Báo cáo: Trung Cộng dẫn đầu thế giới về tấn công công dân mình ở nước ngoài
Một báo cáo mới cảnh báo rằng chính quyền Trung Cộng đang ráo riết nhắm vào những người lưu vong và các cộng đồng bất đồng chính kiến ở nước ngoài, khi nó mở rộng khả năng đàn áp công dân mình ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Bắt cóc, tấn công và đe dọa chỉ là một trong số các thủ đoạn được Bắc Kinh sử dụng để trấn áp những người chỉ trích ở nước ngoài, cũng như các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, trong một chiến dịch được nhóm ủng hộ dân chủ Freedom House mô tả là “tinh vi và toàn diện nhất” trên thế giới.
Trong một báo cáo về đàn áp xuyên quốc gia được công bố hôm 04/02/2021, Freedom House cho biết kể từ năm 2014, Trung Cộng đã dính líu đến ít nhất 214 vụ tấn công thân thể, đối với công dân nước này ở nước ngoài—một con số lớn nhất từ trước đến nay so với các quốc gia khác.
“Mức độ và quy mô toàn cầu của chiến dịch này là vô song,” báo cáo nêu rõ.
Trong một trường hợp nổi bật, các đặc vụ Trung Cộng đã bắt cóc ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), một công dân Thụy Điển sống ở Hồng Kông tại Thái Lan vào năm 2015, vì xuất bản sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Cộng. Sau đó, trong khi bị giam giữ, chính quyền Trung Cộng tuyên bố ông Quế đã từ bỏ quốc tịch Thụy Điển, và khôi phục lại quốc tịch Trung Quốc. Đầu năm 2020, ông Quế bị kết án 10 năm tù vì “cung cấp thông tin tình báo ra nước ngoài một cách bất hợp pháp.”
Theo báo cáo, mặc dù không phải tất cả các mục tiêu đều phải đối mặt với những hành vi nghiêm trọng như vậy, nhưng những người khác đã phải đối mặt với sự giám sát, quấy rối và đe dọa trực tiếp hoặc trực tuyến bởi các đặc vụ Trung Cộng hoặc bởi những tay sai của đảng này.
Những nỗ lực này khiến “nhiều Hoa kiều và người thiểu số lưu vong cảm thấy rằng Trung Cộng đang theo dõi họ, và hạn chế khả năng thực hiện các quyền cơ bản của họ ngay cả khi họ sống trong một nền dân chủ nước ngoài,” báo cáo vạch rõ.
Các mục tiêu bao gồm các dân tộc thiểu số Hồi giáo người Thổ, các học viên Pháp Luân Công, các nhà hoạt động nhân quyền và cựu đảng viên làm việc trong các cơ quan công quyền của Trung Cộng. Hàng triệu người Trung Quốc và dân tộc thiểu số ở ít nhất 36 quốc gia đều bị ảnh hưởng, nhóm này cho biết.
Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù chiến dịch này không phải là mới, nhưng Trung Cộng đã có những hành động leo thang trong những năm gần đây, khi chế độ này đã bổ sung thêm các nhóm mới để đàn áp, đặc biệt là cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.
Sau khi Trung Cộng bắt đầu giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác ở vùng xa phía tây Tân Cương vào năm 2016, Trung Cộng đã yêu cầu những người Duy Ngô Nhĩ có quốc tịch Trung Quốc trên khắp thế giới trở về Trung Quốc. Theo báo cáo, nhiều người—khi không trở về—đã bị giam giữ ở các nước, bao gồm Thái Lan và Ai Cập, và bị trục xuất về Trung Quốc một cách bất hợp pháp.
Cảnh sát Trung Cộng cũng đã buộc các thành viên gia đình của các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài, gọi điện cho họ trên WeChat, một ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc, để cảnh báo chống lại hoạt động ủng hộ của họ [dành cho người Duy Ngô Nhĩ ở đại lục].
Báo cáo nêu rõ, “Những mối đe dọa này tạo ra bầu không khí sợ hãi cho người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài.”
Các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài, một nhóm tu luyện tinh thần bị Trung Cộng đàn áp, cũng phải chịu sự trả thù của chính quyền Trung Cộng hoặc những tay sai của đảng này.
Freedom House cho hay các thành viên của nhóm đã bị “quấy rối thường xuyên và thỉnh thoảng bị tấn công thân thể bởi các thành viên của các phái đoàn Trung Quốc đến thăm hoặc những kẻ thân Bắc Kinh trong các cuộc biểu tình ở nước ngoài,” bao gồm cả ở Hoa Kỳ, Đài Loan, Cộng hòa Séc, Brazil và Argentina.
Báo cáo cũng ghi nhận trường hợp của ông Tôn Nghị (Sun Yi), một học viên Pháp Luân Công sống sót sau khi trải qua khoảng thời gian tại trại lao động khét tiếng Mã Tam Gia của Trung Quốc. Trong khi bị giam giữ, ông Tôn đã lén giấu một lá thư cầu cứu vào một món đồ hóa trang Halloween để xuất cảng. Sau đó một phụ nữ Hoa Kỳ đã phát hiện ra lá thư này vào năm 2012. Ông Tôn đã quay một bộ phim tài liệu, với những cảnh quay bí mật, kể lại những trải nghiệm của mình, và trốn đến Indonesia.
Năm 2017, ông Tôn chết vì suy thận đột ngột. Gia đình ông cho biết ông Tôn chưa bao giờ có vấn đề về thận, và bệnh viện không đưa ra chi tiết cụ thể về cái chết của ông mà vội vàng đưa thi thể ông Tôn đi hỏa táng. Không có khám nghiệm tử thi nào được thực hiện. Những tình huống này đã khiến những người ủng hộ ông Tôn nghi ngờ có hành vi bất chính.
Cathy He
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: