Báo cáo của Pháp: Các hoạt động gây ảnh hưởng rộng khắp của Trung Quốc ở Canada
Báo cáo toàn diện cho thấy mức độ sâu rộng của các hoạt động gây ảnh hưởng và tuyên truyền của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Canada rất rộng khắp và thâm nhập, theo một báo cáo toàn diện được xuất bản bởi một tổ chức tư vấn trực thuộc chính phủ Pháp.
Từ việc chèn ép tiếng nói bất đồng chính kiến đến việc gây ảnh hưởng đến chính trị, truyền thông và giáo dục, từ thao túng thông tin đến lợi dụng các tổ chức địa phương, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang sử dụng mọi phương tiện phi truyền thống trong hộp công cụ của mình để lung lạc Canada và người Canada gốc Hoa, theo bản báo cáo có tiêu đề “Hoạt động Gây ảnh hưởng của Trung Quốc: Khoảnh khắc Machiavelli.”
Trong khi Canada vẫn chưa phản ứng hiệu quả với những mối đe dọa này, bản báo cáo cho biết, một tâm lý thay đổi ở Pháp đối với chế độ Bắc Kinh là điều đã dẫn đến bản báo cáo dài 640 trang do Viện IRSEM (Institut de Recherche Stratégique de l’Ecole Militaire), một tổ chức tư vấn do Bộ Lực lượng Vũ trang tài trợ, công bố hồi tháng Chín.
Các tác giả Tiến sĩ Paul Charon và Tiến sĩ Jean-Baptiste Jeangène Vilmer viết, “Sự thức tỉnh ở Pháp đối với rủi ro đặt ra do ảnh hưởng của Trung Quốc là rất rõ ràng và đang ngày càng tăng kể từ năm 2019, với sự gia tăng rõ rệt trong giai đoạn 2020-2021. Chính trong bối cảnh ‘người Pháp thức tỉnh’ vốn từ đó về sau dường như không thể vãn hồi nữa, báo cáo này đã được xuất bản.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp tuyên bố rằng họ đã “bị xúc phạm” bởi báo cáo của Viện IRSEM, bàn về các hoạt động gây ảnh hưởng và tuyên truyền ngày càng mở rộng của ĐCSTQ trên toàn thế giới. Đại sứ quán đã gọi bản báo cáo này là “thuần túy và đơn giản là một hoạt động bêu danh nhằm vào Trung Quốc” và là một mối đe dọa đối với các liên hệ bình thường giữa Pháp và Trung Quốc.
Canada bị nhắm mục tiêu
Bản báo cáo cho biết, các lợi ích của Trung Quốc ở Canada nằm “trước tiên và trên hết là ở cộng đồng người Hoa của họ, bao gồm một số lượng lớn các nhà bất đồng chính kiến có thực hoặc giả định”. Một trong những ưu tiên của nhà cầm quyền này trên toàn thế giới là ngăn chặn những người ủng hộ người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công, độc lập cho Đài Loan, và dân chủ cho Trung Quốc, và cuộc chiến đó cũng đang được tiến hành trên đất Canada.
Bản báo cáo cho biết, Canada cũng là một mục tiêu vì “sự thân cận về mọi mặt với đối thủ chính của Trung Quốc là Hoa Kỳ; tư cách thành viên của nước này trong các liên minh quan trọng như NATO và Ngũ Nhãn; vị trí ở Bắc Cực của họ; hình ảnh của họ như một nền dân chủ tự do mẫu mực, khiến họ trở thành một mục tiêu mang tính biểu tượng; và thực tế rằng họ là một nước có sức mạnh tầm trung, giúp giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn”.
Đàn áp bất đồng chính kiến
Bản báo cáo nêu bật nhiều trường hợp ĐCSTQ cố gắng bịt miệng những người và nhóm bất đồng chính kiến ở Canada mà họ đàn áp trong nước.
Chẳng hạn, tổng lãnh sự Trung Quốc tại Toronto đã bị kết tội phỉ báng vào năm 2004 vì đã bôi nhọ một doanh nhân địa phương tu luyện Pháp Luân Công. Năm 2006, thị thực của một nhân viên ngoại giao Đại sứ quán Trung Quốc đã không được gia hạn khi nhiệm vụ chính của anh ta là theo dõi và quấy rối các học viên Pháp Luân Công ở Canada bị tiết lộ.
Các cuộc biểu tình chống những người phản đối nhà cầm quyền này cũng “có hệ thống và hung hăng,” bản báo cáo viết, lấy ví dụ về việc các phái bộ Trung Quốc huy động các nhóm chống lại các cuộc biểu tình dân chủ ủng hộ Hồng Kông. Những người phản đối nhà cầm quyền này ở Canada cũng có thể bị chụp lén và bị gửi ảnh về Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến việc bị bắt giữ nếu họ cố gắng nhập cảnh vào Trung Quốc, hoặc gia đình của họ ở Trung Quốc bị gây áp lực hoặc đe dọa.
Báo cáo cho biết người Hoa bất đồng chính kiến cũng là nạn nhân của các chiến dịch bôi nhọ và đe dọa. Một trong số các ví dụ khác là trường hợp của tác giả Thịnh Tuyết (Sheng Xue), người đã đến Canada sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Năm 2012, một tháng sau khi nhận được Huân chương Kim cương của Nữ hoàng Elizabeth II, bà Thịnh được bầu làm chủ tịch của Liên Đoàn Vì Một Trung Quốc Dân Chủ. Bà ngay lập tức trở thành mục tiêu của một chiến dịch bôi nhọ, với những tin đồn và hình ảnh cắt ghép về bà lan truyền trên mạng xã hội. Báo cáo cho biết chiến dịch đã thành công trong việc gây tổn hại lớn đến tư cách thành viên của liên đoàn, cuối cùng dẫn đến sự rạn nứt và việc bà Thịnh phải từ chức.
Theo báo cáo này, việc giám sát liên tục các cộng đồng bất đồng chính kiến, tấn công mạng, từ chối cấp thị thực và giả danh làm việc xấu (đặc vụ ĐCSTQ gửi tin nhắn cho các quan chức được bầu giả danh là thành viên của một cộng đồng để làm mất uy tín của cộng đồng đó) là những công cụ khác được Bắc Kinh sử dụng ở Canada.
Ảnh hưởng đến chính trị
Phần bàn về các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị ở Canada của bản báo cáo mở đầu bằng nhận xét với đài CBC của cựu giám đốc Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) Richard Fadden về các chính trị gia chịu ảnh hưởng ngoại bang, điều từng gây chấn động vào năm 2010.
Ông Fadden cho biết, “Có một số chính trị gia thành phố ở British Columbia, và có các bộ trưởng ở ít nhất hai tỉnh mà chúng tôi nghĩ là chịu sự ảnh hưởng nói chung của ít nhất một chính phủ ngoại quốc.”
Chính phủ ngoại quốc đó được nhiều người tin là Trung Quốc và một trong những bộ trưởng trên sau đó được xác định là ông Michael Chan ở Ontario, bản báo cáo cho biết, dựa trên bản tin của Globe and Mail.
Trong khi các chính trị gia gốc Hoa bị Bắc Kinh theo sát, bản báo cáo cũng lưu ý các phương thức được sử dụng để lôi kéo các chính trị gia nói chung bằng các chuyến đi đến Trung Quốc được đài thọ toàn bộ chi phí.
Một lần nữa trích dẫn tờ Globe and Mail, bản báo cáo lưu ý rằng trong giai đoạn giữa năm 2006 và 2017, các nhà lập pháp từ Thượng viện và Hạ viện đã thực hiện 36 chuyến đi đến Trung Quốc, nhiều chuyến đi được tài trợ bởi Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc (CPIFA), một cơ quan của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Được sử dụng để xây dựng các liên minh ủng hộ ĐCSTQ trên khắp thế giới, các hoạt động của Mặt trận Thống nhất bao gồm thu thập thông tin tình báo về và cố gắng gây ảnh hưởng đến các cá nhân và tổ chức ưu tú.
Cựu nghị sĩ Đảng Tự Do John McCallum đã thực hiện các chuyến đi đến Trung Quốc trị giá 73,300 USD từ năm 2008 đến năm 2015, với chính phủ Trung Quốc hoặc các nhóm thân Bắc Kinh ở Canada đài thọ chi phí.
Ông McCallum sau đó trở thành bộ trưởng nhập cư và sau đó là đại sứ Canada tại Trung Quốc, một vị trí mà ông đã bị cách chức vào năm 2019 sau khi đưa ra các lập luận để bảo vệ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, người đã phải đối mặt với phiên tòa xét xử việc bị dẫn độ sang Hoa Kỳ vì tội gian lận.
Báo cáo mô tả ảnh hưởng của Bắc Kinh ở cấp thành phố, cũng như sự can thiệp vào các cuộc bầu cử liên bang. Trong cuộc bầu cử năm 2021 gần đây, ứng cử viên Đảng Bảo thủ Kenny Chiu, người đang tìm cách tái tranh cử trong khu vực bầu cử liên bang Steveston–Richmond East tại British Columbia, đã bị nhắm mục tiêu trong một nỗ lực tước đi phiếu bầu của ông.
Ông Chiu, người từng đưa ra những quan điểm chỉ trích Bắc Kinh trong quá khứ, cho biết ông từng là mục tiêu của thông tin sai lệch trong các chiến dịch trước đó, nhưng trong cuộc bầu cử vừa qua, lần này là “ngoại lệ.” “Không điều gì có thể so sánh với những gì tôi đã chứng kiến – đó là một cuộc tấn công đa chiều,” ông Chiu nói với The Epoch Times trong chiến dịch tranh cử, khi nhắc đến các bài đăng trên mạng xã hội, các bài bình luận trên đài phát thanh, và các bài báo trực tuyến trên các phương tiện truyền thông ủng hộ Bắc Kinh miêu tả tiêu cực về ông.
Ông Chiu cho biết ông bất ngờ bị những người từng ủng hộ mình đối xử lạnh nhạt, và điều đó được phản ánh tại thùng phiếu khi ông mất ghế vào tay ông Parm Bains của Đảng Tự Do.
Trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đăng tải các báo cáo thù địch về Đảng Bảo Thủ và lãnh đạo Erin O’Toole của đảng này, người có lập trường phản đối ĐCSTQ mạnh mẽ.
Truyền thông bị kiểm soát
Báo cáo của Viện IRSEM nói rằng tại Canada, “hầu hết toàn bộ phương tiện truyền thông Hoa ngữ đều do ĐCSTQ kiểm soát”, ngoại trừ The Epoch Times và công ty chi nhánh của hãng thông tấn này là Đài truyền hình NTD.
“[Điều này] có nghĩa là những người Hoa nhập cư nói được ít hoặc không nói được Anh ngữ hay Pháp ngữ có ít tiếp xúc tương đối với các giá trị dân chủ và tự do và không có khả năng thay đổi,” báo cáo cho hay, lưu ý rằng một số người đã sống ở Canada trong một thời gian dài nhưng vẫn mang một thái độ, tinh thần cộng sản giống như những gì mà họ đã có ở Trung Quốc.
Giáo dục
Vấn đề ảnh hưởng của ĐCSTQ trong giáo dục được thể hiện trên nhiều phương diện, báo cáo bày tỏ. Báo cáo đưa ra dữ liệu cho thấy có hơn 20% sinh viên quốc tế ở Canada là người Trung Quốc. Vấn đề là “một số sinh viên này làm việc cho Bắc Kinh,” báo cáo cho hay.
Những sinh viên này có thể giúp định hình thái độ đối với ĐCSTQ trong phạm vi nhà trường bằng việc gây áp lực lên các giáo sư hay các tiếng nói bất đồng chính kiến, và cũng có thể gửi các nghiên cứu học thuật được đánh cắp về Trung Quốc, báo cáo này giải thích.
Báo cáo này dẫn lời Giám đốc CSIS David Vigneault nói với các trường đại học lớn vào năm 2018 rằng “CSIS đánh giá rằng Trung Quốc đóng vai trò là thách thức rõ ràng và quan trọng nhất về (hoạt động gián điệp được con người thao khống) nhắm mục tiêu vào các trường đại học của Canada.”
Báo cáo này cũng bàn về chủ đề các Viện Khổng Tử, các trung tâm ngôn ngữ và văn hóa do Bắc Kinh chỉ đạo vốn lồng ghép vào tất cả các cấp học của các cơ sở giáo dục. Các trường hợp đáng chú ý được đề cập bao gồm cả quyết định của Bộ trưởng Giáo dục New Brunswick, ông Dominic Cardy, nhằm hủy bỏ hợp đồng của tỉnh này [với Bắc Kinh], nói rằng “hệ thống này đã được sử dụng như một kênh bắc cầu để mở rộng tầm ảnh hưởng.”
The National Post đưa tin rằng ông Cardy đã được tổng lãnh sự Trung Quốc có trụ sở tại Montreal ghé thăm về việc hủy bỏ hợp đồng này, người đã nói với ông rằng nếu cứ tiếp diễn hành động này sẽ gây nguy hiểm cho hoạt động thương mại giữa New Brunswick và Trung Quốc. Ông Cardy đã không hề nao núng. Tỉnh New Brunswick đã hủy bỏ chương trình này ở các trường tiểu học và trung học cơ sở vào năm 2019 và sẽ kết thúc chương trình này ở các trường trung học cho đến năm 2022.
Sự phản đối bị Ottawa giới hạn
Báo cáo trên cho biết việc chính phủ liên bang phản đối các hoạt động này trên đất Canada bị cản trở bởi sự thiếu ý chí chính trị.
Các tác giả viết, “Bất chấp những cảnh báo không ngớt từ CSIS và nhiều vụ việc được phơi bày trên báo chí, sự phản kháng về mặt chính trị – về bản chất là một khuynh hướng nhìn nhận Trung Quốc là một đối tác hơn là một mối đe dọa – vẫn mạnh mẽ tại Canada.”
Sau khi Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Meng Wangzhou) được thả và rời khỏi Canada vào hôm 24/09, và sự trở lại đồng thời của những công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor, những người đã bị giam giữ tùy tiện ở Trung Quốc trong gần ba năm, Bộ trưởng Ngoại giao Marc Garneau cho biết nước này hiện đang thực hiện cách tiếp cận tứ diện đối với Trung Quốc: “cùng tồn tại,” “cạnh tranh,” “hợp tác” và “thách thức.”
Sau tuyên bố của ông Garneau về mặt trận chính sách Trung Quốc này, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc David Mulroney đã bình luận trên Twitter: “Đừng mong đợi sự thay đổi hoàn toàn từ những người cho đến mới đây vẫn cổ vũ cam kết toàn diện. Chính sách ngoại giao của chúng ta đâu có gì sai trái ngoài một hoặc hai điều chỉnh. Và vấn đề cấp bách hiện nay là vấn đề nội địa: ảnh hưởng và sự can thiệp của Trung Quốc ở trong Canada.”
Điểm mù
Mặc dù báo cáo của Viện IRSEM này nhận diện được nhiều khía cạnh ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Canada, nhưng báo cáo đó không bàn đến sự thống trị của lực lượng [vận động] hành lang của Trung Quốc.
Ông Mulroney đã tweet hôm 06/10 rằng “Cuộc vận động hành lang Trung Quốc của Canada dốc sức vào 3 điều sai trái nghiêm trọng: sự tương đương về đạo đức của Canada và Trung Quốc, sự ác hóa của Hoa Kỳ, và phủ nhận mối đe dọa từ Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến cảm giác tội lỗi ngày càng tăng của chúng ta, sự phù phiếm ở Bắc Mỹ của chúng ta và việc chúng ta không muốn làm hoặc chi tiêu bất cứ điều gì để tự vệ.”
Báo cáo cũng không đề cập đến “việc thao khống giới tinh anh” ở Canada, nghĩa là những người Canada giàu có và quyền lực, những người làm theo Bắc Kinh để tăng lợi ích của nhà cầm quyền này và có tác động trực tiếp đến chính sách Trung Quốc của Canada.
Cuốn sách “Móng vuốt Gấu trúc: Chiến dịch Gây ảnh hưởng và Đe dọa của Bắc Kinh ở Canada” của Jonathan Manthorpe được trích dẫn nhiều trong báo cáo của Viện IRSEM. Vào năm 2019, ông Manthorpe đã viết trên Asia Times rằng vấn đề “hai Michaels” có một tác động sâu sắc đến cách giới tinh anh của Canada nhìn nhận về Trung Quốc, vốn tin rằng có một “mối bang giao đặc biệt dựa trên tình hữu nghị chân thành đối với Canada giữa các cấp lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
“Sự ảo tưởng đó là kết quả của một chiến dịch ‘thao thống tinh anh’ thành công xuất sắc được các cơ quan của ĐCSTQ dàn xếp,” ông viết.
“Chiến dịch này đã tạo ra một thái độ quá dễ chịu và không chút nghi ngờ đối với Bắc Kinh và ĐCSTQ trong số những người ra quyết định về chính trị, quan chức, học thuật và kinh doanh của Canada. Điều đó đã cho phép các cơ quan của ĐCSTQ tác động đến nền chính trị của Canada, có được quyền tiếp cận với các nguồn tài nguyên và công nghệ được cấp bằng sáng chế của Canada, kiểm soát gần như hoàn toàn việc biên tập đối với các phương tiện truyền thông Hoa ngữ của Canada và có thể phái cử các đặc vụ của Bộ An ninh Quốc gia đến Canada để đe dọa các công dân Canada, những người mà Bắc Kinh coi là bất đồng chính kiến.”
Ông Manthorpe nói với The Epoch Times rằng ông thấy bản báo cáo của Pháp này là “một công trình ấn tượng.”
Ông nói: “Cho đến nay, bộ phận người Canada này được nhắc đến, các tác giả của Viện IRSEM đã thực hiện một công việc kỹ lưỡng [là] báo cáo các nghiên cứu và đánh giá của tất cả những người Canada, những người đã cảnh báo về ảnh hưởng và sự xâm nhập của các đặc vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Vận động giới kinh doanh
Bốn ngày sau khi ông Kovrig và ông Spavor được trả tự do, Hội đồng Kinh doanh Canada-Trung Quốc (CCBC) đã tổ chức một hội thảo trên web về Kế Hoạch Năm Năm lần thứ 14 của Trung Quốc để giúp các doanh nghiệp Canada định hướng phát triển trong nền kinh tế Trung Quốc và “nắm bắt những cơ hội sắp tới trong thị trường Trung Quốc.”
Đại sứ Canada tại Trung Quốc, ông Dominic Barton và đại sứ Trung Quốc tại Canada, ông Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu), đều có bài nói trước công chúng.
Một bài mô tả về sự kiện này cho biết, “Các công ty Canada mà có thể đóng góp vào các mục tiêu mới của Trung Quốc có khả năng phát triển mạnh; còn những công ty không thể làm như vậy có khả năng sẽ phải đối mặt với một môi trường hoạt động khó khăn hơn trong những năm tới.”
Một báo cáo do CCBC và Trivium China thực hiện nói rằng “bảo đảm” an ninh kinh tế “chính là chủ đề chính của Kế Hoạch Năm Năm lần thứ 14 này.”
Một bản tóm tắt của báo cáo này lưu ý rằng “bức tranh chính trị đối với các doanh nghiệp Canada [ở Trung Quốc] đang ngày càng phức tạp hơn,” nhưng vẫn đề nghị rằng “các công ty nên cân nhắc định ra khung hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc sao cho phù hợp với các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh.”
Một trong những thành viên sáng lập của CCBC, được thành lập vào năm 1978, là Power Corporation có trụ sở tại Montreal, một công ty dịch vụ tài chính trị giá hàng tỷ dollar. Trong cuốn sách của mình, ông Manthorpe mô tả Power Corporation như là “người gác cổng hàng đầu cho các mối liên hệ chính thức của [Canada] với Trung Quốc.”
Vận động giới chính trị
Nếu những gì kể trên là một ví dụ về sự thu phục giới thượng lưu ở khía cạnh kinh doanh, thì vụ bà Mạnh đã chứng minh cách mà các cựu chính trị gia cao cấp đã cố gắng tác động đến cuộc tranh luận và chính sách về Trung Quốc.
Bản báo cáo của IRSEM cũng ghi nhận một nỗ lực hồi tháng 06/2020 của 19 cựu nghị sĩ và quan chức ngoại giao cao cấp, trong đó có hai cựu ngoại trưởng. Họ đã viết thư ngỏ cho Thủ tướng Justin Trudeau yêu cầu ông đơn phương trả tự do cho bà Mạnh. “Việc làm theo yêu cầu của Hoa Kỳ đã gây phản cảm rất lớn đối với Trung Quốc,” những người ký tên này viết và cho biết thêm rằng việc phóng thích bà Mạnh có thể giúp cho ông Kovrig và ông Spavor được tự do.
Bản báo cáo kết luận, “Suy rộng ra, bức thư này là một lời kêu gọi ‘xác định lại chiến lược Trung Quốc của Canada’ để không xa lánh Trung Quốc.”
Trong khi các thành phần trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị có thể miễn cưỡng nhận ra và giải quyết mối đe dọa từ ĐCSTQ, thì thái độ của người Canada đối với chế độ này đã trở nên thay đổi trong những năm gần đây.
Bản báo cáo trích dẫn một cuộc khảo sát năm 2019 của Nanos cho thấy hơn 80% người Canada có ấn tượng tiêu cực về những người nắm quyền của Trung Quốc và 53% cho rằng Trung Quốc đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia lớn đối với Canada.
Bản báo cáo cũng lý giải rằng vụ việc của bà Mạnh, một chính sách ngoại giao hiếu chiến hơn của Trung Quốc cũng như việc xuất bản cuốn sách của ông Manthorpe đã “khuấy động lên một cuộc tranh luận và góp phần làm gia tăng sự ngờ vực từ giới chính trị cũng như công chúng đối với Bắc Kinh.”
Bản báo cáo nhận định, “Nói khái quát hơn, những tiết lộ trong những năm gần đây về các vụ gián điệp, hoạt động gây ảnh hưởng, giam giữ hàng loạt và thậm chí, theo một số người, tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, và cuối cùng là cuộc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông trong thời kỳ đó, đã gây tổn hại đáng kể hình ảnh của Trung Quốc ở Canada, cũng như những nơi khác trên thế giới.”
Ông Noé Chartier là phóng viên của The Epoch Times tại Montreal.
Nhóm phụ trách tin tức Anh ngữ của Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo vị trí bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: