Bảo vệ Hiến Pháp: ‘Thỏa hiệp Ba-Phần-Năm’ không dựa trên phân biệt chủng tộc
Đây là bài viết thứ hai trong loạt các bài tiểu luận đáp trả các cáo buộc phỉ báng chống lại Hiến Pháp Hoa Kỳ. Bài đầu tiên trong loạt bài này đề cập đến cáo buộc rằng Hiến Pháp phân biệt đối xử với phụ nữ. Trên thực tế, như bài tiểu luận đó đã cho thấy, những nhà sáng lập [Hiến Pháp] đã rất nỗ lực để bảo đảm văn kiện này là trung lập về chủ đề giới tính.
Xem lại Phần 1: Kiến thức công dân sơ đẳng: Hiểu Hiến Pháp như thế nào?
Một cáo buộc sai lầm khác là Hiến Pháp đã bắt nguồn và tiếp tục phản ánh “phân biệt chủng tộc có hệ thống.” Các nhà phê bình chỉ ra Điều I, Mục 2, Khoản 3—“thỏa hiệp ba-phần-năm” được giải thích bên dưới—mặc dù điều khoản đó đã được sửa đổi trong văn kiện này hơn 150 năm trước.
Bằng cách minh họa, một câu chuyện trên trang bìa tạp chí Time năm 2011 khẳng định, “Những nhà sáng lập … đã cho chúng ta ý tưởng rằng một người da đen bằng ba-phần-năm của một con người.” Năm ngoái (2020), Time đã tăng nhấn mạnh hơn ở cột bình luận, nói rằng “Hiến Pháp xác định người Mỹ gốc Phi Châu chỉ là ba-phần-năm của một con người.” Tương tự, một đoạn của tạp chí Teen Vogue đã thông tin sai cho độc giả trẻ bằng những từ sau:
“Quyền thượng đẳng của người da trắng là có tính hệ thống. Nó phát triển mạnh trong lĩnh vực chính trị với các hệ thống … như cử tri đoàn, một quy trình ban đầu được thiết kế để bảo vệ sự ảnh hưởng của các chủ nô da trắng, ngày nay vẫn được sử dụng để xác định trong các cuộc bầu cử tổng thống [bởi vì] … người da đen bị nô lệ … đã được tuyên bố bằng ba phần năm của một con người để khẳng định quyền lực của những người đàn ông da trắng, những người đã giữ họ trong giam cầm.”
Trên Internet có rất nhiều thứ như vậy.
Sự thật là văn bản Hiến Pháp không phân biệt chủng tộc. Những nhà sáng lập [Hiến Pháp] đã sử dụng cùng một từ—“người” (“person”)—để chỉ con người thuộc mọi chủng tộc. Họ từ chối các tiêu chuẩn chủng tộc để bầu cử và nắm giữ chức vụ chính quyền, điều đã làm vô hiệu hiến pháp của một số tiểu bang. Cho mọi mục đích, họ đối xử với những người da đỏ đóng thuế và một số lượng đáng kể người Mỹ gốc Phi Châu tự do giống hệt như cách họ đối xử với người da trắng.
Vậy thỏa hiệp ba-phần-năm là gì? Và cơ sở của cáo buộc thỏa hiệp này phân biệt chủng tộc là gì?
Thỏa hiệp ba-phần-năm giải quyết hai vấn đề: (1) số lượng dân biểu trong phái đoàn của mỗi tiểu bang tại Hạ viện và (2) thuế trực thu của liên bang đóng góp từ mỗi tiểu bang. Thuế trực thu là loại thuế đánh vào từng cá nhân (“thuế thân”) và trên nhiều loại mặt hàng, chẳng hạn như tài sản, thu nhập, của cải, và nghề nghiệp. Thuế trực thu được phân biệt với “thuế gián thu” hoặc “thuế quan” (“duties”), chủ yếu là đánh vào tiêu dùng và vận chuyển hàng hóa qua các ranh giới chính trị.
Hiến Pháp quy định rằng mỗi tiểu bang sẽ có ít nhất một dân biểu trong Hạ viện. Thỏa hiệp ba-phần-năm thêm rằng cả các dân biểu bổ sung và thuế trực thu sẽ được phân chia giữa các tiểu bang theo dân số của họ. Nhưng chỉ vì những mục đích này, dân số của mỗi tiểu bang sẽ được giảm bớt (1) do loại trừ “Người da đỏ không bị đánh thuế” và (2) xác định rằng mỗi một nô lệ là ba-phần-năm của một người tự do.
Nếu quý vị cho rằng việc đếm số người là cơ sở thích hợp cho sự đại diện tại quốc hội, thì thật dễ dàng để thấy rằng người ta có thể hiểu sai như thế nào về việc cắt giảm cho người nô lệ và loại trừ những người da đỏ không đóng thuế là biểu hiện của sự phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, nhiều người, có lẽ là hầu hết, những nhà sáng lập Hiến Pháp không nghĩ rằng việc đếm số người là cơ sở thích hợp cho việc xác định đại diện. Họ tin rằng [việc xác định] đại diện nên tuân theo khả năng đóng góp doanh thu thuế liên bang. Quan điểm này được kế thừa từ lịch sử Anh Quốc và được phản ánh trong khẩu hiệu Chiến tranh Cách mạng, “Không đóng thuế nếu không có đại diện!”
Nhưng khi những nhà sáng lập Hiến Pháp cố gắng tìm ra một công thức để tính toán khả năng đóng góp thuế của mỗi tiểu bang, họ đã gặp khó khăn trong thực tế. Sau khi bác bỏ một số công thức được đề xướng vì không thể thực hiện được, họ thừa nhận rằng, ít nhất về lâu dài, khả năng đóng thuế của một tiểu bang sẽ tương quan với dân số của tiểu bang đó.
Như ông James Wilson ở Pennsylvania đã nói, “Tại những quận lớn như Tiểu bang, số lượng người là thước đo tốt nhất về sự giàu có của họ để so sánh. Cho dù sự giàu có hay những con số được dùng để hình thành nên tỷ lệ thì cũng giống nhau.”
Có hai ngoại lệ đối với quy tắc về khả năng đóng thuế theo dân số. Đầu tiên, một số tiểu bang có một số lượng đáng kể người dân da đỏ được cai trị độc quyền bởi các bộ lạc của họ. Họ không đóng thuế tiểu bang và không đóng thuế liên bang. Thứ hai, những nhà sáng lập Hiến Pháp công nhận rằng, tính trung bình, nô lệ sản xuất được [sản phẩm] thấp hơn nhiều so với những người tự do.
Sự công nhận này không liên quan gì đến chủng tộc. Đó là bởi vì nô lệ—thuộc bất kỳ chủng tộc nào—không thể bán sức lao động và tài năng của họ trên thị trường tự do. Họ bị mắc kẹt trong một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tập trung, giống như chủ nghĩa cộng sản.
Do đó, những nhà sáng lập Hiến Pháp phải tìm cách giảm bớt sự đại diện của một tiểu bang theo tỷ lệ dân số bị giam cầm trong đó.
May mắn thay, Quốc hội Hợp bang đã làm một việc cho họ. Năm 1783, Quốc hội đã nghiên cứu năng suất tương đối của nô lệ và công nhân tự do. Trong đó các yếu tố được xem xét là:
- Những ưu đãi khác nhau của những người nô lệ và người tự do;
- Giá trị sản lượng làm ra tương ứng của họ, những người nô lệ làm ra thấp hơn nhiều vì các biện pháp khuyến khích kém;
- Chi phí ăn và mặc tương ứng cho lao động tự do và nô lệ;
- Độ tuổi mà những người trẻ tuổi tự do và nô lệ bắt đầu làm việc (được chứng minh là trẻ em tự do [bắt đầu làm việc ở độ tuổi] thấp hơn trẻ em nô lệ);
- Khí hậu khác nhau ở các tiểu bang tự do và tiểu bang có chế độ nô lệ;
- Giá trị của xuất nhập cảng ở các tiểu bang tự do và tiểu bang có chế độ nô lệ; và
- Nô lệ bị giới hạn một cách không cân đối làm việc trong ngành nông nghiệp thay vì sản xuất và các hoạt động khác.
Chủng tộc thậm chí còn không có trong danh sách của Quốc hội!
Người ta nhớ đến câu nói của ngài Thomas Jefferson [dẫn chiếu] từ thi hào Hy Lạp Homer: “Chắc chắn rằng bất cứ ngày nào, Biến con người thành nô lệ, sẽ lấy đi một nửa giá trị của người đó.” Như ngài Jefferson đã biết, thi hào Homer đang nói về nô lệ da trắng.
Nói cách khác, thỏa hiệp ba-phần-năm không phải là một tuyên bố về chủng tộc. Đó là một tuyên bố về sự kém hiệu quả kinh tế của chế độ nô lệ.
Các nhà phê bình cho rằng thỏa hiệp ba-phần-năm làm lợi cho các tiểu bang có chế độ nô lệ. Trên thực tế, [biện pháp] trừng phạt họ là giảm đại diện tại quốc hội. Và đây là cách thức hoạt động: Giả sử một tiểu bang có dân số 300,000 người. Giả sử dân số này bao gồm 210,000 người da trắng, 10,000 người da đen tự do, 50,000 nô lệ, 20,000 công dân da đỏ nộp thuế và 10,000 thổ dân da đỏ bộ lạc không nộp thuế. Chỉ những người da đỏ nộp thuế mới được tính, và số lượng nô lệ sẽ giảm xuống để phản ánh năng suất tương đối kém của họ. Do đó, với mục đích phân bổ các dân biểu và thuế trực thu, dân số của tiểu bang sẽ chỉ được ghi nhận là 270,000 người chứ không phải 300,000 người. Tức là: 210,000 + 10,000 + [3/5 x 50,000] + 20,000 + 0 = 270,000.
Đúng là thỏa hiệp cũng đã làm giảm thuế trực thu từ tiểu bang có chế độ nô lệ. Nhưng đó không phải là một thỏa thuận đặc biệt tốt đối với các tiểu bang có chế độ nô lệ, bởi vì ngoại trừ thời chiến, Quốc Hội dự kiến chỉ sử dụng thuế gián thu—một dự đoán đã được chứng minh là đúng trong nhiều năm.
Gần như tất cả những nhà sáng lập Hiến Pháp đều hiểu rằng chế độ nô lệ là xấu xa. Nhưng như tôi sẽ giải thích trong một số bài tiểu luận sau, họ cần phải chấp nhận điều đó với hy vọng rằng có thể giữ được liên bang. Thất bại sẽ dẫn đến một lục địa bị chia cắt và chiến tranh giữa các khu vực kiểu Âu Châu.
Nhưng đừng phóng đại hơn nữa sự nhượng bộ của những nhà sáng lập Hiến Pháp so với sự thực đã được minh chứng: Thỏa hiệp ba-phần-năm không phải là sự công nhận hoặc trợ giúp cho chế độ nô lệ. Điều này dựa trên bằng chứng cho thấy chế độ nô lệ là bất công và kém hiệu quả kinh tế.
Đón xem bài viết thứ ba trong loạt bài về Bảo vệ Hiến Pháp Hoa Kỳ: Tại sao các Nhà Sáng Lập không thể bãi bỏ chế độ nô lệ |
Tác giả Robert G. Natelson, cựu giáo sư luật hiến pháp, là chuyên gia cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Tài liệu hỗ trợ cho bài tiểu luận này có thể được tìm thấy trong tài liệu nghiên cứu của tác giả, “Hiến pháp có nghĩa là gì theo ‘Nhiệm vụ, Quyền hạn và Đặc quyền’ — và Thuế (Trực tiếp hoặc Nếu không),” 66 Case Western Res. L. Rev. 297 (2015). Ông cũng là tác giả của cuốn sách, “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Nó Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa.”
Do Robert G. Natelson thực hiện
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: