Báo cáo của Thượng viện tiết lộ cách ĐCSTQ bẫy các quan chức của Fed để làm gián điệp
Một báo cáo (pdf) do Ủy ban Thượng viện về Vấn đề An ninh Nội địa và Chính phủ công bố hôm 26/07 cho biết các nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã và đang là mục tiêu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nhiều năm.
Báo cáo cho biết: “Trung Quốc coi kiến thức tài chính và năng lực kinh tế là yếu tố then chốt cho các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của mình.”
Báo cáo tiết lộ cách nhà cầm quyền này đã thu hút các chuyên gia Mỹ trong suốt nhiều thập niên hoạt động gián điệp. “Theo yêu cầu của Ủy ban Dự trữ Liên bang,” một số thông tin nhận dạng nhất định của các cá nhân đã bị xóa, “để tránh can thiệp vào bất kỳ cuộc điều tra nào đang diễn ra, và phù hợp với thông lệ của Ủy ban,” báo cáo cho biết.
Những mục tiêu
Báo cáo cho biết, ĐCSTQ sử dụng một số chiến thuật để nhắm vào các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, từ đe dọa và ép buộc thẳng thừng, đến các chiến thuật nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn như tài trợ. “Tuy nhiên, động cơ là giống nhau: Trung Quốc có được quyền truy cập vào thông tin kinh tế và chính sách tiền tệ nhạy cảm”.
Những trường hợp được báo cáo trong cuộc điều tra này cho thấy rằng các quan chức cụ thể trong Cục Dự trữ Liên bang mà ĐCSTQ đang nhắm tới là những người có quyền truy cập vào dữ liệu bảo mật được sử dụng bởi Ủy ban Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang (FOMC), cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và giám sát các hoạt động thị trường.
Các chiến thuật mềm
Đơn cử, cá nhân A là một quan chức cao cấp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang, có đủ điều kiện truy cập thông tin FOMC Cấp III.
Năm 2010, đầu tiên ông A bị lôi kéo tham gia kế hoạch tuyển dụng của Chương trình Ngàn Nhân tài, một chương trình của ĐCSTQ có mục đích thu hút các chuyên gia Trung Quốc xuất sắc ở ngoại quốc nhằm tạo thuận tiện cho việc chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phương Tây sang Trung Quốc.
Cá nhân A đã thừa nhận rằng mình đã tham gia Chương trình Ngàn Nhân tài để đổi lấy sự tài trợ của một trường đại học Trung Quốc.
Theo báo cáo, mối liên hệ đó đã giúp ông này nhận được học hàm giáo sư thỉnh giảng tại các học viện nhà nước Trung Quốc, một thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và hợp đồng làm việc cho một chức danh giáo sư liên quan đến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cũng như mối quan hệ với một quản trị viên đại học cao cấp có liên kết với Ban Tổ chức Đảng ủy, Bộ phận có ảnh hưởng lớn trong Ủy ban Trung ương Đảng vốn giám sát gần như mọi vị trí cấp cao trong nước và quản lý các chương trình nhân tài của Trung Quốc.
Sự cưỡng chế
Tuy nhiên, ĐCSTQ đã cưỡng bức giam giữ ông này bốn lần trong một chuyến đi đến Trung Quốc vào năm 2019.
Trong những lần bị ép buộc gặp mặt, ông này được yêu cầu ký các tài liệu không được tiết lộ về các cuộc gặp.
Các quan chức Trung Quốc đã đe dọa gia đình của cá nhân A, nghe trộm điện thoại và xâm nhập vào máy điện toán của ông ta, cáo buộc ông phạm tội chống lại Trung Quốc và yêu cầu ông ta “nói những điều tốt đẹp về Trung Quốc” khi ở Hoa Kỳ.
Trong hai lần sau đó, các quan chức Trung Quốc đã thẩm vấn Cá nhân A về vị trí của ông này trong Cục Dự trữ Liên bang — cũng như quan điểm của ông về cuộc chiến thương mại và nền kinh tế Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc đã yêu cầu ông ta hợp tác với chính quyền và chia sẻ dữ liệu kinh tế nhạy cảm, không được công khai mà ông có quyền truy cập với tư cách là nhà kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang, đồng thời tư vấn cho các quan chức cao cấp của ĐCSTQ về các vấn đề kinh tế nhạy cảm, trong đó có thuế quan thương mại và thông tin của Ủy ban Thị trường Mở.
Thiếu sự bảo vệ
Cục Dự trữ Liên bang đã báo cáo vụ việc cho FBI và Bộ Ngoại giao sau khi nhận được lời khai của Cá nhân A về những gì ông này đã trải qua. Báo cáo cho biết sau đó FBI đã phỏng vấn cá nhân A.
Sau thông báo và cuộc phỏng vấn, cả FBI và Bộ Ngoại giao đều không tham vấn cho Cục Dự trữ Liên bang về những việc cần làm để ngăn chặn và giảm thiểu những sự cố như vậy trong tương lai. Nếu không có sự hỗ trợ, Cục Dự trữ Liên bang không “chắc chắn có thể làm gì khác để bảo vệ người dân [của mình],” báo cáo nêu rõ.
Theo báo cáo, vào ngày 18/07/2019, Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra một cảnh báo chung cho tất cả các nhà kinh tế về chuyến đi tới Trung Quốc.
Cô Mary Hong đã đóng góp cho Epoch Times từ năm 2020. Cô đưa tin về các vấn đề nhân quyền và chính trị của Trung Quốc.