Báo cáo: Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho ‘Cuộc Đàn áp xuyên quốc gia lớn nhất trên thế giới’
Theo một báo cáo gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng đã tiến hành “cuộc đàn áp xuyên quốc gia lớn nhất trên thế giới” để bảo đảm rằng các cộng đồng người Hoa trên toàn cầu đều phải tuân theo đường lối của Đảng này.
Chiến dịch rộng lớn này nhắm vào những người bất đồng chính kiến đã đào tẩu khỏi Trung Quốc và những người có quan điểm khác với chế độ này. Các chiến thuật của Bắc Kinh bao gồm gián điệp, đe dọa, quấy rối, tấn công thân thể và gây áp lực lên những người thân [của họ] ở Trung Quốc, theo báo cáo dài gần 650 trang của Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (IRSEM), một cơ quan độc lập liên kết với Bộ Các Lực lượng Vũ trang Pháp.
Báo cáo này đưa ra một cái nhìn toàn diện về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Chế độ này cũng trực tiếp gây áp lực lên ít nhất chín quốc gia nước ngoài, để yêu cầu bắt giữ các cá nhân bị chính quyền Trung Cộng truy nã [đang sống] ở những quốc gia này.
Có khoảng 60 triệu người gốc Hoa sống bên ngoài Trung Quốc, trong đó Hoa Kỳ là nơi chứng kiến bộ phận dân số người Hoa tăng nhanh nhất, theo Văn phòng các vấn đề Hoa kiều, một cơ quan hành chính trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc có liên hệ với các Hoa kiều ở hải ngoại.
Đối với chế độ này, thì bộ phận dân số đó chính là “mục tiêu ưu tiên” của các hoạt động gây ảnh hưởng, bởi vì những người này sẽ dễ dàng tiếp cận các quan điểm không bị kiểm duyệt mang tính chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và có khả năng phổ biến thông tin đó cho những người thân của mình ở Trung Quốc đại lục, theo bản báo cáo này cho biết.
Mặc dù phần lớn trong số họ có quốc tịch nước ngoài và do đó không được coi là công dân Trung Quốc, thế nhưng Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng tất cả công dân Trung Quốc ở hải ngoại đều là thành viên của một “đại gia đình Trung Hoa” ràng buộc với nhau bởi những mối liên hệ huyết thống, đồng thời dán nhãn cho những người bước ra ngoài ranh giới là “những kẻ phản bội.”
Vào ngày 23/08/2019, Đại sứ Trung Quốc tại Lithuania và các quan chức đại sứ quán Trung Quốc đã cùng tham gia vào các cuộc phản công để phá vỡ một cuộc biểu tình ủng hộ Hồng Kông vốn ủng hộ phong trào dân chủ của thành phố này ở Vilnius, Lithuania. Sau khi cảnh sát can thiệp và bắt giữ hai công dân Trung Quốc, một số nhà ngoại giao Trung Quốc đã tiếp cận cảnh sát với phù hiệu đại sứ quán của họ để yêu cầu trả tự do cho những người bị giam giữ. Lithuania sau đó đã phản đối bằng cách triệu tập phái viên Trung Quốc, nói rằng các nhân viên đại sứ quán Trung Quốc “đã tham gia vào việc tổ chức các hành động trái pháp luật.”
Tại Thụy Điển, hai doanh nhân đại diện cho nhà nước Trung Quốc đã cố gắng bịt miệng nhà hoạt động Angela Quế (Angela Gui), con gái của chủ hiệu sách người Thụy Điển gốc Hoa, ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), người đã bị Bắc Kinh kết án 10 năm tù vào năm 2020. Theo báo cáo trên, trong một cuộc gặp vào tháng 02/2019 ở Stockholm, các doanh nhân này đã hứa sẽ bảo đảm trả tự do cho cha cô nếu cô ngừng trò chuyện với giới truyền thông.
Một trong những người đàn ông đó nói với cô rằng nếu cô không hợp tác với họ, có khả năng cô sẽ không bao giờ gặp lại cha mình được nữa.
“Điều gì là quan trọng nhất đối với cô vậy? Nguyên tắc đạo đức của cô hay là cha cô?” cô Quế nhớ lại câu nói của ông ta.
Cuộc gặp trên là do đại sứ Thụy Điển tại Trung Quốc, bà Anna Lindstedt khởi xướng. Sau khi công chúng ở Thụy Điển lên tiếng chỉ trích, quốc gia này đã triệu hồi bà Lindstedt từ Bắc Kinh và đưa bà vào diện điều tra.
Ông Quế chỉ là một trong số rất nhiều người Trung Quốc ở hải ngoại đang gặp phải những mối đe dọa từ các đặc vụ của Trung Cộng.
Nữ diễn viên Canada Anastasia Lin (Anastasia Lâm) đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ vì cô là một học viên của nhóm tín ngưỡng bị đàn áp Pháp Luân Công và vì đã dám lên tiếng về nhân quyền. Cô đã bị Bắc Kinh tuyên bố là “nhân vật không được hoan nghênh” và bị từ chối cấp thị thực Trung Quốc.
Sau khi đăng quang Hoa hậu Thế giới Canada năm 2015, cô đã nhận được một cuộc gọi từ cha cô, người điều hành một doanh nghiệp lớn ở tỉnh Hồ Nam, miền nam Trung Quốc, nói với cô rằng ông đã bị lực lượng an ninh Trung Quốc ghé thăm. Dưới áp lực của chính quyền, cha của cô Lâm đã cầu xin cô hãy ngừng những hoạt động của mình.
‘Nó có thể xảy ra với bất cứ ai’
Đe dọa là một thủ đoạn khác được Trung Cộng sử dụng, báo cáo trên nêu rõ. Các mục tiêu của họ đều đã nhận được các cuộc điện thoại lăng mạ lúc nửa đêm, trong khi các nhà hoạt động và chính trị gia có quan điểm chỉ trích Trung Quốc cũng đều bị tống tiền.
Báo cáo trên cho biết, chế độ này cũng luôn tìm cách làm mất uy tín của những người bất đồng chính kiến bằng cách mạo danh họ, chẳng hạn như bằng cách nhân danh các nhà bất đồng chính kiến này để gửi các email xúc phạm đến các quan chức ngoại quốc.
Chính trị gia người Canada gốc Hoa, ông Richard Lý (Richard Lee), phó phát ngôn viên của Hội đồng Lập pháp British Columbia, đã bị giam giữ trong vòng tám giờ khi đến một sân bay Thượng Hải vào năm 2015 do có các hoạt động “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.” Cảnh sát đã kiểm tra cả điện thoại cá nhân và điện thoại chính phủ của ông trước khi trục xuất ông ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Ông Lý đã tiết lộ về trải nghiệm của mình vào năm 2019 và cho biết ông tin rằng điều đó có liên quan đến việc ông đã lên tiếng ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc, bao gồm cả việc hàng năm ông tham gia vào một buổi cầu nguyện dưới ánh nến để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Việc một quan chức danh tiếng như ông Lý có thể bị quấy rối có nghĩa là, như ông ấy tự nói, “Điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai,” theo các nhà nghiên cứu này viết.
Báo cáo này nói rằng những gì xảy ra ở Canada đều đã từng diễn ra “ở tất cả các nền dân chủ tự do với một cộng đồng Hoa kiều lớn.”
Nhắm mục tiêu đến Pháp Luân Công
Trong nỗ lực muốn xóa sổ nhóm tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, vốn đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch bức hại toàn diện của Trung Cộng vào năm 1999, Bắc Kinh đã tuyển dụng hơn 1,000 đặc vụ ở Canada, bao gồm cả những người Canada gốc Hoa, các doanh nhân và sinh viên, báo cáo trên đã viết, dẫn lời ông Hác Phụng Quân (Hao Fengjun), một cựu cảnh sát của Phòng 610, một tổ chức giống với Gestapo, được thành lập để chuyên bức hại Pháp Luân Công.
Báo cáo này cho biết, theo ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu thư ký thứ nhất của lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, chuyên phụ trách “theo dõi và bức hại” Pháp Luân Công, thì chế độ này đã thiết lập các mạng lưới cung cấp thông tin nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở Úc và Hoa Kỳ. Các nhà ngoại giao cũng được chỉ thị là phải xác định danh tính các học viên và cho họ vào danh sách đen, ngăn cản việc họ quay trở lại Trung Quốc, theo ông Trần, người đã đào tẩu sang Úc và xin tị nạn vào năm 2005.
Ông Trần còn cho biết các mạng lưới cung cấp thông tin có quy mô tương tự như ông Hác mô tả cũng đang tồn tại ở Hoa Kỳ và Úc.
Năm 2004, ông Phan Tân Xuân (Pan Xinchun), phó tổng lãnh sự Trung Quốc tại Toronto, bị kết tội phỉ báng vì đã dùng những lời lẽ vu khống để tấn công một học viên Pháp Luân Công, trong khi đó thì hai nhân viên của lãnh sự quán Trung Quốc ở Calgary đã bị phát hiện đang phát tán tài liệu gây thù hận để chống lại môn tập này tại Đại học Alberta.
Kìm hãm các hãng thông tấn ở hải ngoại
Một số nhà báo trong mạng lưới The Epoch Times cũng đã trở thành nạn nhân của chiến dịch bắt nạt từ chế độ này. Vào năm 2010, anh Đào Vương (Tao Wang), một phóng viên của đài NTD Hoa ngữ, một chi nhánh của The Epoch Times, tiết lộ rằng anh đã từng nhận được các cuộc gọi từ các đặc vụ Trung Cộng trong đó họ đưa ra những lời đe dọa giết người.
Những mối đe dọa đó đã ngày càng leo thang sau khi anh từ chối tuân theo các yêu cầu của họ.
“Họ nói rằng, ‘Anh thực sự nghĩ rằng chúng tôi không thể làm gì anh bởi vì anh đang ở Canada hả?’ Họ cũng nói rằng, ‘Nếu anh công khai nói ra điều này, thì anh’ —theo cách nói của Trung Quốc – ‘là đang đi tìm cái chết đó,’” anh Đào nói với giới thông tấn địa phương vào thời điểm đó.
Anh Đào, người cũng đã từng sở hữu một công ty ở Trung Quốc, được biết rằng các đặc vụ Trung Cộng cũng đã ghé thăm những khách hàng của anh, và nói với họ rằng anh Đào “đang tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp ở Canada gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Trung Quốc.” Cùng ngày sau khi anh nhận được cuộc điện thoại đó, thì các tài khoản ngân hàng của công ty anh ở Trung Quốc đều đã bị đóng băng.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: