Bảo tồn lịch sử: Biên niên sử về Thế chiến thứ II qua trải nghiệm của một người cha
Ông Harry Albert Elias nhập ngũ ngay sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Ông chiến đấu tại Chiến trường Âu Châu từ ngày 19/06/1944 đến ngày 05/05/1945, với Tiểu đoàn Pháo binh dã chiến 733 của Sư đoàn Bộ binh 35. Ông giải ngũ trong danh dự vào ngày 22/10/1945 và trở về nhà. Đó là những sự kiện rõ ràng.
Điều không dễ dàng nhìn thấy là những gì đã xảy ra trong những tháng ngày khốc liệt ở chiến trường Âu Châu. Những bức ảnh đen trắng có thể diễn tả được rất nhiều điều. Và người lính chụp những bức ảnh đó có thể tái hiện lịch sử sâu sắc hơn cả vạn lời nói. Ông ấy có thể mang trở lại cả một thế giới xa xăm không còn nữa.
Biên niên sử về chiến tranh
Cô Barbara Moneypenny đã nghe rất nhiều câu chuyện về Thế chiến thứ hai từ cha mình, ông Harry Albert Elias. Hộp ảnh thời chiến của ông nằm đâu đó trong ngôi nhà, phủ đầy bụi và cất giấu những ký ức. Những hộp ảnh và lịch sử truyền miệng chi tiết đó là tất cả những gì gia đình cô có. Khi cha cô sắp sinh nhật lần thứ 76 và phải vật lộn với căn bệnh Parkinson, cô biết rằng chỉ còn rất ít thời gian để lưu giữ lại câu chuyện của ông. Đến Ngày của Cha năm 1996, cô quyết định sẽ ghi lại toàn bộ quãng thời gian lịch sử đó.
“Chúng tôi đã ngồi nhiều ngày liên tục chỉ để phân loại các bức ảnh và trò chuyện,” cô chia sẻ. “Ông có một chiếc hộp lớn chứa đầy những bức ảnh mà ông chụp trong Thế chiến thứ hai. Ông có một chiếc máy ảnh Brownie nhỏ bên mình. Đi đến đâu ông cũng chụp ảnh. Ông sẽ đánh máy hoặc viết chú thích chuyện đã xảy ra lên mặt sau những bức hình. Tôi hiểu được rất nhiều điều về cha tôi – những gì ông ấy đã trải qua và nó khủng khiếp như thế nào.”
Cô Sharon Crosby, con gái lớn của ông Harry, người ban đầu đã liên hệ với tôi, nói rằng những gì em gái cô ấy làm rất quan trọng bởi vì cha của họ trước đó không chia sẻ nhiều về chiến tranh.
“Khi còn nhỏ, chúng tôi hầu như không được nghe kể điều gì,” cô nói. “Khi lớn hơn, chúng tôi mới bắt đầu được nghe những mẩu chuyện nhỏ. Ông luôn kể chuyện. Ông ấy kể cho chúng tôi nghe về doanh trại, thức ăn, hành quân, bùn lầy và mưa gió, và rất nhiều sự việc nghiêm trọng hơn mà chúng tôi biết được thông qua các bức hình và chú thích đằng sau.”
Sau khi dành nhiều thời gian cùng cha mình, cô Barbara đã viết một cuốn biên niên sử về khoảng thời gian ông trải qua trong chiến tranh. Đó là một tác phẩm chi tiết bao gồm hình ảnh, bản đồ, chú thích cá nhân, giấy xuất viện của ông, thiệp Giáng Sinh được gửi từ chiến trường, và cuộc hành quân thất bại của tiểu đoàn trong cuộc giao tranh.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều liên quan đến chiến tranh. Một số câu chuyện liên quan đến những gì có thể xảy ra nếu không có chiến tranh. Ông Harry từng là một cầu thủ bóng chày và đã tham gia giải đấu nông trại cho đội bóng Cleveland Indians trước khi chiến tranh bắt đầu. Chú thích ở mặt sau bức ảnh chụp ông trong bộ đồng phục bóng chày có nội dung: “Những ngày xưa đẹp đẽ của tôi! Tôi tự hỏi mình sẽ tiến xa đến đâu nếu chiến tranh không nổ ra.”
Ngoài ra còn có những bức ảnh về những gì ông Harry đã làm dù đang có chiến tranh. Có một bức ảnh của ông và bà Lorraine với chú thích hài hước: “Người vợ yêu thích của tôi!!!”
Ông Harry kết hôn với bà Lorraine Stickles vào Ngày lễ Thánh Patrick năm 1942, chỉ hơn một tháng sau khi ông ghi danh nhập ngũ. Họ quyết định kết hôn gấp vào ngày đó để có thêm một chút thời gian bên nhau. Cô Barbara và Sharon nói đùa rằng khoảng thời gian đó chỉ như một tuần trăng mật ở Youngstown, Ohio. Ông Harry và bà Lorraine đã có tuần trăng mật chính thức tại San Francisco khi ông trở về sau chiến tranh, khoảng 3 năm rưỡi sau khi họ kết hôn.
Những góc khuất của câu chuyện
Ông Harry đã chiến đấu trong tám quân đoàn khác nhau, thuộc ba Quân lực khác nhau: Quân đoàn 1, Quân đoàn 7, Quân đoàn 9 và đôi khi đi cùng Quân đoàn 3. Ông đã chứng kiến trận chiến ở Pháp, Bỉ và Đức. Ông đã chiến đấu trong Trận Ardennes nổi tiếng – nỗ lực cuối cùng của quân Đức nhằm đuổi quân Đồng minh ra khỏi nước Đức.
Tuy nhiên, có hai khoảnh khắc ám ảnh ông nhất.
Ông thuộc Quân đoàn 9 đã giải phóng Gardelegen, một thành phố cách Berlin 75 dặm về phía tây. Đó là khoảnh khắc ông chưa bao giờ kể chi tiết cho đến khi ngồi xuống với con gái mình.
“Khi tôi viết cuốn sách với cha, ông ấy đã chia sẻ sâu hơn một chút về những gì ông chứng kiến,” cô Barbara nói. “Ông đang nói về cuộc hành quân tới trại đó. Ông kể với tôi về sự kinh hoàng khi tìm thấy những thi thể dọc đường. Tôi thậm chí không muốn kể chi tiết vì một số trong đó khá ghê rợn. Nó như là chuyện hoang đường.”
Cuốn sách có những bức ảnh về khu vực có từ 700 đến 1,200 tù nhân chính trị Pháp, Do Thái, Ba Lan và Liên Xô bị sát hại. Sự tàn ác lên đến đỉnh điểm khi lính Đức dồn khoảng 200 tù nhân vào một kho thóc và sau đó phóng hỏa. Nhiều tù nhân, vì quá kinh hãi và cố gắng thoát khỏi ngọn lửa, đã cố gắng đào đường thoát ra dưới kho. Một bức ảnh trong sách có chú thích “Đó là đầu của một người đàn ông dưới cánh cửa.”
Hậu quả của cuộc hành quân và vụ thảm sát đã làm ông Harry chấn động đến tận tâm can, nhưng càng làm cho ông hiểu rõ hơn về những kẻ đã gây ra sự tàn bạo này.
“Một nhóm người hành quân qua những nạn nhân này, có người còn rất trẻ tuổi,” cô Barbara giải thích. “Ông ấy không thể tưởng tượng được một người trẻ lại làm được điều đó. Tất cả những người đàn ông khắp mọi nơi đang chiến đấu cho nước Đức, còn ở đây, họ là những thanh thiếu niên. Họ dồn người vào một cái kho rồi phóng hỏa. Họ còn bắn người nào từ bên dưới kho thóc cố gắng bò lên.”
Cô nói thêm rằng cha cô chụp những bức ảnh này vì ông muốn mọi người hiểu sự kinh hoàng qua lời tường thuật của ông.
Một số sự việc đó thực sự có thể được kiểm chứng tận mắt trong Bảo tàng Holocaust ở Hoa Thịnh Đốn. Vài năm trước, cô Sharon đã đọc một bài báo trên Tạp chí Phố Wall về Gardelegen. Cô liên hệ với tác giả của bài báo, người này giới thiệu cô đến Bảo tàng Holocaust. Sáu trong số các bức ảnh của ông Harry đã được trưng bày tại bảo tàng, trong đó có một bức đã giải đáp được một bí ẩn nhỏ.
Cô Sharon nói: “Một trong những bức ảnh là một chiếc xe cứu thương của Hội Chữ thập đỏ, và người phụ nữ mà tôi làm việc cùng, khi nhìn thấy những bức ảnh, chỉ dừng lại và nói, ‘Chúng tôi đã nghe những câu chuyện rằng Hội Chữ thập đỏ ở đó, nhưng đây là bức ảnh minh chứng duy nhất’. Nó giống như định mệnh đã an bài cha tôi chụp bức ảnh đó. Tôi biết cha tôi sẽ vô cùng vinh dự khi biết rằng những bức ảnh của ông hiện diện ở một nơi có thể thực sự bảo tồn giai đoạn lịch sử quan trọng và chấn động này.”
Khoảnh khắc thứ hai xảy ra bên ngoài Berlin, nơi quân đội Hoa Kỳ được lệnh dừng quân ở sông Elbe. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thực hiện các thỏa thuận “chính trị” với chính phủ Liên Xô để cho phép Liên Xô vào Berlin trước. Một số ý kiến cho rằng Thống tướng Dwight D. Eisenhower đã sắp xếp như vậy. Nhưng hơn hai tuần trước khi Berlin bị chiếm, ông Roosevelt qua đời, dẫn đến việc ông Harry S.Truman trở thành tổng thống. Có vẻ như không có thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra để cho phép Liên Xô chiếm Berlin trước, mặc dù thực sự thì Liên Xô đã làm như vậy.
Khi hỏi ý kiến của Tướng Omar Bradley về tình hình, ông Bradley đã viết cho thống tướng Eisenhower rằng nếu Mỹ cố gắng tiếp cận Berlin trước có thể sẽ có 100,000 thương vong, điều ông coi là “một cái giá khá đắt để trả cho một mục tiêu quá cao. Đặc biệt là khi chúng ta có thể lùi lại và để những người khác [Liên Xô] tiếp quản.”
Bất kể nguyên do là gì — vì lý do quân sự hay chính trị — ông Harry, cũng như nhiều binh sĩ và dân thường — người Mỹ và những người khác — đều sôi sục về việc đình chiến.
Cô Barbara nói: “Ông đình chiến trong hai tuần và họ biết rằng đáng lẽ họ đã có thể vào và bắt được Hitler. Ông nói những gì người Nga đã làm với người Đức ở Berlin khiến ông phát ốm. Sự tàn bạo đã diễn ra ở đó. Tôi không biết họ cách Berlin bao xa. Tôi không biết liệu ông ấy có thể nghe thấy hay nhìn thấy bất cứ điều gì không. Họ đã thực sự rất gần. Cho đến ngày từ giã cõi đời, ông vẫn còn giận sôi người vì điều đó. Ông đã đi khắp Âu Châu và mục tiêu thì ngay ở trước mắt rồi.”
“Và cha trân quý từng sinh mạng,” cô Sharon nói thêm. “Nếu họ vào Berlin, sẽ có ít người phải bỏ mạng hơn.”
Những tia sáng giữa thời kỳ hỗn loạn
Ông Harry có những bức ảnh chụp một buổi lễ trao huy chương. Trong bức ảnh, đơn vị của ông là tâm điểm chú ý, nhưng ghi chú của bức ảnh đề cập tới một thứ mà ông coi là quan trọng hơn nhiều. “Ngay phía sau những tòa nhà này là một bệnh viện lớn với một cây thánh giá to trên mái. Nó không hề bị một vết xước trong suốt các vụ đánh bom.”
Ông nhấn mạnh rằng cả hai bên đều cố gắng tránh các tòa nhà đang được sử dụng làm bệnh viện. Họ xác định chúng nhờ cây thánh giá được đặt trên đỉnh.
Sau đó, trong cuộc trò chuyện, cô Barbara và Sharon kể lại rằng cha của họ là một người “nghiện sô-cô-la”. Mẹ của họ luôn giấu sô-cô-la đi, nhưng dường như cố tình giấu nó ở nơi ông Harry có thể tìm thấy. Chính niềm yêu thích sô-cô-la đã dẫn ông đến một số ký ức khó quên về chiến tranh.
“Một điều mà ông nhắc rất nhiều là tặng sô-cô-la cho bọn trẻ,” cô Barbara chia sẻ. “Điều đó đã mang lại niềm vui cho ông hơn bất cứ điều gì khác. Đó là một trong những niềm vui và hạnh phúc giản dị mà ông tìm thấy khi ở đó. Tôi nghĩ dù không nhiều nhưng mọi người cảm ơn ông vì những thứ như vậy, chỉ cần cho đi bất cứ điều gì mình có thể để giúp đỡ mọi người.”
Cùng với tình yêu sô-cô-la là tình yêu với những chú chó. Ông và những người lính đã tìm thấy một con chó hoang, sau đó nó đã trở thành bạn đồng hành của ông và mang lại cho ông cảm giác yên bình trong thời gian ở Âu Châu. Họ đặt tên cho chú chó này là Herman, nhưng hay gọi nó là Hermie.
Cô Barbara chia sẻ: “Chú chó đã đi cùng những người lính đến mọi nơi. Họ đã cho nó ăn và chăm sóc nó. Điều đáng buồn là khi họ về nhà, họ không được phép mang theo nó. Trước khi về nhà, họ đã thực sự cố gắng đi tìm một gia đình cho chú chó. Nó đã là bạn của họ.”
Cô Sharon nói thêm rằng điều đã giúp cha họ trong suốt cuộc chiến, và cả sau đó khi đối diện với những ký ức, chính là đức tin của ông.
“Ông có niềm tin chân thành và sâu sắc vào Chúa Giê-su và ông không bao giờ dao động trong suốt cuộc đời. Những người tiếp xúc với cha tôi đều thấy điều đó. Tôi nghĩ ông có lẽ là một người xoa dịu giỏi như khi ông làm bất cứ điều gì khác. Đó là cách mà một người Cha luôn làm. Ông thức dậy lúc 4 giờ sáng mỗi ngày để có thời gian yên tĩnh đọc Kinh Thánh trước khi lũ trẻ chúng tôi ồn ào thức dậy. Tôi nghĩ đó là điều giúp ông luôn điềm đạm và vững vàng.”
Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn
Ông Harry Albert Elias qua đời vào năm 2005, 9 năm sau khi cô Barbara ghi lại câu chuyện của ông. Trong số 16 triệu người Mỹ đã phục vụ trong Thế chiến II, khoảng 325,000 người vẫn còn sống. Chẳng bao lâu nữa sẽ không còn lại ai của Thế hệ vĩ đại nhất đó. Thêm lý do tại sao việc gìn giữ những câu chuyện lại quan trọng đến vậy.
“Đó là điều vô cùng quan trọng,” cô Sharon nhấn mạnh. “Không chỉ cho gia đình. Chúng ta sẽ đánh mất lịch sử khi những người đàn ông này ra đi và thật đáng buồn, chúng ta chứng kiến nó bị xuyên tạc. Càng ngày chúng ta càng nghe nhiều hơn: ‘Làm gì có thảm sát ghê vậy. Bạn mất trí rồi.’ Nếu chúng ta không truyền lại điều đó cho thế hệ tiếp theo và bảo đảm chúng hiểu rằng điều này thực sự đã xảy ra và đó không phải là một trận chiến đơn lẻ; nếu chúng ta không bảo vệ tất cả những điều tuyệt vời mà chúng ta có trên đất nước này, nó sẽ xảy ra một lần nữa. Đó là điều quan trọng hàng đầu.”
Dustin Bass là người dẫn chương trình podcast The Sons of History và là người sáng lập ra kênh YouTube Thinking It Through. Ông cũng là một tác giả.
Do Dustin Bass thực hiện
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: