Báo cáo: Trung Quốc tích cực nhất trong việc phát tán thông tin sai lệch về nguồn gốc COVID-19
Trung Quốc là quốc gia tích cực nhất trong việc tuyên truyền thông tin sai lệch về nguồn gốc của COVID-19, theo một báo cáo mới được công bố của hãng thông tấn Associated Press và Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Pháp y Kỹ thuật số của Hội đồng Atlantic có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn.
Báo cáo này là kết quả của một dự án nghiên cứu chung kéo dài 9 tháng, sau khi phân tích hàng triệu bài đăng trên mạng xã hội và các bài báo được xuất bản trong sáu tháng đầu tiên khi COVID-19 bùng phát. Nghiên cứu này đã kiểm tra các câu chuyện sai sự thật ở bốn quốc gia: Trung Quốc, Iran, Nga và Hoa Kỳ.
Trung Quốc chịu trách nhiệm phần lớn cho thông tin sai lệch về nguồn gốc của COVID-19, đại dịch do virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới gây ra.
“Đặc biệt trong khoảng thời gian ngay sau sự lây lan ban đầu của COVID-19, khi thông tin thực tế về căn bệnh này, nguồn gốc và các triệu chứng của nó còn thiếu hoặc bị che giấu-đáng chú ý nhất là bởi Trung Cộng-điều này đã cung cấp đủ không gian cho thông tin sai lệch và độc hại bén rễ,” theo báo cáo.
Chính quyền Trung Cộng đã che giấu công chúng thông tin về căn bệnh này và cũng bịt miệng tám bác sỹ ‘thổi còi’, trong đó có bác sỹ nhãn khoa Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về sự bùng phát “viêm phổi không rõ nguyên nhân” ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc trên mạng xã hội nước này.
Báo cáo chỉ ra rằng người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc (một phiên bản Twitter của đại lục) kể từ ngày 31/12/2019 đã bắt đầu viết về một thuyết âm mưu chưa được chứng minh liên hệ giữa Hoa Kỳ với sự bùng phát đại dịch. Ví dụ, một người dùng Weibo đã viết, “Hãy coi chừng người Mỹ,” trong khi một người khác viết rằng Hoa Kỳ là một trong số các quốc gia trên thế giới có phòng thí nghiệm an toàn sinh học P4.
Nhưng không có suy đoán ban đầu nào trên Weibo là “được phối hợp hoặc lan tỏa rộng rãi một cách đặc biệt.”
Trong khi đó, phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán từ lâu đã được suy đoán là nguồn gốc của virus này, từ một vụ rò rỉ tiềm tàng từ phòng thí nghiệm. Một tờ thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng trước tuyên bố họ “có lý do để tin rằng” một số nhà nghiên cứu tại viện này đã mắc bệnh với các triệu chứng phù hợp với bệnh COVID-19 vào mùa thu năm 2019, mâu thuẫn với tuyên bố của một nhà nghiên cứu tại viện này cho biết “không có sự lây nhiễm” nào giữa các nhân viên phòng thí nghiệm và sinh viên.
Một cuộc điều tra gần đây của một nhóm các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Vũ Hán đã không loại trừ khả năng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm P4 này, nhưng kết luận rằng giả thuyết nói trên là “cực kỳ khó xảy ra.” Tuần trước, Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đề nghị cần có thêm nhiều nghiên cứu để khám phá các lý thuyết về nguồn gốc khác nhau của virus.
Các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Cộng đã sớm bắt đầu điều hướng dư luận về câu chuyện đại dịch của Trung Quốc sau những lời bàn tán lẻ tẻ trên Weibo.
“Ban đầu, Trung Cộng muốn thúc đẩy nhận thức quốc tế có lợi cho mình bằng cách khuếch đại những câu chuyện về tấm lòng nhân ái của họ trong việc hỗ trợ các nước khác chống lại virus,” báo cáo này cho biết.
Theo báo cáo, vào cuối tháng Hai năm ngoái (2020), các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Cộng bắt đầu xuất bản các bài báo cho thấy rằng virus này có thể bắt nguồn từ bên ngoài Trung Quốc. Một số tờ báo cũng đưa tin tiêu cực về phản ứng của Hoa Kỳ đối với đợt bùng phát.
“Tuy nhiên, khi dịch bệnh tiếp diễn, Trung Cộng bắt đầu quảng bá các câu chuyện miêu tả các đối thủ địa chính trị của họ theo hướng tiêu cực, bao gồm cả việc thúc đẩy các thuyết âm mưu như ý tưởng rằng COVID-19 là vũ khí sinh học của Hoa Kỳ,” báo cáo này cho biết thêm.
Bản báo cáo đã phân tích một loạt các bài đăng trên Twitter của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên vào tháng 03/2020. Trong một dòng tweet hôm 12/03/2020, ông Triệu đã cáo buộc quân đội Hoa Kỳ mang virus đến Vũ Hán.
Báo cáo cho thấy rằng các tweet của ông Triệu nhắm vào Hoa Kỳ vào ngày 12/03 và 13/03 năm ngoái (2020) đã “gom được gần 47,000 lượt tweet lại và các tweet trích dẫn, được nhắc đến bằng ít nhất 54 ngôn ngữ và được yêu thích hơn 82,000 lần” tính đến ngày 13/02/2021. Những dòng tweet này cũng được “khuếch đại bởi ít nhất 30 nhà ngoại giao Trung Cộng và các tài khoản nhà nước khác.”
Các tweet của ông Triệu cũng có tác động to lớn đến công chúng trong nước của Trung Quốc. Theo báo cáo, các hashtag phổ biến đề cập đến các tweet của ông ta đã được người dùng Weibo xem hơn 300 triệu lần tính đến ngày 13/02/2021.
Bản báo cáo cũng phân tích các hoạt động trực tuyến sau các tweet khác của ông Triệu vào tháng 03/2020–những tweet đăng lại một liên kết đến một bài báo của ông Larry Romanoff được xuất bản trên Global Research Canada, một trang web nổi tiếng chuyên đưa ra các thuyết âm mưu về các chủ đề như sự nóng lên toàn cầu. Bài báo gợi ý rằng virus này có thể đã bị rò rỉ từ Fort Detrick, một phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh quân sự nổi tiếng ở Maryland.
Theo báo cáo, các lượt tìm kiếm trên Google cho cụm từ “Larry Romanoff” đã tăng đột biến vào khoảng giữa tháng Ba, sau những dòng tweet trên của ông Triệu.
Gần đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh đã đề cập lại thuyết âm mưu này bằng cách trích dẫn về Fort Detrick. Bà cho biết trong một cuộc họp báo hôm 18/01 rằng Hoa Kỳ nên mời các chuyên gia của WHO để “tiến hành truy tìm nguồn gốc” tại nước này.
Bà nói, “Nếu Hoa Kỳ thực sự tôn trọng sự thật, họ nên mở cửa phòng thí nghiệm sinh học tại Fort Detrick, minh bạch hơn đối với các vấn đề như hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học ở nước ngoài của mình.”
Hơn nữa, trên Twitter, “số lượng tài khoản ngoại giao của Trung Cộng trên nền tảng này đã tăng hơn gấp ba lần, từ 40 lên 135 trong khoảng thời gian từ tháng 05/2019 đến tháng 05/2020, và số lượng bài đăng cũng tăng gấp đôi và trở nên hung hăng và mưu mẹo hơn,” báo cáo nêu rõ. Do tường lửa kiểm duyệt của Trung Cộng, các công dân đại lục bình thường không thể truy cập được Twitter.
Do Frank Fang thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: