Báo cáo: Trung Quốc phát thải khí nhà kính nhiều hơn tổng các nước phát triển gộp lại
Trong năm 2019, Trung Quốc thải ra lượng khí nhà kính (GHG) nhiều hơn cả Hoa Kỳ và tất cả các nước phát triển khác cộng lại, theo một báo cáo được công bố hôm 06/05 của công ty nghiên cứu Rhodium Group có trụ sở tại New York.
Báo cáo chỉ ra rằng chỉ riêng Trung Quốc đã phải chịu trách nhiệm cho hơn 27% tổng lượng khí thải toàn cầu, Hoa Kỳ đứng thứ hai với 11%. Ấn Độ đứng thứ ba với 6,6%, tiếp theo là khối liên hiệp 27 quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu với 6,4%.
Theo báo cáo, lượng phát thải carbon dioxide của Trung Quốc đạt mốc 14,1 tỷ tấn (gigatons) vào năm 2019, cao hơn gấp ba lần so với năm 1990 và tăng 25% trong một thập kỷ qua. Lượng khí thải toàn cầu năm 2019 đã chạm mức 52 tỷ tấn.
Ngoài ra, phát thải bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 10,1 tấn vào năm 2019, tăng gần ba lần trong hai thập kỷ qua, theo như báo cáo công bố. Con số này thấp hơn một chút so với mức bình quân đầu người 10.5 tấn của cả 37 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cộng lại.
“Dù dữ liệu toàn cầu cuối cùng của năm 2020 chưa được phát hành, nhưng chúng tôi dự đoán rằng lượng phát thải bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ vượt mức bình quân của OECD vào năm 2020, do lượng phát thải nhà kính ròng của Trung Quốc tăng khoảng 1,7% trong khi lượng phát thải từ hầu hết các quốc gia khác giảm mạnh trong diễn biến đại dịch COVID-19,” báo cáo nêu rõ.
Trung Quốc là nhà sản xuất và sử dụng than đá lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Global Energy Monitor (Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại San Francisco cho biết, tính đến tháng 01 năm nay đã có 1.082 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động tại Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc đang xây dựng thêm 92 nhà máy và 135 nhà máy khác đang trong giai đoạn tiền xây dựng.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang tài trợ cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch tại các quốc gia đã ký kết thỏa thuận “Sáng kiến Vành đai và Con đường – BRI” của Trung Quốc. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, Trung Quốc có dự phần vào 240 nhà máy than ở các nước này vào năm 2016.
Tổ chức phi lợi nhuận này kết luận rằng: “Các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch của BRI sẽ khiến việc chống biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn.
Theo báo cáo từ hãng tin AFP vào tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đã kìm hãm các nước tham gia BRI vào một “tương lai tiêu thụ năng lượng than đá”, với các dự án khai thác than của Trung Quốc đang được tiến hành ở các nước như Zimbabwe và Pakistan.
BRI là một sáng kiến đầu tư mà Bắc Kinh triển khai vào năm 2013 nhằm xây dựng các tuyến đường thương mại nối liền Trung Quốc với các khu vực khác trên thế giới.
Để đáp lại báo cáo của Rhodium Group, Thượng nghị sĩ Rick Scott đã cảnh báo trên Twitter về việc hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề biến đổi khí hậu.
“Trung Quốc cộng sản là nước gây ô nhiễm tồi tệ nhất thế giới và chúng ta không thể tin rằng nước này sẽ làm bất cứ điều gì để thay đổi hướng đi của mình,” Thượng nghị sĩ Scott đã viết.
Ông nói thêm: “Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có các giải pháp thực sự, tuy nhiên chúng ta không thể giả vờ thỏa thuận cho có với những nước gây ô nhiễm nghiêm trọng như Trung Cộng, chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để thúc đẩy việc này.”
Sau chuyến công du Trung Quốc của đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ – John Kerry vào tháng 4, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã cam kết hợp tác để chống biến đổi khí hậu. Chuyến công du của ông Kerry đã bị một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Scott, chỉ trích, họ cho rằng đây là một nỗ lực không có kết quả.
Vài ngày sau chuyến đi của ông Kerry, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham gia một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Hoa Kỳ chủ trì vào ngày 22/04. Tại đây, ông Tập đã nói rằng Trung Quốc sẽ “hạn chế nghiêm ngặt” lượng than tiêu thụ từ năm 2021 đến năm 2025 và sẽ giảm dần trong 05 năm tiếp theo. Ông Tập cũng nhắc lại cam kết trước đó của mình vào tháng 09 năm ngoái về việc Trung Cộng sẽ trở thành quốc gia không phát thải vào năm 2060.
Gần đây, ông Kerry đã vấp phải nhiều chỉ trích từ một số nhà lập pháp Đảng Cộng hòa về nhận xét của ông trong một cuộc phỏng vấn với tờ Foreign Policy.
“Chúng ta có sự khác biệt về các quy tắc kinh tế, về không gian mạng. Chúng ta có những khác biệt khác về quyền con người, lợi ích địa chiến lược, tuy nhiên những khác biệt này không cản trở vấn đề quan trọng như đối phó với biến đổi khí hậu ”, ông Kerry nói với tờ Foreign Policy.
Hạ nghị sĩ Michael McCaul (Cộng hòa-Texas), thành viên cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói với New York Post rằng; ông Kerry nên “xem xét lại các ưu tiên của mình”.
Ông McCaul tuyên bố: “Việc yêu cầu Trung Cộng ngừng phạm tội diệt chủng không làm ‘cản trở’ ”các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu, và việc ám chỉ rằng các vấn đề khí hậu còn quan trọng hơn việc cuộc sống của hàng triệu người bị áp bức ở Trung Quốc là vô cảm và không đúng đắn.”
Hồi tháng 1, Ngoại trưởng đương thời Mike Pompeo tuyên bố rằng Trung Cộng đã thực hiện hành vi diệt chủng và “tội ác chống lại loài người” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.
Dân biểu August Pfluger (Cộng hòa-Texas), một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, hôm 06/05 đã đăng trên Twitter rằng nhận xét của ông Kerry là “kinh tởm và sai trái về mặt đạo đức.”
“Trung Quốc cộng sản đang phạm tội diệt chủng — nó cưỡng ép hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ #Uyghur vào các trại lao động, khiến nhiều người phải chịu đựng tội ác chống lại loài người. Hoa Kỳ không thể nhắm mắt làm ngơ và phớt lờ những hành vi lạm dụng này, ” ông Pfluger viết trên Twitter.
Do Frank Fang thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: