Báo cáo về việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh mềm ở Ấn Độ – một ‘lời cảnh tỉnh’
Theo báo cáo của một tổ chức tư vấn Ấn Độ, Trung Quốc đã xoay xở để có được sự ảnh hưởng toàn diện ở Ấn Độ, bao gồm cả trong ngành công nghiệp điện ảnh, các trường đại học, truyền thông, và ngành công nghệ của quốc gia Nam Á này.
Trong những năm sau Đệ nhị Thế Chiến, Trung Cộng đã sử dụng các ký giả và thành viên của các tổ chức khác, đặc biệt là những người có khuynh hướng theo chủ nghĩa Marx, để tăng cường ảnh hưởng của Trung Cộng ở Ấn Độ, báo cáo của Liên minh Pháp luật và Xã hội (LSA) công bố hôm Thứ sáu (03/09), cho hay.
Bản báo cáo 76 trang cung cấp chi tiết về cách Bắc Kinh đã sử dụng sức mạnh mềm để bắt đầu gây ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội dân sự Ấn Độ, học thuật, chính trị, và một số ngành như truyền thông, giải trí, cũng như lĩnh vực công nghệ.
Phần tóm tắt của báo cáo có viết, “Trung Quốc, là một đối thủ giỏi thao túng, đã nhắm mục tiêu một cách hiệu quả vào những bộ óc ấn tượng sáng suốt, giới trẻ hiểu biết về công nghệ, những người có sức ảnh hưởng và giới trí thức hiện tại ở Ấn Độ, và có liên quan đến tương lai của Ấn Độ một cách toàn diện. Điều này cần phải được lưu tâm chú ý cùng với những ràng buộc về mặt kinh tế và chiến lược kèm theo.”
Ví dụ về các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh nhằm vào giới trẻ am hiểu công nghệ bao gồm việc sử dụng các ứng dụng tổng hợp tin tức như Dailyhunt và NewsDog. Quân đội Ấn Độ cuối cùng đã cấm binh sĩ của mình sử dụng Dailyhunt vì nghi ngờ sử dụng sai dữ liệu ứng dụng trong khi NewsDog là một trong 59 ứng dụng di động bị chính phủ Ấn Độ cấm vào tháng 06/2020, vì ứng dụng này được coi là một mối đe dọa an ninh.
Chủ tịch LSA N. C. Bipindra nói với The Epoch Times trong một email rằng sự trái ngược giữa một bên là các hãng thông tấn Ấn Độ với lối tường thuật ủng hộ Trung Quốc và một bên là ý kiến của dư luận ở Ấn Độ chống lại Trung Quốc đã thúc đẩy các thành viên LSA cùng nhau làm việc để cho ra bản báo cáo này.
Người dân Ấn Độ ngày càng trở nên thù địch với Trung Quốc kể từ tháng 05/2020, khi xung đột biên giới Trung-Ấn nối lại sau nhiều thập niên đình chiến. Một cuộc khảo sát tháng 06/2020 cho thấy 97% người dân Ấn Độ sẽ không mua hàng hóa Trung Quốc. Một cuộc khảo sát “tâm trạng của quốc gia” (Mood of the Nation) vào tháng 08/2020 cho thấy 64% người dân Ấn Độ không tin tưởng Trung Quốc.
Ông Bipindra nói rằng LSA muốn báo cáo này sẽ là “một lời cảnh tỉnh cho người dân Ấn Độ.”
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) không bao giờ có thể là bằng hữu của các quốc gia dân chủ và sẽ thực hiện mọi hành động công khai lẫn bí mật để đe dọa đến an ninh quốc gia của những quốc gia mà nhà cầm quyền này coi là mối đe dọa đối với sự trỗi dậy của mình,” ông Bipindra cũng là một chuyên viên phân tích và biên tập viên các vấn đề chiến lược và phòng vệ tại cổng thông tin Defence Capital.
Báo cáo này cũng bao gồm các chi tiết về ảnh hưởng của Trung Cộng trong hệ thống chính trị của Ấn Độ, nơi Đảng Cộng sản Ấn Độ-Marxist (CPI-M) – một đảng nhận tài trợ của Trung Cộng – đã “chất vấn mạnh mẽ” các chính sách ngoại giao của chính phủ Ấn Độ đối với Trung Quốc và buộc tội New Delhi vì quy phục trước Hoa Kỳ.
Báo cáo cho biết Đảng Cộng sản Ấn Độ-Marxist cũng bảo vệ Trung Cộng khỏi phải đối mặt với trách nhiệm giải trình đối với virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới.
Tại sự kiện ra mắt báo cáo, ông Ilshat Kokbore, Giám đốc của Ban các vấn đề Trung Quốc của Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới ở New York, cho biết một số người dân Ấn Độ không tin rằng Trung Quốc đủ mạnh để trở thành một mối đe dọa đối với Ấn Độ. Nhưng ông ấy khuyên họ nên đọc bản báo cáo này, “quý vị sẽ thấy họ [Trung Quốc] đã thâm nhập vào xã hội Ấn Độ sâu rộng đến thế nào.”
Theo quan điểm của ông, Trung Quốc sẽ cố gắng chiếm lấy Đài Loan và nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ hất Hoa Kỳ ra khỏi Thái Bình Dương, và đa số các quốc gia Á Châu nhỏ bé hơn sẽ đứng về phía Trung Quốc, theo ông Kokbore.
Ông nói: “Ấn Độ đang nằm dưới mối đe dọa trực tiếp đang rình rập bởi những người cộng sản Trung Quốc, cùng với những người ở Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Hồng Kông và thậm chí ở Miến Điện.
Cô Kalden Tsomo, viên chức vận động của Liên Hiệp Quốc tại Cục Tây Tạng ở Thụy Sĩ, nói rằng Trung Cộng đã “sử dụng thành thạo nghệ thuật tuyên truyền và thông tin sai lệch.”
Cô bày tỏ, “Do đó, những nỗ lực tập thể và hiệp đồng từ tất cả các bên liên quan trong việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh là rất quan trọng, hơn bao giờ hết. Chúng ta không thể chờ đợi Bắc Kinh thay đổi chính sách của họ lâu hơn nữa.”
Bà Terri Wu là một phóng viên đưa tin tổng thể có trụ sở tại khu vực đô thị thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: