Bảo vệ Hiến Pháp: Tại sao Bình đẳng cho Tiểu bang trong Thượng Viện lại có ý nghĩa
Những người theo trường phái chính trị “cấp tiến” đã ra sức tấn công vào Hiến Pháp Hoa Kỳ. Đây là bài thứ tư trong loạt các bài tiểu luận chỉ ra lý do vì sao các cáo buộc của họ là sai.
- Bài viết thứ nhất: Kiến thức công dân sơ đẳng: Hiểu Hiến Pháp như thế nào?
- Bài viết thứ hai: Bảo vệ Hiến Pháp: ‘Thỏa hiệp Ba-Phần-Năm’ không dựa trên phân biệt chủng tộc
- Bài viết thứ ba: Bảo vệ Hiến Pháp: Tại sao các Nhà Sáng Lập không thể bãi bỏ chế độ nô lệ
Bài tiểu luận đầu tiên trả lời cáo buộc rằng Hiến Pháp phân biệt đối xử với phụ nữ. Như bài tiểu luận đó cho thấy, Hiến Pháp không phân biệt giới tính. Bài tiểu luận thứ hai bác bỏ tuyên bố rằng thỏa hiệp ba-phần-năm có động lực phân biệt chủng tộc. Trên thực tế, thỏa hiệp này nảy sinh từ một đánh giá kinh tế tiêu cực về chế độ nô lệ. Bài tiểu luận thứ ba phản hồi cáo buộc về việc Hiến Pháp được thiết kế để bảo vệ chế độ nô lệ. Bài tiểu luận này đáp trả các cuộc tấn công của phe “cấp tiến” vào cách tổ chức của Thượng Viện Hoa Kỳ.
Những nhà phê bình cực đoan, chẳng hạn như tác giả của một bài báo trên tạp chí GQ năm 2018, cho rằng chúng ta nên bãi bỏ hoàn toàn Thượng Viện và thu hẹp Quốc hội thành một cơ quan duy nhất. Nhưng sự nguy hiểm của chế độ nhất viện đã được hiểu quá rộng để có thể lôi kéo được nhiều sự chú ý. Những gì ngài James Madison đã viết vào năm 1788 vẫn đúng cho đến ngày nay: “Lịch sử biện chứng cho chúng ta rằng không có một nền cộng hòa tồn tại lâu dài mà không có thượng viện”. Nghĩa là, nếu không có một cơ quan lập pháp cao cấp để kiểm soát sự biến động và ngăn chặn những sai lầm vội vàng, thì một nước cộng hòa có chủ quyền toàn phần không tồn tại được lâu.
Có một vấn đề khác đối với việc bãi bỏ Thượng Viện. Hiến Pháp giao cho cơ quan đó các nhiệm vụ cụ thể, chẳng hạn như phê chuẩn các cuộc bổ nhiệm của tổng thống, đàn hặc và phê chuẩn các hiệp ước. Nếu Thượng Viện bị bãi bỏ, tất cả các chức năng đó sẽ phải được tái ủy nhiệm. Cuộc tranh cãi chính trị về việc tái ủy nhiệm có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Quan điểm có vẻ thuyết phục bề ngoài rằng chúng ta nên phân bổ [số lượng] các thượng nghị sĩ theo dân số (hoặc theo một công thức tương tự) hơn là chỉ định hai thượng nghị sĩ cho mỗi tiểu bang. Một phiên bản phiến diện của quan điểm này đã xuất hiện trong một bài xã luận của Tạp chí Time năm 2011: “nghĩ rằng … South Dakota nên có cùng số lượng Thượng nghị sĩ như California … thì thật là điên rồ.
Nhưng có phải vậy không?
Hãy bắt đầu với một số thông tin căn bản:
Nền móng văn bản của Hiến Pháp là các nguyên tắc chính trị hướng dẫn việc soạn thảo văn bản. Một trong những nguyên tắc này, được vay mượn từ luật ủy thác (pdf), là tính công bằng. Trong Hiến Pháp, điều này bao gồm (1) công bằng đối với con người và (2) công bằng đối với các tiểu bang. Khi tính công bằng đối với con người và các tiểu bang bị xung đột, các nhà sáng lập đã chọn cái này hay cái kia [công bằng cho con người hay cho tiểu bang] (tùy thuộc vào vấn đề) hoặc họ cân bằng cả hai.
Mục tiêu đằng sau tính công bằng đối với các tiểu bang là đối xử công bằng với tất cả các khu vực, do đó giúp đất nước [đoàn kết] lại với nhau. Việc chúng ta vẫn là một thể thống nhất 230 năm sau là bằng chứng cho thành công của những người sáng lập. Nói một cách rõ ràng, sự cố quan trọng nhất của sự mất đoàn kết — nội chiến — đã xảy ra bởi vì một khu vực không nghĩ rằng họ được đối xử công bằng.
Việc phân bổ số thành viên của Quốc hội là sản phẩm của việc các nhà sáng lập cân bằng giữa tính công bằng đối với con người và công bằng đối với các tiểu bang. Hạ Viện được phân bổ (chủ yếu) theo dân số và Thượng Viện thì được phân bổ theo các tiểu bang.
Giả sử chúng ta từ bỏ sự công bằng đối với các tiểu bang và thay vào đó phân bổ các thượng nghị sĩ theo [quy mô] dân số. Kết quả sẽ như thế nào?
Một điều [sẽ xảy ra là], các liên minh khu vực có thể dễ dàng áp chế các khu vực khác của đất nước. Ví dụ, một liên minh các nhà lập pháp từ các tiểu bang đông dân vùng đông bắc và ven biển Thái Bình Dương có thể làm bất cứ điều gì cho phần còn lại của [đất nước] chúng ta.
Hơn nữa, liên minh thống trị sẽ được thúc đẩy để làm đảo lộn sự cân bằng giữa tiểu bang và liên bang bằng cách tập trung quyền lực vào Quốc hội mà họ kiểm soát.
Một kết quả khác của việc phân bổ [thành viên] cả Hạ Viện và Thượng Viện theo dân số sẽ là làm giảm chất lượng ra quyết định của Quốc hội ngay cả dưới mức thấp như hiện tại.
Các nhà sáng lập đã có kinh nghiệm với hệ thống lưỡng viện, trong đó các cơ quan thượng [viện] và hạ [viện] khác nhau về nhiều mặt — phương thức lựa chọn, nhiệm kỳ, trình độ để được làm việc, các quận được đại diện, v.v. Họ đã học được rằng khi một đề xướng được xem xét từ các quan điểm khác nhau, quý vị sẽ có được kết quả tốt hơn. Như ngài Alexander Hamilton đã viết trong thuyết minh bối cảnh phủ quyết tổng thống (Bài tiểu luận liên bang số 73):
“Càng thường xuyên đưa ra các biện pháp để kiểm tra, thì càng [tạo nên] sự đa dạng của tình huống cho những người thực thi, [như vậy] chắc chắn sẽ càng có ít hơn nguy cơ xảy ra những sai sót do đã cân nhắc kỹ lưỡng, hoặc [có ít hơn] những sai lầm bắt nguồn từ sự lây lan của một số niềm đam mê hoặc sở thích chung.”
Điều đáng nói là các chiến binh cho công bằng xã hội hiện đại đã quá chú trọng vào tuyên ngôn cho “sự đa dạng” không hiểu được điều này.
Các chiến binh cho công bằng xã hội cũng có thể bị xúc phạm bởi việc tôi chỉ ra một cách khác mà Thượng Viện cải thiện việc ra quyết định. Và điều đó là như dưới đây:
Mặc dù các thành phố lớn là nơi khởi nguồn của sự sáng tạo, văn hóa và tiến bộ kỹ thuật, nhưng chúng lại làm một số việc khác kém hơn. Một điều họ làm không tốt là chính phủ vì dân.
Những người trẻ tuổi và tài năng đổ xô đến (hoặc ở lại) các thành phố lớn. Nhưng những kẻ hợm mình, dựa dẫm, vô trách nhiệm và tội phạm cũng vậy. Họ dựa vào sự ẩn danh, học thuyết nguyên tử (atomism), trung tâm của cải và mật độ [dân cư] của cuộc sống đô thị để cho phép họ thực hiện các kế hoạch của mình. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các thành phố lớn có thể nổi tiếng là tham nhũng và khó quản trị, đồng thời mức độ tội phạm và các hỗn loạn xã hội khác của họ nói chung cao hơn những nơi khác.
Ở những nơi ít dân cư hơn, mọi người dường như quen biết nhau hơn. Họ có nhiều khả năng sở hữu nhà riêng và gắn bó với địa phương suốt đời, thường ở gần bạn bè và gia đình suốt đời. Họ có thể không phải là (như theo cách nói của siêu nhân Clark Kent) “Những người đô thành sành điệu”. Bên ngoài một số thị trấn là các trường đại học, họ thường có nhiều đóng góp hơn trong cộng đồng, ý thức trách nhiệm công dân sâu rộng hơn và điềm tĩnh hơn trong các vấn đề công cộng. Họ cũng có nhiều khả năng biết và đánh giá các chính trị gia của họ một cách trực tiếp.
Quý vị hoài nghi về việc này? Chỉ cần so sánh sự quản trị liều lĩnh của những nơi như Thành phố New York và Detroit với sự quản trị điềm tĩnh của các thị trấn và quận nhỏ trên khắp nước Mỹ.
Việc đưa ra quyết định chính trị kém cỏi ở các thành phố lớn có ảnh hưởng đáng kể đến những người trong chúng ta hiện sinh sống ở nơi khác. Các phương tiện truyền thông quốc gia và khu vực có trụ sở tại các thành phố lớn. Thủ đô quốc gia nằm ở một thành phố lớn, và nhiều thủ phủ của tiểu bang cũng vậy. Hầu hết các thành phố lớn đều có giới tinh hoa giàu có muốn mua ảnh hưởng chính trị. Mật độ dân số đô thị làm cho việc tổ chức chính trị trở nên dễ dàng hơn, cũng như sự hiện diện của một tầng lớp lớn, tương đối lười biếng và thường đau khổ vì là tầng lớp dưới. Một người sống ở Boston hoặc Phoenix, có nhiều cơ hội để có ảnh hưởng chính trị hơn hầu hết cư dân của Lewistown, Montana hoặc Rifle, Colorado.
Việc đại diện ngang bằng nhau tại Thượng Viện giúp duy trì liên minh chặt chẽ bằng cách tối đa hóa sự đối xử công bằng đối với tất cả các khu vực và nâng cao chất lượng ra quyết định của quốc gia. Điều này cũng thúc đẩy sự công bằng bằng cách bù đắp, ở một mức độ nào đó, sự mất cân đối chức năng kiểm soát đô thị đối với phần còn lại của chúng ta.
Đón xem bài viết thứ năm trong loạt bài “Bảo vệ Hiến Pháp”: Các Nhà Sáng Lập Hiến Pháp đã không vi phạm sự ủy thác. |
Tác giả Rob Natelson là chuyên gia cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập (Independence Institute), là cựu giáo sư về luật hiến pháp, nhà sử học. Ông là tác giả của cuốn sách “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Văn Kiện Này Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa” (tái bản lần thứ 3 năm 2014)
Minh Khanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: