Báo cáo: Một nửa các kênh truyền thông Hoa ngữ lớn nhất ở Úc có liên kết với Mặt trận thống nhất của Bắc Kinh
Một báo cáo mới đã xác nhận mối lo ngại lâu nay về bối cảnh truyền thông Hoa ngữ của Úc bị các kênh truyền thông “thân với Trung Cộng” chỉ đạo.
Báo cáo “Môi trường ảnh hưởng” của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã phân tích nội dung, lập trường chính trị, quan hệ kinh doanh và cơ cấu quản lý của 24 hãng thông tấn Hoa ngữ lớn nhất (báo in và báo mạng), có trụ sở chủ yếu ở các thành phố lớn của nước này.
Báo cáo phát hiện thấy các Giám đốc điều hành của 12 [trong số 24] hãng thông tấn đã và đang là thành viên của các tổ chức do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, cơ quan tiên phong trong việc thâm nhập nước ngoài do Bắc Kinh kiểm soát. Đồng thời, bốn hãng thuộc quyền sở hữu trực tiếp hoặc nhận hỗ trợ tài chính từ Trung Cộng.
Một trong các hãng truyền thông Hoa ngữ trực tuyến lớn nhất là tờ Sydney Today, được biết đã có 670,000 người theo dõi vào năm 2019.
Ông Stan Chen, đồng sáng lập của Sydney Today, cũng được công bố là Phó chủ tịch của Hội đồng ở Úc về Thúc đẩy Tái thống nhất Hòa bình của Trung Quốc (ACPPRC) cho đến năm 2018.
Còn cựu chủ tịch của ACPPRC, doanh nhân tỷ phú Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo) đã thường xuyên xuất hiện trên khắp các mặt báo trong những năm gần đây vì các vụ bê bối quyên góp cho mục đích chính trị và sự sụp đổ của cựu Thượng nghị sĩ Sam Dastyari. ACPPRC cũng liên kết với một cơ quan do Mặt trận Thống nhất kiểm soát.
Tờ Sydney Today cũng đã tích cực kiểm duyệt và xóa nội dung, đặc biệt là thông tin về các cuộc điều tra của các cơ quan an ninh Úc về can thiệp từ nước ngoài, và về Pháp Luân Công, môn thiền định bị Trung Cộng đàn áp.
Các chủ sở hữu của ACB News, VAC International Media ở Queensland, Australia Pacific Media Group ở Melbourne, và Ostar Media bị phát hiện là có lợi ích kinh doanh ở Trung Quốc đại lục, điều này có thể tạo đòn bẩy để Trung Cộng tác động đến khuynh hướng biên tập của các hãng thông tấn này.
Báo cáo trên cũng cho thấy 17 [trong số 24] hãng thông tấn đã cử đại biểu tham dự Diễn đàn Truyền thông Hoa ngữ Toàn cầu tại Trung Quốc, một sự kiện lớn do những người ủng hộ nặng ký của Trung Cộng và Mặt trận Thống nhất tổ chức.
Tại sự kiện gần đây nhất vào năm 2019, những người tham dự được khuyến khích “hãy kể thật hay về câu chuyện của Trung Quốc” và thúc đẩy hợp tác giữa Trung Cộng và thế giới.
Úc thường xuyên cử một trong những phái đoàn lớn nhất tới sự kiện này, sau Hoa Kỳ và Canada. Kể từ năm 2013, đã có 92 hãng thông tấn Hoa ngữ có trụ sở tại Úc cử đại biểu đến diễn đàn này, bao gồm cả các đài truyền hình công ABC và SBS.
Trung Cộng đã chi tiêu nhiều nguồn lực đáng kể để nuôi dưỡng các mối quan hệ với các hãng truyền thông Hoa ngữ ở nước ngoài và do đó có ảnh hưởng đến cộng đồng người nói tiếng Trung rộng lớn hơn. Năm 2017, Phó trưởng ban Mặt trận Thống nhất Đàm Thiên Tinh (Tan Tianxing) đã đến thăm Sydney để gặp gỡ các lãnh đạo truyền thông địa phương nhằm khuyến khích họ quảng bá những điều được cho là lợi ích của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trong khi đó, sự ra đời của ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc WeChat cũng đã đẩy nhanh ảnh hưởng và sự lan truyền của các kênh truyền thông ủng hộ Bắc Kinh.
Nội dung trên WeChat bị Bắc Kinh trực tiếp kiểm duyệt, những bài đăng được coi là nhạy cảm hoặc bất lợi cho Trung Cộng thường bị xóa.
Đầu tháng 12/2020, một bài đăng trên WeChat của Thủ tướng Úc Scott Morrison đã bị xóa khỏi ứng dụng này. Bài đó được đăng tải để đáp lại bài đăng trên Twitter mang tính khiêu khích của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Cộng Triệu Lập Kiên coi thường Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF).
Chỉ có hai trong số 24 hãng truyền thông (The Epoch Times tiếng Trung và Vision Times Media) không có kênh WeChat.
Báo cáo này bổ sung cho những tiết lộ trước đó của cơ quan tình báo hàng đầu của Úc, Văn phòng Tình báo Quốc gia rằng Trung Cộng có ảnh hưởng hoặc kiểm soát trên 2/3 các hãng truyền thông Hoa ngữ trực tuyến.
Quyền bộ trưởng Bộ Di trú Alan Tudge cũng cảnh báo rằng “thông tin hoặc tuyên truyền độc hại” có thể được lan truyền thông qua các phương tiện truyền thông dân tộc, bao gồm các hãng thông tấn do các chính phủ “kiểm soát hoặc tài trợ.”
Daniel Y.Teng
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: