Bắt giữ sinh viên biểu tình chống lại Tổng thống Belarus
Các nhà chức trách ở Belarus đã bắt giữ rất nhiều người biểu tình hôm 1/9 khi sinh viên đại học xuống đường ở thủ đô Minsk vào ngày khai giảng để yêu cầu Tổng thống độc tài Alexander Lukashenko từ chức sau một cuộc bầu cử mà phe đối lập cáo buộc là gian lận.
Hàng trăm sinh viên đã tập trung bên ngoài các trường đại học trên khắp thủ đô Minsk và tuần hành qua trung tâm thành phố tới Bộ Giáo dục, tiếp tục tuần thứ tư liên tiếp của các cuộc biểu tình rầm rộ sau bầu cử.
Ông Lukashenko, người đã điều hành đất nước 9,5 triệu dân thuộc Liên Xô cũ với nắm đấm sắt trong 26 năm, đã coi những người biểu tình là những “con rối” của phương Tây. Những người biểu tình yêu cầu ông này “Từ chức!” và cầm các biểu ngữ đòi tự do cho các tù nhân chính trị.
Cảnh sát đã tiến tới giải tán đám đông và bắt giữ một số người biểu tình. Truyền thông Belarus đưa tin hàng chục sinh viên đã bị giam giữ. Cảnh sát Minsk xác nhận có những người bị giam giữ, nhưng không cho biết có bao nhiêu người.
Theo Trung tâm Nhân quyền Viasna, một số giáo sư đại học cũng bị giam giữ và cảnh sát chống bạo động đã đánh đập nhiều sinh viên bị giam giữ. Ông Valentin Stefanovich, một nhà hoạt động nhân quyền của trung tâm, gọi những vụ đánh đập là “phản ứng không đúng mực của chính quyền đối với một cuộc biểu tình ôn hòa”.
Ông Stefanovich nói với hãng thông tấn The Associated Press (AP) rằng, “Sinh viên và các trường đại học nói chung là nhóm có khả năng phản ứng cao. Các nhà chức trách thực sự sợ hãi về các cuộc đình công bắt đầu từ trường đại học và đang thực hiện các hành vi đe dọa biểu tình.”
Sau khi cuộc đàn áp dữ dội đối với những người biểu tình hậu bầu cử ngày 9/8 làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế, chính phủ Belarus đã tránh bạo lực quy mô lớn và tìm cách kết thúc các cuộc biểu tình bằng những lời đe dọa và tống giam có chọn lọc các nhà hoạt động.
Một số nhà tổ chức các cuộc đình công tại các nhà máy công nghiệp hàng đầu đã bị bắt giữ. Vào ngày 1/9, mọi người bắt đầu tụ tập gần một số nhà máy lớn để hỗ trợ các công nhân đình công.
Các công tố viên đã mở một cuộc điều tra tội phạm đối với Hội đồng Điều phối của phe đối lập, vốn được thành lập sau cuộc bầu cử để cố gắng thương lượng về việc chuyển giao quyền lực. Các công tố viên đã cáo buộc các thành viên của Hội Đồng Điều phối phá hoại an ninh quốc gia.
Tuần trước, các tòa án đã tuyên án tù 10 ngày đối với hai thành viên hội đồng và triệu tập một số người khác để thẩm vấn, trong đó có bà Svetlana Alexievich, người đoạt giải Nobel văn học năm 2015. Một thành viên hội đồng khác, bà Lilia Vlasova, đã bị bắt giam hôm 31/8.
Cũng trong ngày 31/8, các nhà chức trách đã từ chối nhập cảnh đối với Tổng giám mục Công giáo La Mã của Minsk và Mohilev, người từ Ba Lan trở về Belarus. Tổng giám mục Tadeusz Kondrusiewicz đã chỉ trích mạnh mẽ cảnh sát Belarus vào tuần trước.
Hôm 1/9, ông Lukashenko cáo buộc Tổng giám mục Konrdusiewicz “đào sâu vào chính trị và lôi kéo các tín đồ, người Công giáo” vào cuộc phản đối và “nhận lệnh từ Ba Lan”.
Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu cũng đã chỉ trích cuộc bầu cử ngày 9/8, vốn mang lại cho tổng thống Lukashenko nhiệm kỳ thứ sáu, là không tự do cũng không công bằng, đồng thời thúc giục các nhà chức trách Belarus bắt đầu đối thoại với phe đối lập.
Tuy nhiên, tổng thống phản đối ý tưởng này và cáo buộc phe đối lập muốn tiến hành “một cuộc thảm sát” đối với các đồng minh của ông ta nếu họ lên nắm quyền ở Belarus.
“Nó sẽ không phải là một cuộc thanh trừng, như một số người nói. Đó sẽ là một cuộc thảm sát”, ông tuyên bố hôm 1/9.
Cuộc đàn áp ngay sau bầu cử đã khiến gần 7,000 người bị giam giữ, hàng trăm người bị thương bởi đạn cao su của cảnh sát, lựu đạn gây choáng và đánh đập bạo lực, và có ít nhất ba người biểu tình đã thiệt mạng. Sau đó, cảnh sát đã ngừng can thiệp vào các cuộc biểu tình. Tuy nhiên vào tuần trước, họ lại gia tăng áp lực và bắt đầu tấn công các cuộc biểu tình.
Chính phủ cũng đàn áp các phương tiện truyền thông, trục xuất một số nhà báo nước ngoài và thu hồi thẻ nhà báo của nhiều nhà báo Belarus. Hai nhà báo của Associated Press có trụ sở tại Moscow đang đưa tin về các cuộc biểu tình đã bị trục xuất về Nga hôm 29/8. Ngoài ra, các nhà báo Belarus của AP đã được chính phủ cho biết rằng thẻ nhà báo của họ đã bị thu hồi.
Hiệp hội báo chí Belarus cho biết 17 nhà báo Belarus làm việc cho một số phương tiện truyền thông khác cũng bị tước thẻ, bao gồm đài truyền hình ARD của Đức, BBC, Reuters và Agence France-Presse; Đài Châu Âu Tự do và Đài Tự do của Mỹ cũng cho biết 5 trong số các nhà báo của họ cũng bị tước thẻ.
Các quan chức Hoa Kỳ và Châu Âu đã lên án mạnh mẽ cuộc đàn áp truyền thông.
Việc giam giữ hàng trăm người biểu tình không ngăn được phe đối lập tổ chức một cuộc biểu tình lớn khác vào hôm 30/8. Ước tính có khoảng 100,000 người trên đường phố thủ đô Minsk trong bối cảnh cảnh sát hiện diện đông đúc.
Tác giả: Yuras Karmanau