ở huyện Tức, tỉnh Sơn Tây, ông từng bị đánh bằng một dụng cụ cùn làm vỡ hộp sọ–khiến ông hôn mê hơn 20 ngày. Dù bị thương, ông vẫn bị buộc phải lao động.
Trong khi bị giam giữ ở nhà tù Tín Dương, ông Hình Vọng Lực bị cắt đứt liên lạc với gia đình và thế giới bên ngoài. Một lần, ông được phép gửi một tin nhắn cho gia đình qua một bạn tù đồng hương sắp mãn hạn tù. Trước khi ông Hình ra tù hồi tháng 05/2020, một lính canh họ Vũ đã tát ông, sau đó yêu cầu ông đứng trong hành lang suốt một thời gian dài và chỉ cho ông ăn một cái bánh mì hấp trong cả ngày hôm đó.
Cảnh sát Hà Nam cũng đột nhập vào nhà của ông Hình Vọng Lực và lấy đi hơn 30,000 NDT (4,400 USD) tiền mặt, một máy tính để bàn, một máy tính xách tay và hai máy ảnh kỹ thuật số. Tuy nhiên, tất cả đã không được trả lại sau khi ông ra tù.
Anh Hình Giám tin rằng cha mình không phạm bất cứ tội ác nào dù đã bị kết án đến ba lần. Họ đã gửi đơn khiếu nại để kêu oan nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ các cơ quan chức năng.
Anh Hình Giám đã nói rằng các quan chức ở Hà Nam đều hủ bại và bao che cho nhau. Họ sử dụng các đám du côn để trấn áp dân oan và những người bất đồng chính kiến, đồng thời cấu kết với tội phạm để thu lợi bất chính.
Các khẩu hiệu của chính quyền như “đấu tranh chống tội phạm và loại bỏ cái ác” đều là giả mạo, anh Hình Giám nói. Hầu hết tội phạm thực sự vẫn còn ngoài vòng pháp luật–chính chính quyền Trung Cộng, cơ quan công tố và cơ quan thực thi pháp luật của đảng này–mới là băng nhóm tội phạm lớn nhất.
Alex Wu
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: