Báo cáo cho thấy, số người Mỹ sống dựa vào tiền lương tăng 7%
Một báo cáo mới công bố cho thấy ngày càng có nhiều người Mỹ sống dựa vào tiền lương để chi trả mặc dù tiền lương đang tăng.
PYMNTS and Lending Club đã công bố báo cáo, trong đó nói rằng 61% người Mỹ sống dựa vào tiền lương, tăng 7 điểm kể từ tháng 05/2021. Báo cáo cũng cho thấy 54% người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomers) và người cao niên đang sống bằng tiền lương.
Báo cáo này cho biết: “Ngay cả vào cuối năm 2021, với việc lo lắng của công chúng về COVID-19 không giảm bớt, thiệt hại về kinh tế đang trở nên trầm trọng hơn do sự gia tăng ổn định của giá cả đã kéo dài từ mùa xuân. Sự gia tăng lạm phát vốn đang đè nặng lên tâm trạng của người tiêu dùng nhấn mạnh những nhu cầu mà người tiêu dùng sẽ phát sinh, có thể bao gồm tích lũy tiền khả dụng và tín dụng sẵn có. Cách người tiêu dùng giải quyết những trở ngại tài chính tạm thời của họ sẽ khác nhau tùy theo mỗi người. Một số người có thể chỉ muốn làm công việc thứ hai, trong khi những người khác có thể thương lượng các điều khoản mới với một số chủ nợ và một nhóm người khác có thể quyết định rằng một khoản vay ngắn hạn là cách tốt nhất giúp họ vượt qua.”
Báo cáo đã khảo sát 3,000 người cho thấy rằng đối với các thành viên của Thế hệ Z của người Mỹ sống dựa vào tiền lương, thì khoản tiết kiệm trung bình của họ là 1,158 USD.
Số lượng lớn người Mỹ đang phải vật lộn diễn ra trong bối cảnh một số yếu tố kinh tế là khó khăn.
Bộ Lao động đã công bố dữ liệu thất nghiệp mới hôm thứ Năm (17/02), cho thấy 248,000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, một sự gia tăng đáng kể bất chấp dự đoán của các chuyên gia rằng số lượng đơn xin thất nghiệp mới sẽ giảm.
DOL cho biết: “Tỷ lệ thất nghiệp được bảo hiểm cao nhất trong tuần kết thúc hôm 29/01 là ở Alaska (2.7), California (2.7), New Jersey (2.6), Minnesota (2.5), Rhode Island (2.4), Massachusetts (2.3), New York (2.3), và Illinois (2.2). Mức tăng lớn nhất trong các đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu trong tuần kết thúc hôm 05/02 là ở Michigan (+2,884), New Jersey (+406), Kansas (+309), Delaware (+235) và Maryland (+148), trong khi mức giảm lớn nhất là ở California (-4,247), Kentucky (-3,962), Tennessee (-2,916), Illinois (-2,303) và Indiana (-1,760).”
Trong khi đó, Cục Thống kê Lao động đã công bố dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI), một dấu hiệu chính của lạm phát. Dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) này cho thấy giá cả đã tăng đáng kể 0.6% trong tháng Giêng, mức tăng mới nhất trong đợt lạm phát đang diễn ra liên tục gây áp lực cho người lao động và người sử dụng lao động trên cả nước.
BLS cho biết: “Chỉ số tất cả các mặt hàng đã tăng 7.5% trong 12 tháng kết thúc vào tháng Một, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 02/1982. Chỉ số tất cả các mặt hàng trừ lương thực và năng lượng tăng 6.0%, mức thay đổi lớn nhất trong 12 tháng kể từ giai đoạn kết thúc vào tháng 08/1982. Chỉ số năng lượng tăng 27.0% so với năm 2021 và chỉ số thực phẩm tăng 7.0%.”
Theo báo cáo hôm 17/02, người tiêu dùng đang cảm thấy bị chèn ép do giá cao hơn.
Báo cáo cho biết: “Việc tăng giá thậm chí còn kéo dài sang cả phân khúc bán lẻ giảm giá. Hãy xem xét rằng Dollar Tree gần đây đã thông báo tăng giá 25%. Hầu hết các mặt hàng của họ bây giờ sẽ có giá 1.25 USD. Tuy nhiên, việc tăng giá không ngăn cản hầu hết người Mỹ sẵn sàng chi thêm tiền khi mua sắm hoặc mua bữa tối. Như nghiên cứu của PYMNTS đã chỉ ra trước đây, nhiều người tiêu dùng đã sẵn sàng quay trở lại thói quen mua sắm trước đại dịch một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe giảm đi.”
Do Casey Harper của Center Square thực hiện
The Center Square được đưa vào hoạt động vào tháng 05/2019 để đáp ứng nhu cầu về tin tức cấp tiểu bang và nghị viện tiểu bang chất lượng cao trên khắp Hoa Kỳ. Trọng tâm công việc của chúng tôi là báo cáo kinh tế và chính quyền cấp tiểu bang và địa phương. www.thecentersquare.com
Bình Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: