Bất cứ điều gì quý vị có thể làm: G7 đối đầu Trung Quốc bằng kế hoạch cơ sở hạ tầng lớn
Hôm 12/06, nhóm Bảy nền dân chủ giàu có nhất đã tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng cách cung cấp cho các quốc gia đang phát triển một kế hoạch cơ sở hạ tầng có thể cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng ngàn tỷ dollar của lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình.
Các nhà lãnh đạo G7 đang họp ở vùng tây nam nước Anh, và đã tìm kiếm một câu trả lời đồng thuận cho sự hiếu chiến ngày càng tăng của ông Tập sau khi Trung Quốc đạt được sự tăng trưởng kinh tế và quân sự trong vòng 40 năm qua.
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác hy vọng kế hoạch của họ, được gọi là sáng kiến Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (Build Back Better World Initiative, B3W), sẽ cung cấp một mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch giúp đáp ứng nhu cầu 40 ngàn tỷ USD của các quốc gia đang phát triển vào năm 2035.
Một quan chức cao cấp trong chính phủ của ông Biden cho biết, “Đây không chỉ là đối đầu hoặc cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đưa ra một giải pháp thay thế tích cực nào phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức kinh doanh của chúng tôi.”
Tòa Bạch Ốc cho biết thêm rằng G7 và các đồng minh sẽ sử dụng sáng kiến này để huy động vốn của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số cũng như công bằng và bình đẳng giới. Đến nay chưa rõ ngay kế hoạch này sẽ hoạt động như thế nào hoặc cuối cùng nó sẽ phân bổ bao nhiêu vốn.
Kế hoạch Sáng kiến Vành đai và Con đường ( BRI ) của Trung Quốc mà ông Tập đưa ra vào năm 2013 liên quan đến các sáng kiến phát triển và đầu tư sẽ trải dài từ Á Châu sang Âu Châu và hơn thế nữa.
Hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác.
Những người chỉ trích cho rằng kế hoạch của ông Tập nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cổ đại để kết nối Trung Quốc với Á Châu, Âu Châu và xa hơn nữa là phương tiện cho sự bành trướng của Trung Cộng. Bắc Kinh nói rằng những nghi ngờ như vậy sẽ phản bội “sự say mê đế quốc” của nhiều cường quốc phương Tây đã khiến Trung Quốc bẽ mặt trong nhiều thế kỷ.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo của G7 — Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản — muốn sử dụng cuộc tụ họp của họ tại khu nghỉ mát bên bờ biển Carbis Bay để thế giới thấy rằng các nền dân chủ giàu có nhất có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc .
Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc được coi là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong thời gian gần đây, cùng với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Năm 1979, Trung Quốc có nền kinh tế nhỏ hơn Ý, nhưng sau khi mở cửa cho đầu tư ngoại quốc và thực hiện cải tổ thị trường, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và dẫn đầu toàn cầu về một loạt các công nghệ mới.
Quan chức Hoa Kỳ cho biết tính đến nay, phương Tây đã không đưa ra được giải pháp thay thế tích cực cho “sự thiếu minh bạch, tiêu chuẩn lao động và môi trường kém, và cách tiếp cận mang tính cưỡng chế” của nhà cầm quyền Trung Cộng mà đã khiến cho nhiều nước bị thiệt hại.
Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, tính đến giữa năm ngoái (2020), hơn 2,600 dự án với chi phí 3.7 ngàn tỷ USD được liên kết với BRI, mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho biết vào tháng Sáu năm ngoái rằng khoảng 20% dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.
Tòa Bạch Ốc cho biết, là một phần của kế hoạch G7, Hoa Kỳ sẽ làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để bổ sung nguồn tài chính phát triển hiện có và để “xúc tác chung cho hàng trăm tỷ dollar đầu tư cơ sở hạ tầng.”.
Chỉ trích về các trại tập trung
Một quan chức Hoa Kỳ cho biết Tổng thống Biden đã đưa ra “những bình luận hùng hồn” với các nhà lãnh đạo G7 về sự cần thiết phải đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về Hoa Thịnh Đốn và việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, nhưng có một “phạm vi hạn chế về việc các nước khác nhau sẵn sàng đi xa tới mức nào” trong lời chỉ trích của họ trong thông cáo cuối cùng từ hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày này.
Các quan chức cho biết Hoa Kỳ đã thúc đẩy ngôn ngữ cụ thể trong thông cáo về lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các nhóm nhân quyền ước tính có hơn một triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong những năm gần đây trong một hệ thống rộng lớn các trại tập trung ở Tân Cương.
Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc về cưỡng bức lao động hoặc tình trạng lạm dụng [nhân quyền]. Ban đầu, họ phủ nhận các trại này tồn tại, nhưng sau đó cho biết chúng là các trung tâm dạy nghề và được thiết kế để chống lại chủ nghĩa cực đoan. Vào cuối năm 2019, Trung Quốc cho biết tất cả những người trong các trại này đều đã “tốt nghiệp.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.
Do Steve Holland và Guy Faulconbridge của Reuters thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: