Báo cáo tiết lộ thiệt hại nhân quyền trong đầu tư toàn cầu của Trung Quốc
Một nhóm nhân quyền đã ghi nhận hơn 600 vụ vi phạm nhân quyền được cho là do các doanh nghiệp Trung Quốc ở hải ngoại gây ra từ năm 2013 đến năm 2020.
Một báo cáo (pdf) của Trung tâm Tài nguyên về Nhân quyền và Kinh doanh (BHRRC) nêu ra 679 cáo buộc về các doanh nghiệp Trung Quốc ở hải ngoại theo lĩnh vực, khu vực và vấn đề.
Báo cáo hôm 11/08 có nhan đề “‘Going Out’ Responsibly: The Human Rights Impact of China’s Global Investments”(“‘Vươn ra Toàn cầu’ có Trách nhiệm: Tác động của Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc đến Nhân Quyền”), liệt kê một loạt các mối lo ngại về nhân quyền bao gồm rủi ro môi trường, vi phạm quyền đất đai và mất đi sinh kế.
Các cáo buộc lạm dụng khác được đề cập trong báo cáo này là sự đền bù không thỏa đáng cho người dân địa phương, cùng với việc trả lương lao động thấp, những vấn đề an toàn tại nơi làm việc, cũng như ngược đãi người lao động.
Báo cáo này cho biết, “Khi các doanh nghiệp Trung Quốc—đặc biệt là các công ty năng lượng, xây dựng, cũng như các công ty khai thác mỏ và kim loại—tiếp tục đầu tư ra hải ngoại, xã hội dân sự và giới truyền thông đã đưa tin về sự gia tăng đáng tiếc trong các vi phạm xã hội, môi trường và nhân quyền—đặc biệt là ở Á Châu, Phi Châu và Mỹ Châu Latin.”
BHRRC cho biết tỷ lệ cáo buộc lạm dụng cao hơn xuất hiện ở cả các quốc gia “có nền quản trị yếu hơn” và các quốc gia dựa vào đầu tư của Trung Quốc.
Theo báo cáo này, Miến Điện (hay còn gọi là Myanmar) có số vụ lạm dụng bị cáo buộc cao nhất—gần 100 cáo buộc, tiếp theo là Peru (60), Ecuador (39), Lào (39), Campuchia (34) và Indonesia (25).
Hồi tháng 05/2021, chế độ quân sự của Miến Điện được tin là đã chấp thuận 15 dự án của Trung Quốc, bao gồm cả một nhà máy điện trị giá 2.5 tỷ USD do các công ty Trung Quốc hậu thuẫn.
Báo cáo cho biết, “Có khả năng là nhiều dự án do các công ty Trung Quốc điều hành hơn sẽ có thể được chính quyền quân sự này chấp thuận trong tương lai,” trong bối cảnh các quốc gia khác tránh xa một đất nước đang hứng chịu xung đột dân sự kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02.
Dữ liệu cũng cho thấy rủi ro nhân quyền đặc biệt cao trong các ngành công nghiệp khai khoáng và kim loại, chiếm 1/3 tổng số báo cáo, tiếp theo là các ngành xây dựng và năng lượng nhiên liệu hóa thạch.
Các nhóm nhân quyền khác – như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) – cũng đã bày tỏ những lo ngại tương tự.
Đầu tháng này, HRW đưa tin cho hay, một liên doanh do Trung Quốc điều hành đã san ủi những ngôi nhà thờ tổ tiên ở vùng đông bắc Campuchia để dọn đường cho một con đập thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), bất chấp sự phản đối rộng rãi. Khoảng 5,000 dân làng đã bị cưỡng bức di dời mà không được đền bù thỏa đáng, nhóm nhân quyền này cho biết hôm 10/08.
Theo HRW, các nhà chức trách đã yêu cầu người dân địa phương di dời đến vùng đất cao hơn. “[Nếu không,] chúng tôi không chịu trách nhiệm về bất kỳ trường hợp tử vong nào,” các quan chức cho biết.
Những phản hồi
BHRRC đã tìm thấy hơn một trăm phản hồi từ phía doanh nghiệp trong khoảng thời gian tám năm mà báo cáo của họ đề cập. Trong khi tỷ lệ phản hồi tổng thể từ các công ty tại Á Châu là hơn 50%, các công ty Trung Quốc có tỷ lệ phản hồi là 24%.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy hầu hết những phản hồi nhận được từ phía các doanh nghiệp đều [được viết] bằng Hoa ngữ. Báo cáo này đã chỉ ra sự miễn cưỡng của các công ty trong việc giao tiếp bằng Anh ngữ hoặc ngôn ngữ địa phương.
Các nhà nghiên cứu cho biết, “[Điều này có thể ảnh hưởng đến] các cộng đồng và xã hội dân sự muốn làm việc với các công ty Trung Quốc ở các quốc gia sở tại.”
Một nửa số hồi đáp này cũng tránh trả lời trực tiếp các câu hỏi, và các công ty “thường chỉ nhắc đến” các luật của địa phương, thay vì các tiêu chuẩn quốc tế.
Báo cáo cho biết: “Điều này có thể có vấn đề,” khi giải thích rằng một số quy định địa phương được soạn thảo hoặc được thực thi kém.
‘Chính sách Vươn ra Toàn cầu’
Bắc Kinh ban hành “Chính sách Vươn ra Toàn cầu” (“Going Out,” hay còn gọi là “Going Global”) vào năm 1999 để thúc đẩy đầu tư Trung Quốc ra hải ngoại và BHRRC cho biết kể từ đó “dấu chân của các doanh nghiệp Trung Quốc đã vươn ra nước ngoài một cách đáng kể.”
[Về sau] chính sách này đã được nhà lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình thúc đẩy nhiều hơn. Ông đã cho khởi động kế hoạch BRI trị giá hàng ngàn tỷ dollar vào năm 2013 nhằm liên kết Trung Quốc với Á Châu, Âu Châu, và xa hơn nữa, thông qua một mạng lưới cảng, đường sắt và đường bộ.
Những người chỉ trích nói rằng mục tiêu của Trung Quốc khi theo đuổi kế hoạch BRI này là để điều chỉnh tình trạng dư thừa công nghiệp và lao động trên toàn quốc, đồng thời đạt được tham vọng địa chính trị.
Tính đến ngày 30/01/2021, Trung Quốc tuyên bố đã ký kết 205 văn bản hợp tác liên quan đến các dự án BRI như đường sắt, cảng và đường cao tốc, với 140 quốc gia và 31 tổ chức quốc tế.
Cô Rita Li là một phóng viên của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2018.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: