Báo cáo: TikTok cung cấp thông tin sai lệch về chiến tranh Ukraine cho người dùng mới
Tiktok đã lan truyền thông tin sai lệch về chiến tranh Ukraine, trong đó có những lời dối trá cả ủng hộ Nga lẫn ủng hộ Ukraine, cũng như tuyên truyền của Điện Kremlin.
Theo báo cáo gần đây của cơ quan giám sát báo chí NewsGuard, TikTok, một ứng dụng video ngắn phổ biến thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc, đã lan truyền thông tin sai lệch về chiến tranh Ukraine, trong đó có những lời dối trá cả ủng hộ Nga lẫn ủng hộ Ukraine, cũng như tuyên truyền của Điện Kremlin.
Báo cáo nêu rõ, “Các phát hiện của NewsGuard bổ sung thêm vào lượng lớn bằng chứng cho thấy TikTok đã không gán nhãn và kiểm duyệt nội dung hiệu quả, cùng với kỹ năng đẩy người dùng đến nội dung giữ chân họ trên ứng dụng, đã khiến nền tảng này trở thành mảnh đất màu mỡ cho việc lan truyền thông tin sai lệch.”
“TikTok tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho những thông tin sai lệch nguy hiểm, cung cấp cho độc giả trẻ tuổi”, báo cáo nói thêm, lưu ý rằng vào cuối năm 2021, trang này tự hào có hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, một kỷ lục mà duy chỉ Facebook có chung.
Một loạt các thông tin sai lệch
NewsGuard có được những phát hiện của mình thông qua một thực nghiệm, trong đó sáu nhà phân tích đã tạo tài khoản TikTok và tiến hành các thử nghiệm nhằm tái tạo những gì người dùng bình thường sẽ trải qua trong việc sử dụng TikTok hàng ngày của họ, mà không quan tâm đặc biệt đến việc loại bỏ nội dung đáng ngờ trên ứng dụng này.
Trong thử nghiệm đầu tiên, các nhà phân tích đã lướt qua nguồn cấp dữ liệu “Dành cho Bạn” phản ánh các tùy chọn dành riêng cho từng người dùng trên ứng dụng này trong 45 phút và dành thời gian để xem các video liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Báo cáo cho biết, trong chỉ 40 phút sử dụng, TikTok đã cung cấp cho các nhà phân tích thông tin sai lệch về cuộc xung đột, bao gồm cả luận điệu, vốn được Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược của mình, rằng chủ nghĩa phát xít mới thống trị chính phủ Ukraine; tuyên bố rằng Hoa Kỳ duy trì các phòng thí nghiệm vũ khí sinh học ở Ukraine; và quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đã xúi giục cuộc cách mạng năm 2014 diễn ra ở Ukraine.
Ngoài ra còn có nội dung phủ nhận tính xác thực của các cảnh quay tin tức đến từ Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược này bắt đầu vào ngày 24/02, và các video bịa đặt tuyên bố sai sự thật rằng các lực lượng Mỹ đang trên đường tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Bài báo nêu chi tiết cách thức, chỉ với 29 phút sau khi tạo tài khoản TikTok, một nhà phân tích nói tiếng Pháp của NewsGuard đã được giới thiệu một đoạn clip về bài diễn văn của ông Putin tuyên bố rằng “những người phát xít mới ngày nay đang nắm quyền ở Ukraine” và đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo của Ukraine vì sự mất mát nhân mạng trong cuộc xung đột này. Video này đã thu hút được 1.7 triệu lượt xem và hơn 15,000 lượt chia sẻ vào ngày 14/03.
Ở phút thứ 36, nhà phân tích này bắt gặp một đoạn video vào ngày 05/03 của một diễn giả ẩn danh tuyên bố rằng tất cả những hình ảnh về “cuộc chiến giả” ở Ukraine đều là ngụy tạo.
Trong thử nghiệm thứ hai, các nhà phân tích của NewsGuard đã tiến hành các tìm kiếm bằng cách sử dụng các cụm từ liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra, chẳng hạn như “Ukraine”, “Nga”, “Kyiv”, và “War” (chiến tranh). Theo báo cáo, chức năng tìm kiếm trên TikTok đã trình bày kết quả về các video đưa ra thêm các tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm, mặc dù TikTok cũng đã hướng người dùng đến “các nguồn đáng tin cậy” như báo Telegraph của Anh.
NewsGuard thừa nhận Tiktok thực hiện việc “xác minh” các nguồn đáng tin cậy trên ứng dụng của mình với dấu tích màu xanh lam, nhưng đặt nghi vấn về tính hiệu quả của quy trình kỹ thuật này, cho rằng kết quả tìm kiếm đáng tin cậy xuất hiện song song trực tiếp với các video truyền tải tuyên bố sai lệch và tuyên truyền ủng hộ Nga. “TikTok không cung cấp thông tin về mức độ đáng tin cậy của các nguồn tin trên nền tảng của mình,” báo cáo nêu rõ.
Báo cáo lưu ý, trong số các nguồn tin tức có đánh dấu “đã xác minh” là hồ sơ của bà Margarita Simonyan, tổng biên tập của hãng truyền thông nhà nước Nga RT, vốn đã bị nền tảng này chặn.
NewsGuard cũng đề cập đến việc TikTok thuộc sở hữu của đại công ty internet Trung Quốc ByteDance, một công ty mà chính quyền Trung Quốc có góp chút cổ phần.
Báo cáo viết, “Với sự ủng hộ ngầm mà chính phủ Trung Quốc dành cho Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine, và một số trang web được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn lặp lại tuyên truyền của Điện Kremlin một cách không chính xác, vẫn chưa rõ liệu quyền sở hữu của chính quyền Trung Quốc đối với nền tảng này có ảnh hưởng đến các quyết định về nội dung Nga-Ukraine mà TikTok đưa ra trong nhiều tuần tới và nhiều tháng tới hay không.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: