Báo cáo quân sự Pháp: Chiến tranh ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc
Một nghiên cứu quân sự mới của Pháp vốn không bàn đến những mục tiêu cao nhất đã tiết lộ những hoạt động gây ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, bao gồm cả can thiệp bầu cử.
Một nghiên cứu mới do Bộ Lực lượng Vũ trang Pháp thực hiện về các hoạt động gây ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc cho thấy rằng Bắc Kinh đang thực hiện một sự chuyển hướng bất chấp mọi thủ đoạn nhằm khơi dậy nỗi sợ hãi trên thế giới, thay vì tìm kiếm cảm tình của họ. Các tác giả cho rằng trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đang áp dụng một cách có ý thức các chiến thuật gây ảnh hưởng mà họ có được bằng cách quan sát các chiến thuật tương tự mà Nga đã sử dụng.
Nghiên cứu này thật xuất sắc, song tập trung quá nhiều vào các hình thức ảnh hưởng nhỏ. Báo cáo này đã phân tích cẩn thận những mục tiêu quan trọng nhất trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh — giới tinh anh trong lĩnh vực kinh tế và chính trị hiện tại của Hoa Thịnh Đốn, London, Brussels, Berlin, Tokyo, New Delhi, và, đúng như quý vị đoán, Paris.
Trong nghiên cứu toàn diện nhất về loại hình này, các tác giả đã mạnh dạn xây dựng một hệ thống phân loại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Cộng, bao gồm tuyên truyền, luật pháp, gián điệp, và các chiến thuật gây ảnh hưởng mang tính tổ chức. Họ đề cập đến một số chủ đề gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực chính trị Trung Quốc, bao gồm can thiệp bầu cử của Bắc Kinh ở hải ngoại, lũng đoạn giới tinh anh ngoại quốc thông qua các liên hệ thương mại, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Cộng, và nỗ lực của Trung Cộng nhằm kiểm soát các câu chuyện về nạn buôn bán nội tạng toàn cầu, ngay cả khi Đảng tham gia vào việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm của Trung Quốc. Nhưng nghiên cứu này đã bỏ hoạt động gây ảnh hưởng quan trọng nhất của Bắc Kinh ra khỏi hệ thống phân loại của họ: lũng đoạn giới tinh anh ngoại quốc thông qua hối lộ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Báo cáo dài 641 trang có nhan đề “Các Hoạt động gây Ảnh hưởng của Trung Quốc: Khoảnh khắc Machiavellian” do Tiến sĩ Paul Charon và Tiến sĩ Jean-Baptiste Jeangène Vilmer tại Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), một trường quân sự danh tiếng của Pháp, thực hiện. IRSEM đã công bố báo cáo hôm 20/09. Ông Vilmer là giám đốc của IRSEM từ năm 2016. Hơn 50 nhà nghiên cứu đã đóng góp vào báo cáo này, và họ đã mất hai năm để hoàn thành báo cáo.
Hệ thống phân loại chiến tranh tuyên truyền của Trung Cộng được chia thành “các khái niệm, các nhân vật, và hành động,” với các khái niệm bao gồm tuyên truyền, gián điệp, luật pháp và ảnh hưởng mang tính tổ chức; các nhân vật là Đảng, nhà nước, quân đội và công nghiệp; và các hành động như dụ dỗ, khuất phục, thâm nhập và ép buộc.
Hai chủ đề sau được chú ý nhiều nhất, và làm thành một chương có tiêu đề là “Xâm phạm và Ràng buộc.” Ràng buộc có thể được dịch theo nhiều cách, bao gồm bắt buộc, ép buộc, ràng buộc và cưỡng chế. Chương này được thiết lập theo các mục tiêu và phương tiện, bao gồm cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, truyền thông, ngoại giao, kinh tế, chính trị, giáo dục, các bộ phận cố vấn, văn hóa và internet.
Báo cáo cũng bao gồm các nghiên cứu điển hình về Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Thụy Điển, Canada và “Chiến dịch ‘Sự Lây nhiễm 2.0’ trong suốt Đại dịch COVID-19,” trong đó Trung Cộng quảng bá thông tin sai lệch cáo buộc rằng virus corona có nguồn gốc từ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, toàn bộ chủ đề về ảnh hưởng kinh tế chỉ xứng tám trang dưới tiêu đề riêng, được chôn sâu trong nghiên cứu này. Khoản hối lộ 1.3 triệu USD của Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc John Ashe, người mà sau đó đã qua đời trong những hoàn cảnh đáng ngờ, xứng đáng được một câu duy nhất trong nghiên cứu. Còn Hunter Biden thì không hề thấy bóng dáng.
Nhưng việc phát hiện ra danh tính của ông Larry Romanoff, một người nhập cư Canada đến Thượng Hải gần như không ai biết tới, người mà Trung Cộng rõ ràng đã thuê làm tuyên truyền viên rẻ tiền, có hẳn bảy trang và được nhấn mạnh một cách tự hào trong phần giới thiệu như một sự đóng góp chính. Người ta có thể lập luận rằng quân đội Pháp chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng.
Tuy vậy, nghiên cứu gốc của các tác giả vượt quá công việc phân tích trước đó ở một số khía cạnh quan trọng, trong đó có nhóm chiến tranh tâm lý và luật pháp 311 của quân đội Trung Quốc, các hoạt động gây ảnh hưởng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, và hệ sinh thái chịu ảnh hưởng của Trung Cộng của các tổ chức tư vấn và các nhà xuất bản ở Pháp. Các tác giả sử dụng nhiều nguồn Hoa ngữ cho nghiên cứu gốc của họ.
Báo cáo này đang nhận được sự chú ý của một số tờ báo, đặc biệt là ở Pháp, mà tôi hy vọng họ sẽ lật ngược tình thế, và đánh thức công chúng Pháp đang không thanh tỉnh một cách nguy hiểm. Theo hiểu biết của tôi, các phương tiện truyền thông đưa tin hoàn toàn tích cực về báo cáo này, bao gồm CNBC, The Canadian, RFI của Pháp, FranceInfo, Le Parisien và tờ báo cánh tả mang tính biểu tượng của đất nước này, tờ Libération. Tờ The Straits của Singapore và ANI của Nam Á cũng hoan nghênh nghiên cứu mới này. The Epoch Times đã đăng bốn bài báo về báo cáo này, trong đó có một ấn bản Hoa ngữ, tất cả đều ủng hộ.
Một số chuyên gia Trung Quốc, những người mà tôi đã trao đổi, cho rằng nghiên cứu này vừa mang tính khiêu khích vừa chính xác. Ông David Cowhig viết trong một trao đổi thư tín điện tử: “Cách tiếp cận của Trung Quốc mang sắc thái Liên Xô như thế nào thật hấp dẫn. Trong khi tôi cho rằng một số trong số đó là do KMT/Đảng Cộng sản/Đệ Tam Quốc tế liên kết lâu dài với Liên Xô từ những ngày có sự tham gia của ông Mikhail Borodin trong những năm 1920, thì điều này càng làm rõ hơn”, ông viết. “Có lẽ sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến người ta dễ dàng nhìn thấy một số điều rõ ràng hơn ở người anh cả Liên Xô đáng noi gương và [do đó] cải thiện mối bang giao với người Nga?”
Ông Cowhig là một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người giàu kinh nghiệm về cả Trung Quốc và Nga.
Ông Sam Cooper, một chuyên gia Canada về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, đã phản hồi tích cực với nghiên cứu điển hình của báo cáo về Canada. “Những phát hiện của nghiên cứu sâu rộng này của Pháp liên quan đến sự can thiệp của Mặt trận Thống nhất vào nền dân chủ của Canada là chính xác và rất kịp thời. Nghiên cứu của riêng tôi đã phát hiện ra những gì giống như các nhân vật cao cấp của nhà nước trong các nhóm WeChat và Mặt trận Thống nhất ở Vancouver đã leo thang sự can thiệp trắng trợn vào các cuộc bầu cử thành phố năm 2018 của BC [British Columbia] và trong cuộc bầu cử liên bang gần đây, một số nhân vật chính đã ăn mừng việc thay đổi khu vực bầu cử quận Richmond nhắm vào Đảng Bảo Thủ và Nghị sĩ đương nhiệm Kenny Chiu.”
Tờ The Straits Times đã đưa tin tích cực về nghiên cứu điển hình ở Singapore của báo cáo, xác định các quan điểm của Bắc Kinh đối với quốc gia này là sự pha trộn giữa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa hiện thực — ví dụ: Singapore là “Trung Quốc” và là một phần của “Trung Quốc vĩ đại”, mà người Singapore nên trung thành.
Báo cáo này được đưa ra vào thời điểm tối ưu cho Singapore, quốc gia đang xem xét luật do chính phủ đề xuất chống lại sự can thiệp ngoại bang, bao gồm cả thông qua tuyên truyền và các ủy quyền địa phương.
Cho đến nay Bắc Kinh vẫn bảo lưu bình luận, mặc dù hôm 22/09 đại sứ quán của họ tại Pháp chỉ trích báo cáo này là một “hoạt động bêu xấu.”
Nghiên cứu của Pháp quan trọng ở chỗ, nó chứng minh mối quan tâm ngày càng tăng của quốc tế về ảnh hưởng phi tự do của Trung Quốc mà Trung Cộng thường tìm cách mô tả là hoàn toàn do một nghị trình được cho là chống Trung Quốc ở Hoa Thịnh Đốn gây ra. Trên thực tế, như báo cáo chứng minh, mối quan tâm về các hoạt động gây ảnh hưởng độc tài là mang tầm quốc tế và ngày càng cấp thiết.
Do đó, các tác giả không có lý do gì để loại bỏ việc lũng đoạn giới tinh anh (elite capture) ra khỏi hệ thống phân loại của họ, vì họ mô tả các ý tưởng và nguyên tắc căn bản của vấn đề lũng đoạn giới tinh anh trong các ví dụ và nghiên cứu điển hình của họ, bao gồm cả ảnh hưởng đối với các nguyên thủ quốc gia và các bộ trưởng ở Pháp, Đức, Anh Quốc, Úc, Estonia, Đài Loan và tại Liên hợp quốc. Họ cũng thảo luận về ảnh hưởng của Trung Cộng đối với các Giám đốc Điều hành trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm cả việc thông qua các quy chế tiếp cận thị trường và thông qua việc đưa các chi bộ Đảng vào các tập đoàn.
Hình thức thâu tóm giới tinh anh, như một hình thức cụ thể của ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc ở các cấp tinh anh toàn cầu, kể cả cấp nguyên thủ quốc gia, được che đậy tốt hơn. Hình thức này được cho là mạnh hơn ảnh hưởng mà Bắc Kinh có thể có đối với một quốc gia thông qua những nỗ lực rầy rà của Trung Cộng nhằm thu hút cử tri Trung Quốc ở hải ngoại thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, bao gồm quảng cáo trả phí trên các phương tiện truyền thông dòng chính và truyền thông Trung Quốc, cũng như các thủ thuật trên mạng xã hội mà tương đối dễ dàng bóc trần và nhạo báng.
Bản thân các tác giả thừa nhận rằng kiểu tuyên truyền thô lỗ này phản tác dụng với các mục tiêu của Bắc Kinh. Nhưng sự tập trung có chọn lọc của họ vào các yếu tố phản tác dụng trong các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh, hơn là hình thức thâu tóm giới tinh anh và ảnh hưởng đến kinh tế rất thành công của nhà cầm quyền này, không may lại trở thành những tạp âm gây buồn ngủ bởi vì nếu các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc thực sự phản tác dụng, thì công chúng có thể sẽ ngáp dài và quay lại giường ngủ.
Một trong những khẳng định gây tranh cãi hơn của các tác giả là Bắc Kinh tham gia vào sự “can thiệp” bầu cử toàn cầu, hơn là chỉ gây “ảnh hưởng.” Giới học thuật bàn nhiều về sự khác biệt giữa ảnh hưởng bầu cử và can thiệp bầu cử, với giả định rằng ảnh hưởng công khai không gây hại cho nền dân chủ như sự can thiệp bí mật.
Các tác giả thừa nhận một chuỗi liên tục của ảnh hưởng “vô hại” trong hình thức ngoại giao công chúng, tới ảnh hưởng xấu của sự can thiệp bí mật. Nhưng trong trường hợp các cuộc tranh cử, một phiếu bầu là một phiếu bầu, tuy nhiên Bắc Kinh có được nó, và khi họ sử dụng thuế từ những công dân Trung Quốc, những người không hề có ý kiến về cách chi tiêu tiền thuế của họ, và tiêu số tiền thuế đó ở hải ngoại vào một kết quả bầu cử, thì kết quả đó cũng là phi tự do.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Pháp có xu hướng sử dụng thuật ngữ can thiệp mạnh hơn. Việc tác động đến các cử tri gây ảnh hưởng đến cách họ bỏ phiếu, xét cho cùng, là “sự can thiệp” vào kết quả của một cuộc bầu cử. Chính sách ngoại giao công chúng của một cường quốc độc tài, như Trung Cộng, không nên được mô tả là vô hại theo cách giống như ngoại giao công chúng của một nền dân chủ như Pháp, Đức, hay Hoa Kỳ.
Các tác giả cũng đưa ra tuyên bố gây tranh cãi rằng sự can thiệp bầu cử của Trung Cộng đặc biệt nhắm vào các nhóm dân tộc gốc Hoa ở các quốc gia dân chủ. Trước những lo ngại chính đáng ngày càng tăng về sự phân biệt chủng tộc đối với người Á Châu và việc Trung Cộng sử dụng những lo ngại này cho các mục đích phi tự do của mình, các tác giả dự đoán một cách hợp lý rằng những người biện hộ cho Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để cáo buộc những phân tích của họ là phân biệt chủng tộc. Họ nhấn mạnh ngay ở phần đầu của báo cáo rằng họ không chống lại Trung Quốc hay người Trung Quốc.
Cần nhắc lại rằng những người Trung Quốc mà Trung Cộng nhắm tới để sách nhiễu đều là nạn nhân của Trung Cộng. Sau đó, những người phơi bày hành động nạn nhân hóa này [của Trung Cộng] đều được thêm vào danh sách nạn nhân của Trung Cộng thông qua tuyên truyền tăng cường.
Cuộc thảo luận của các tác giả về sự can thiệp bầu cử toàn cầu của Bắc Kinh đề cập đến vấn đề ở Úc, Campuchia, Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Canada và Hoa Kỳ, cùng các quốc gia khác. Quan điểm của họ là sự can thiệp bầu cử thể hiện rõ ràng nhất ở các khu vực bầu cử “les plus ‘sinicisées’” (có nhiều người Trung Quốc nhất) là một quan điểm đặc biệt của Pháp, mặc dù nó cũng có thể được tìm thấy ở Úc và Canada.
Ông Charon lập luận trong một email rằng “Cộng đồng người Hoa ở Pháp lớn nhất Châu Âu, lớn hơn một chút so với Anh Quốc, nhưng vẫn đứng sau Hoa Kỳ và Canada. Một lý do khác khiến cho các hoạt động [gây ảnh hưởng bí mật] ở Pháp ở mức độ tương đối thấp là quốc gia này từ lâu đã bị người Trung Quốc coi là một mục tiêu dễ dàng, hay nói cách khác là một mục tiêu dễ phá vỡ.”
Ông viết, Trung Cộng cũng khai triển các nguồn lực của mình theo các thước đo khác, và không chỉ cố gắng gây ảnh hưởng đến cộng đồng người Hoa trong nỗ lực can thiệp bầu cử, ông lưu ý rằng việc khai triển các nguồn lực của Trung Cộng trong cộng đồng người Hoa “không phải lúc nào cũng được thực hiện để gây ảnh hưởng lên cộng đồng người hải ngoại nhằm đạt mục tiêu chính trị, mà chủ yếu là để bảo vệ việc chống lại cái mà đảng này gọi là ‘sự xâm nhập văn hóa,’ hay nói cách khác là sự du nhập các tư tưởng tự do vào Trung Quốc.”
Đối với lập luận của tôi rằng việc lũng đoạn giới tinh anh và ảnh hưởng kinh tế nên xuất hiện nổi bật hơn trong hệ thống phân loại và phân tích, ông Vilmer đã đưa ra một phản hồi nhanh chóng, bao gồm những vấn đề tương đối rõ ràng, đã được giải quyết thỏa đáng ở những chỗ khác trong báo cáo. Nhưng tôi không thấy có nhiều nỗ lực để kết nối lợi ích cá nhân của Tổng thống Emmanuel Macron, cũng như của những người trong giới tinh anh ủng hộ ông, cho dù là tài chính hay chính trị, với việc ông thiếu một chính sách thực sự về Trung Quốc.
Các tác giả của báo cáo lập luận rằng, ngược lại, sự phản kháng của Pháp đối với sự cưỡng chế của Trung Quốc trước đó đã hiệu quả quá mức, đến nỗi Bắc Kinh đã phải dùng đến nhiều hình thức ảnh hưởng ngầm hơn.
Ông Vilmer viết trong một email rằng “Ở Pháp và cho đến gần đây, sử dụng đòn bẩy kinh tế là đủ. Hãy xem ví dụ mà chúng tôi đưa ra… về Tổng thống Sarkozy vào năm 2008-2009: đầu tiên ra điều kiện việc ông tham gia lễ khai mạc Thế vận hội để nối lại đối thoại [giữa] Bắc Kinh và người Tây Tạng (và thông báo rằng ông sẽ gặp Đạt Lai Lạt Ma), cuối cùng ông đã từ bỏ ý định này sau khi Trung Cộng khai triển một kho các mối đe dọa chính trị và kinh tế. Trong một thời gian dài, Pháp được coi là một mục tiêu dễ dàng: áp dụng áp lực kinh tế đủ để khiến chúng tôi nhượng bộ, vì vậy thực sự không cần thiết phải có những hoạt động ảnh hưởng phức tạp/bí mật hơn. Kể từ năm 2019-2020, điều này đang thay đổi. Đây là cái mà chúng tôi gọi là ‘Sự thức tỉnh của người Pháp’ trong phần kết luận. … Nhận thức của người Pháp đang tăng lên (như bản báo cáo này cho thấy).”
Chúng ta hãy hy vọng rằng khi nước Pháp thức tỉnh, nếu quốc gia này thức tỉnh sau nghiên cứu mang tính trung lập trên, thì họ sẽ làm tốt hơn việc tham gia với các đồng minh thực sự tập trung của Hoa Kỳ, như Anh Quốc và Úc, để đánh bại Trung Cộng một cách dứt khoát.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: