Báo cáo của EU cáo buộc Nga, Trung Quốc gieo rắc ngờ vực về vaccine của phương Tây
Truyền thông Nga và Trung Quốc đang tìm cách gieo rắc sự ngờ vực đối với các loại vaccine COVID-19 của phương Tây một cách có hệ thống trong các chiến dịch làm sai lệch thông tin mới nhất nhằm chia rẽ phương Tây, một báo cáo của EU cho biết hôm 28/04.
Theo nghiên cứu này của EU, từ tháng 12/2020 đến tháng 04/2021, các hãng thông tấn nhà nước của cả hai quốc gia này đã tung tin giả lên mạng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau làm dấy lên các mối lo ngại về vấn đề an toàn của vaccine, tạo ra những mối liên hệ vô căn cứ giữa việc chủng ngừa và các ca tử vong ở Âu Châu, đồng thời quảng bá vaccine của Nga và Trung Quốc là tốt hơn.
Điện Kremlin và Bắc Kinh phủ nhận mọi cáo buộc của EU về việc làm sai lệch thông tin, tổ chức này thường xuyên đưa ra các báo cáo và tìm cách hợp tác với Google, Facebook, Twitter, và Microsoft để hạn chế sự lan truyền tin tức giả mạo.
Chiến thuật ngoại giao vaccine của Nga và Trung Quốc “tuân theo logic của trò chơi có tổng bằng không (zero-sum) và được kết hợp với những nỗ lực lôi kéo và làm sai lệch thông tin để làm suy yếu tín nhiệm đối với các loại vaccine do phương Tây sản xuất,” nghiên cứu này của EU do đơn vị kiểm soát thông tin sai lệch của khối này-một bộ phận thuộc nhánh chính sách đối ngoại EEAS của khối công bố.
“Cả Nga và Trung Quốc đều đang sử dụng các kênh truyền thông do nhà nước kiểm soát, những mạng lưới của các phương tiện truyền thông ủy quyền và mạng xã hội, bao gồm cả các tài khoản mạng xã hội ngoại giao chính thức, để đạt được những mục tiêu này,” báo cáo này cho biết, trích dẫn 100 ví dụ về Nga trong năm nay.
Cả EU và NATO thường xuyên cáo buộc Nga có hành động mờ ám, bao gồm cả việc đưa thông tin sai lệch, nhằm cố gắng gây bất ổn cho phương Tây thông qua việc lợi dụng những chia rẽ trong xã hội.
“Một báo cáo về thông tin sai lệch không có cơ sở thực tế tự nó là một ví dụ về thông tin sai lệch,” phái đoàn Trung Quốc tại EU cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (29/04) để phản hồi báo cáo này.
Nga phủ nhận có bất kỳ chiến thuật nào như vậy và Tổng thống Vladimir Putin đã cáo buộc những kẻ thù ngoại bang nhắm mục tiêu vào Nga bằng cách tung tin giả về virus corona.
Báo cáo còn cho biết các vấn đề về nguồn cung vaccine với AstraZeneca, cũng như những tác dụng phụ rất hiếm xảy ra với các loại vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson đã được sử dụng.
“Cả các kênh chính thức của Trung Quốc và phương tiện truyền thông ủng hộ Điện Kremlin đều đã khuếch đại nội dung về những tác dụng phụ của các loại vaccine phương Tây, xuyên tạc và xử lý một cách giật gân các báo cáo truyền thông quốc tế, và liên kết các trường hợp tử vong ở Na Uy, Tây Ban Nha và các nơi khác với vaccine Pfizer/BioNTech,” báo cáo cho biết.
Năm ngoái (2020), Trung Quốc đã tìm cách ngăn chặn một báo cáo của EU cáo buộc rằng Bắc Kinh đã lan truyền thông tin sai lệch về việc bùng phát virus corona, theo một cuộc điều tra của Reuters.
Mặc dù EU đã không chích ngừa cho 450 triệu công dân của mình nhanh chóng như Anh Quốc-quốc gia không còn là thành viên của khối này-tuy nhiên số mũi chích hiện đang gia tăng nhanh chóng, dẫn đầu là các mũi của nhà sản xuất thuốc Hoa Kỳ Pfizer và đối tác Đức BioNTech của họ.
EU cho biết thông tấn Nga đưa tin rằng “Brexit đã cứu Vương quốc Anh khỏi ‘sự hỗn loạn vaccine’ đang nhấn chìm EU.” Họ nói thêm rằng, “Những câu chuyện như vậy cho thấy một nỗ lực reo rắc chia rẽ bên trong EU.”
Trong báo cáo này, được phát hành trực tuyến tại trang https://euvsdisinfo.eu, EU cho biết tài khoản Twitter chính thức của Nga-Sputnik V đã tìm cách làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với Cơ quan Y tế Âu Châu.
Tài khoản Sputnik V đã phản hồi rằng chiến dịch thông tin sai lệch là chống lại Nga và vaccine của nước này, chứ không phải điều ngược lại.
Tài khoản Twitter này-do quỹ tài sản có chủ quyền của Nga, Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga-quản lý, vốn chịu trách nhiệm tiếp thị và quảng bá vaccine Sputnik V.
Trong khi đó, Trung Quốc đã quảng bá các loại vaccine của mình là một “sản phẩm công ích toàn cầu” và “giới thiệu chúng là phù hợp hơn cho các nước đang phát triển và cả các quốc gia Tây Balkan,” báo cáo này nhận định. Các nước Tây Balkan được coi là các thành viên EU trong tương lai.
Do Robin Emmott của Reuters thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: