Báo cáo cho thấy tác động ngày càng tăng của lạm phát lên thói quen ăn uống của người Mỹ
Một báo cáo mới từ công ty nghiên cứu thị trường Acosta cho thấy người tiêu dùng đang cảm nhận được tác động của lạm phát và đang phản ứng bằng cách ít ra ngoài đi ăn hơn hoặc chọn các nhà hàng và các loại ẩm thực có giá cả phải chăng hơn.
Trong báo cáo nghiên cứu về dịch vụ ăn uống dựa trên các cuộc khảo sát trực tuyến về người mua sắm của mình, Acosta phát hiện ra rằng 54% người tiêu dùng Hoa Kỳ đang ít ra ngoài đi ăn hơn do lạm phát.
Ông Travis King, Chủ tịch CORE Foodservice, một đại lý bán hàng hợp tác với Acosta, cho biết trong một tuyên bố: “Người tiêu dùng đang cảm thấy sức ép của lạm phát và phản ứng theo đó. Để tiếp tục tham gia các hoạt động ăn uống, nhiều người đang tập trung nhiều hơn vào chi phí.”
Khoảng ⅓ người tiêu dùng được hỏi cho biết giá cao hơn khiến họ chi tiêu ít hơn, bao gồm cả thông qua việc đặt các món rẻ hơn trong thực đơn, chọn nhà hàng rẻ hơn hoặc săn tìm các ưu đãi.
Những người Mỹ ra ngoài đi ăn cũng đang trở nên kén chọn hơn về giá cả. Trong khi chất lượng thực phẩm vẫn là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn nhà hàng, giá bữa ăn đã tăng về tầm quan trọng, đặc biệt là trong phân khúc “quán ăn nhanh bình dân.”
Trong số những thực khách bình thường ăn nhanh, cân nhắc về giá bữa ăn (41%) đã tăng 6% giữa phiên bản khảo sát này và lần khảo sát cuối cùng, thay thế sự đa dạng của thực đơn (38%) để chiếm vị trí thứ hai sau chất lượng thực phẩm (53%).
Ông King nói, sự quan tâm của người tiêu dùng đến việc ăn uống bên ngoài vẫn “mạnh hơn dự kiến trong thời kỳ lạm phát,” do nhu cầu ngày càng phụ thuộc vào dịch vụ ăn uống khi nhân viên quay trở lại văn phòng với số lượng lớn hơn.
Ông King nói, “Nhưng đỉnh điểm của lạm phát vẫn chưa đến,” đồng thời gợi ý rằng sẽ mất một thời gian trước khi áp lực giá tăng cao hiện nay biến mất và dự đoán rằng chất lượng dịch vụ sẽ ngày càng quan trọng để thu hút mọi người đến nhà hàng.
Ông nói: “Việc cung cấp trải nghiệm ăn uống có giá trị sẽ rất quan trọng để khuyến khích những người tiêu dùng đang thận trọng về chi phí trong những tháng tới.”
Báo cáo của Acosta được đưa ra sau cuộc khảo sát tuần trước từ Northwestern Mutual cho thấy lạm phát là trở ngại lớn duy nhất để đạt được an ninh tài chính khi về hưu, trong khi 65% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết họ không mong đợi lạm phát sẽ giảm vào năm 2022.
Lạm phát giá tiêu dùng đã ở mức cao nhất trong 40 năm, tăng nhanh hơn cả tiền lương và làm xói mòn sức mua của nhiều gia đình Hoa Kỳ.
Trong báo cáo của mình, Northwestern Mutual cho biết người Mỹ đang ngày càng phải dùng đến tiền tiết kiệm để đối phó với giá cả cao hơn, đồng thời lưu ý rằng tiết kiệm cá nhân trung bình đã giảm 15% từ năm 2021 đến năm 2022.
Chỉ 43% người trưởng thành ở Hoa Kỳ cho biết họ tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang phát triển mạnh mẽ, điều này diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia và giám đốc điều hành ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế.
Niềm tin của người tiêu dùng, đóng vai trò là thước đo xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng, đã giảm trong tháng Năm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, theo dữ liệu mới nhất từ cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan.
Chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng ⅔ sản lượng.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: