Báo cáo: Lời hứa của Trung Cộng đối với Hồng Kông bị “phá vỡ”
Một báo cáo của Hội đồng Các vấn đề Đại lục Đài Loan (MAC) cho biết hệ thống chính trị của Hồng Kông giờ đây gần như không khác gì một thành phố ở Trung Quốc đại lục, sau khi cuộc đại tu của Trung Cộng đe dọa môi trường kinh doanh tự do được bảo đảm bởi hệ thống tư pháp riêng biệt của thành phố này.
Luật an ninh quốc gia (NSL) do Trung Cộng áp đặt đã cắt đứt các giá trị cốt lõi về dân chủ, tự do và nhân quyền của thành phố. Giờ đây, chính sách một quốc gia, hai chế độ chỉ là một “sự tồn tại trên danh nghĩa,” theo báo cáo (pdf) được công bố vào tháng 07/2021.
NSL đã được cơ quan lập pháp tự phê chuẩn của Trung Cộng thông qua vào ngày 30/06/2020. Luật này hình sự hóa bốn loại tội danh được định nghĩa rộng, trong đó có: ly khai, lật đổ và cấu kết với nước ngoài. Những người bị kết tội vi phạm luật này có thể phải đối mặt với án tù chung thân. Ngoài ra, các vụ án có thể được xét xử ở Trung Quốc đại lục và luật áp dụng cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu trên thế giới.
“Không khí ảm đạm bao trùm khắp thành phố. Hơn 60% người Hồng Kông cảm thấy u ám về môi trường tương lai và tự do cá nhân,” báo cáo của MAC cho biết, dựa trên quan sát về tình hình chung của thành phố từ tháng 07/2020 đến tháng 07/2021.
Lời hứa về “mức độ tự trị cao” và “Hồng Kông do người Hồng Kông quản lý” hiện đã bị phá vỡ, báo cáo được phát hành 24 năm sau khi chủ quyền được trao cho Trung Cộng này cho hay.
Ngày 01/07/1997, Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc kiểm soát sau một thế kỷ rưỡi được cai trị dưới chính sách thuộc địa của Anh. Việc trao lại này cốt để thiết lập một mối quan hệ “một quốc gia, hai chế độ” giữa Trung Quốc và Hồng Kông mà sẽ kéo dài đến năm 2047, với Hồng Kông tồn tại như một khu vực hành chính đặc biệt.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết, luật an ninh quốc gia sâu rộng đã biến Hồng Kông từ một thành phố bán tự trị “quản lý bởi những người yêu nước” thành một thành phố “hoàn toàn do Trung Cộng kiểm soát,” thông qua việc thay đổi các quy tắc bầu cử và trừng phạt các chính trị gia ủng hộ dân chủ.
Những thay đổi sâu rộng
Năm 1997, Bắc Kinh đồng ý rằng Hồng Kông sẽ kiểm soát các vấn đề nội bộ thông qua cơ cấu chính trị của riêng mình. MAC kể từ đó đã công bố đánh giá về Hồng Kông và mối quan hệ của thành phố này với Trung Quốc hàng năm.
Tháng 11/2020, bốn nhà lập pháp Hồng Kông đã bị loại ngay sau khi Trung Cộng công bố nghị quyết cho phép giới hữu trách trục xuất những người “ủng hộ độc lập, tìm kiếm sự can thiệp của nước ngoài hoặc các hoạt động khác gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
Các công chức trong chính phủ được yêu cầu ký vào một văn bản tuyên thệ trung thành với Trung Cộng, gây ra một làn sóng từ chức.
Cuối tháng 03/2021, do các biện pháp cải cách bầu cử, các ứng cử viên cho nghị viện của thành phố đã được một ủy ban riêng thẩm tra trước, cho phép Trung Cộng dễ dàng ngăn chặn những người chỉ trích.
Dữ liệu của cảnh sát Hồng Kông được MAC trích dẫn cho thấy trong số 117 người bị bắt trong năm đầu tiên ban hành luật, 55 người thuộc phe ủng hộ dân chủ và đã tham gia bầu cử sơ bộ trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm trước.
Bắc Kinh đã bổ nhiệm giám đốc an ninh Lý Gia Siêu (John Lee) vào vị trí đứng thứ hai trong Chính phủ Hồng Kông vào ngày 25/06. Ông Lý phụ trách thực thi luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh.
Báo cáo nói rằng Đài Loan sẽ chú ý đến sự nhúng tay của Trung Cộng vào cuộc bầu cử năm tới vì các cuộc thăm dò cho thấy hơn 70% công dân Hồng Kông đã mất niềm tin vào người đứng đầu đương nhiệm, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).
Áp lực chính trị gia tăng
Hiến pháp mini của Hồng Kông—Luật Căn bản—bảo vệ cơ quan tư pháp độc lập, quyền dân chủ và bầu cử quốc hội, lẽ ra phải có hiệu lực đến năm 2047.
Tuy nhiên, khi Hội đồng Lập pháp trở nên phục tùng hơn, Trung Cộng đã tăng cường áp lực chính trị lên hệ thống tư pháp, sử dụng luật an ninh quốc gia để làm suy yếu tính độc lập của các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp. Luật cũng được áp dụng hồi tố và không có bồi thẩm đoàn.
Ví dụ, dưới NSL, ông trùm truyền thông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) đã bị buộc tội tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019. Ông đã bị từ chối bảo lãnh dưới áp lực từ cơ quan tuyên truyền của Trung Cộng. Anh Đường Anh Kiệt (Tong Ying-kit), bị cáo đầu tiên bị buộc tội theo luật an ninh quốc gia, đã bị xét xử mà không có bồi thẩm đoàn.
Trung Cộng kiểm soát nền kinh tế Hồng Kông từ xa
Sự kiểm soát và chi phối chặt chẽ của Bắc Kinh làm tăng rủi ro kinh doanh trong thành phố mặc dù nó vẫn là một lãnh thổ hải quan riêng biệt với đại lục và hoạt động như một cảng tự do, không có thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập cảng.
Ngoài ra, Hồng Kông đã bị loại khỏi chỉ số tự do kinh tế của năm nay—chỉ số do một viện chính sách có khuynh hướng bảo tồn truyền thống công bố hồi tháng 03/2021 mà Hồng Kông từng đứng đầu trong hơn hai thập kỷ. The Heritage Foundation đã giải thích rằng các chính sách kinh tế ở thành phố này “cuối cùng bị kiểm soát từ Bắc Kinh,” mặc dù công dân của nó được hưởng tự do tài chính nhiều hơn so với công dân bình thường ở Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra rằng trong số 154 công ty niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông vào năm ngoái, các công ty Trung Quốc chiếm 112 doanh nghiệp, đóng góp tới 99% tổng số tiền gọi vốn [trị giá] khoảng 50 tỷ USD. Đồng thời, vốn nước ngoài giảm do một số công ty quốc tế lớn có kế hoạch rút lui, trong đó có Vanguard—công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới—và quỹ đầu cơ Hoa Kỳ Elliott Management.
Quan hệ Đài Loan-Hồng Kông căng thẳng
MAC nói rằng Đài Loan tiếp tục ủng hộ nền dân chủ và tự do của Hồng Kông thông qua sự giúp đỡ thiết thực. Nhưng họ nhấn mạnh rằng họ đang xem xét các Luật và Quy định về Các vấn đề Hồng Kông và Macao để ngăn chặn sự xâm nhập của Trung Cộng thông qua vốn và con người.
Tháng 07/2021, chính phủ Đài Loan đã triệu hồi tất cả trừ một nhân viên khỏi văn phòng Hồng Kông của họ vì giới hữu trách đã từ chối gia hạn thị thực cho những nhân viên này. Chính quyền Hồng Kông đã yêu cầu nhân viên [Đài Loan] ký “cam kết một Trung Quốc,” điều này sẽ có nghĩa là họ thừa nhận Đài Loan là một tỉnh của Trung Cộng.
Trong khi đó, Hồng Kông đã đóng cửa văn phòng của mình tại thành phố Đài Bắc của Đài Loan hồi cuối tháng 05/2021, tuyên bố rằng sự trợ giúp đối với các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ của thành phố đã “can thiệp một cách thô bạo” vào công việc của họ và “tạo ra thiệt hại không thể vãn hồi cho mối quan hệ Hồng Kông-Đài Loan.”
Đài Loan đã thành lập Văn phòng Trao đổi và Dịch vụ Đài Loan–Hồng Kông trong khuôn khổ Dự án Viện trợ Hồng Kông vào ngày 01/07/2020, cung cấp hỗ trợ cho những người bỏ trốn sau khi NSL được áp dụng. Dữ liệu của sở di trú Đài Loan cho thấy rằng giấy phép cư trú được cấp cho những người đến từ Hồng Kông đã tăng gần gấp đôi vào năm 2020.
Do Dorothy Li thực hiện
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: