Báo cáo của Google: Chính phủ Hoa Kỳ ngày càng dựa vào phương pháp giám sát địa lý mới
Theo một báo cáo minh bạch gần đây của Google, các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ đang ngày càng trông cậy vào trát hàng rào địa lý, một chiến thuật giám sát mới mà những người theo chủ nghĩa tự do dân sự cho là vi phạm Tu chính án Thứ Tư.
Không giống như các trát thông thường cho phép giám sát các mục tiêu cụ thể, trát hàng rào địa lý cho phép cảnh sát thu thập rất nhiều dữ liệu vị trí địa lý từ các thiết bị trong một khu vực nhất định trong một khung thời gian nhất định. Những người thực thi pháp luật được cho là đã sử dụng trát hàng rào địa lý để điều tra tội phạm trong cuộc bạo loạn Black Lives Matter mùa hè năm ngoái (2020), cũng như vụ vi phạm Điện Capitol hôm 06/01 — làm dấy lên lo ngại rằng dữ liệu từ các ký giả và những người ngoài cuộc vô tội khác cũng bị thu thập trong quá trình này.
Mặc dù việc sử dụng trát hàng rào địa lý của cơ quan thực thi pháp luật đã được công chúng biết đến trong nhiều năm, báo cáo ngày 19/08 của Google là lần đầu tiên một công ty lớn tiết lộ số liệu thống kê về phương pháp giám sát này.
Theo báo cáo của Google, công ty này đã nhận được hơn 11,500 trát hàng rào địa lý từ các cơ quan liên bang, tiểu bang và địa phương chỉ trong năm ngoái — tăng từ con số 9,000 trát vào năm 2019. Google cho biết công ty này chỉ bắt đầu nhận được trát hàng rào địa lý từ năm 2016.
Báo cáo này cho biết khoảng 95% các trát hàng rào địa lý đến từ các cơ quan pháp lý của tiểu bang, phần còn lại đến từ các cơ quan liên bang. California đưa ra trát hàng rào địa lý nhiều nhất trong cả nước, chiếm khoảng 18% tổng số yêu cầu — tiếp theo là Texas (9%), Florida (8%) và Michigan (5%).
Theo Google, các trát hàng rào địa lý chiếm khoảng một phần tư nhu cầu về thông tin từ các cơ quan thực thi pháp luật vào năm 2020.
Trước năm 2019, Google nhận được tương đối ít trát hàng rào địa lý — chỉ một số ít trong quý 2 năm 2018 và không có lệnh nào trong quý đầu tiên.
Nhưng vào tháng 06/2018, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra một phán quyết mang tính bước ngoặt trong vụ kiện Carpenter kiện Hoa Kỳ (Carpenter v U.S).
Các nhóm tự do dân sự cho rằng quyết định của Carpenter là động lực thúc đẩy sự gia tăng của một số chiến thuật giám sát mới, trong đó bao gồm cả trát hàng rào địa lý, mua dữ liệu hàng loạt từ các công ty thay vì lấy dữ liệu qua trát và việc sử dụng thiết bị bắt sóng — là các thiết bị mô phỏng tháp di động và thu thập tín hiệu từ các thiết bị lân cận. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã thực hiện các “trát từ khóa” gây tranh cãi để xác định tất cả những người dùng tìm kiếm một từ khóa, cụm từ hay một địa chỉ cụ thể.
Các nhóm tự do dân sự cáo buộc rằng những phương pháp này được thiết kế để lách các biện pháp bảo vệ của Tu chính án Thứ Tư.
Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) cho biết vào tháng 12 năm ngoái: “Những trát bao trùm này lách được việc kiểm tra hợp hiến đối với sự giám sát của cảnh sát, tạo ra một lưới kéo ảo [thu thập thông tin] về các hoạt động tôn giáo, đảng phái chính trị, khuynh hướng tình dục và hơn thế nữa của chúng ta.”
Các nhà lập pháp đã ứng phó bằng luật, theo đó sẽ thiết lập các yêu cầu về bảo đảm tính minh bạch đối với một số phương pháp mới này. Tu chính án Thứ Tư là Đạo luật Not for Sale sẽ đưa ra các yêu cầu về hoạt động mua dữ liệu số lượng lớn, đồng thời Đạo luật Cell Site Simulator Warrant Act sẽ thiết lập các quy tắc tương tự đối với việc sử dụng thiết bị bắt sóng.
Dân biểu Tom McClintock (Cộng Hòa-California) nói vào tháng Sáu khi giới thiệu Đạo luật Cell Site Simulator Warrant Act, “Tu chính án Thứ Tư đúng nghĩa như những gì nó đã quy định, ngay cả trong thời đại kỹ thuật số.”
Tuy nhiên, các dự luật này chưa ra khỏi ủy ban. Dự án Giám sát của Chính phủ (POGO) cũng đã phàn nàn về việc thiếu khung pháp lý để giải quyết các trát hàng rào địa lý.
POGO nói rằng một luật để giải quyết việc sử dụng thiết bị bắt sóng của cơ quan thực thi pháp luật có thể sẽ được điều chỉnh để đưa cả trát hàng rào địa lý vào.
POGO cho biết trong phần phân tích báo cáo của Google: “Giống như thiết bị bắt sóng, cơ quan thực thi pháp luật yêu cầu dữ liệu địa lý có nguy cơ quét dữ liệu nhạy cảm về các nhóm lớn những người không bị tình nghi có hành vi sai trái.” “Pháp luật được xây dựng xung quanh yêu cầu siêu bảo đảm có thể giảm thiểu hiệu quả những nguy cơ mà trát hàng rào địa lý gây ra và đóng vai trò đồng hành quan trọng với hai dự luật đã được đưa vào xem xét.”
Mức độ toàn diện của việc sử dụng trát hàng rào địa lý của cơ quan thực thi pháp luật vẫn chưa rõ ràng, vì Google là công ty lớn duy nhất công khai số lượng yêu cầu mà họ đã nhận được. Theo cơ quan giám sát công nghệ bất vụ lợi The Markup, Microsoft đã công khai phủ nhận việc tuân theo các trát hàng rào địa lý, trong khi Apple và Facebook lại kín tiếng về vấn đề này.
Báo cáo ngày 19/08 của Google cho biết công ty này đang làm việc để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng đồng thời hỗ trợ các công việc cần thiết của cơ quan thực thi pháp luật.
Google cho biết, “Chúng tôi xem xét cẩn thận từng yêu cầu nhằm bảo đảm yêu cầu đó đáp ứng các luật hiện hành và thông báo cho người dùng khi thông tin nhận dạng của họ bị tiết lộ theo trát hàng rào địa lý, trừ khi bị luật pháp hoặc lệnh tòa án nghiêm cấm rõ ràng.”
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm đưa tin của ông cũng bao gồm cả an ninh mạng, tội phạm và tài chính hải ngoại – kể cả ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và hai năm ở Quần đảo Cayman. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: